Ngày 16/1, PGS-TS-BS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc (ICU) Bệnh viện Nhi Đồng 1 thông tin nơi đây vừa cho xuất viện bệnh nhân đặc biệt là em T.V.A., 15 tuổi (ngụ Tân Phú, TP.HCM) được chuyển từ Bệnh viện Nhân dân 115 sang Bệnh viện Nhi Đồng 1 từ ngày 26/10 với chẩn đoán sốc tim do viêm cơ tim tối cấp.
Các y bác sĩ can thiệp ECMO cho bé A. (Ảnh do bệnh viện cung cấp)
Người nhà kể lại 2 ngày trước bé có ho, sổ mũi, đến ngày thứ 3 bắt đầu đau bụng, nôn ói, than mệt, khó thở nên được đưa vào Bệnh viện Nhân dân 115, khi vào đến nơi thì đã suy hô hấp, trụy tim mạch. Các bác sĩ ở đây đặt nội khí quản, cho thở máy, dùng thuốc trợ tim liều cao kèm sốc điện điều chỉnh nhịp tim nhưng không cải thiện nên đã chuyển viện.
Khi đến Bệnh viện Nhi Đồng 1, bé đã hôn mê, môi tái, dùng thuốc tăng sức cơ tim và đặt máy tạo nhịp không còn hiệu quả nên đã được chuyển khẩn đến ICU để triển khai ECMO (tim phổi nhân tạo).
Nhưng đây là trường hợp chạy ECMO nặng nhất mà ê-kíp ở đây từng đối mặt: ngay cả sau khi được nối với ECMO, tình trạng huyết động học của bé vẫn không cải thiệt, huyết áp cực thấp. Vì vậy các bác sĩ đã quyết định triển khai một kỹ thuật mới là VVA-ECMO: hỗ trợ tim bằng 2 đường động mạch và 1 đường tĩnh mạch thay vì 1 đường động mạch, 1 đường tĩnh mạch như ECMO thông thường.
Cô bé cũng được áp dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy để bảo vệ não, dùng thuốc chống loạn nhịp, máy tạo nhịp tim... Rất may mắn sau hơn 48 giờ, tình trạng ổn định dần. Do bé bị tổn thương đa cơ quan (gan, thận, hệ tiêu hóa, não) nên sau đó phải phối hợp lọc máu kéo dài và điều trị thêm nhiều ngày.
Phải 2 tuần sau bé mới cai được ECMO và từng bước hồi phục và hơn 70 ngày sau, bé mới được xuất viện.
Bé T.V.A. khi đã hồi phục, nở nụ cười tươi với các y bác sĩ (Ảnh do bệnh viện cung cấp)
Viêm cơ tim là một tình trạng đặc biệt hiếm gặp nhưng cực kỳ nguy hiểm, thường không có dấu hiệu cảnh báo rõ ràng và thường khó xác định được nguyên nhân cụ thể.