Dưới đây là 7 công việc phổ biến mà các sinh viên theo học ngành ẩm thực, thực phẩm có thể tham khảo sau khi ra trường:
Đầu bếp
Đầu bếp được xem là một trong những nghề đáng mơ ước nhất của những người thích ăn uống. Vì nó vừa giúp bạn thỏa mãn "đam mê" lại vừa kiếm được tiền. Vị trí tuyển dụng đầu bếp luôn có ở mọi địa phương, từ những quán ăn bình dân đến nhà hàng năm sao.
Ẩm thực thì phong phú đa dạng nên bạn cần khởi đầu bằng việc "khoanh vùng" với sở trường, chuyên môn của mình như món Á, món Âu, món Việt, hoặc làm bánh ngọt, bánh mặn… Nếu bạn không phải người có năng khiếu thì nên theo học trường lớp bài bản, liên tục trau dồi kinh nghiệm để tiến đến các vị trí cao hơn như đầu bếp trưởng. Ngoài kỹ năng chuyên môn, bạn cần thêm kỹ năng hoạt động nhóm để quản lý nhân viên phụ bếp.
Tư vấn dinh dưỡng
Cuộc sống hiện đại đem lại sự "thừa mứa" lựa chọn, nhưng cũng kèm nhiều rủi ro như béo phì, thiếu dưỡng chất quan trọng. Nhiều người vẫn muốn bảo đảm chế độ ăn uống khỏe mạnh, nên nghề tư vấn dinh dưỡng ngày càng được chú trọng. Để làm được công việc này bạn cần học qua các khóa chuyên tu uy tín để có đầy đủ kiến thức và kỹ năng chuyên môn nhằm tạo thực đơn "chuẩn" riêng từng người.
Bạn có thể chọn làm việc tại các các trung tâm y tế, hoặc tự mở cơ sở cá nhân. Ngoài cung cấp kiến thức, thực đơn phù hợp, bạn còn phải chia sẻ, trò chuyện để giúp người khác tạo ra những thói quen tốt hơn trong nếp sống thường nhật.
Nhà nghiên cứu thực phẩm
Thực phẩm không chỉ liên quan đến "nghệ thuật" ăn uống, mà còn có thể nhìn nhận dưới góc độ ứng dụng thực tiễn. Nếu bạn thích tìm tòi nghiên cứu khoa học, thì có thể chọn học ngành công nghệ thực phẩm để học kiến thức chuyên sâu về hóa - sinh học, vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm đánh giá – phát triển sản phẩm, quản lý dây chuyền sản xuất – bảo quản, tạo nguyên vật liệu mới…
Bạn có thể tìm kiếm việc làm ở các cơ sở sản xuất và chế biến thực phẩm, hoặc các công ty kinh doanh về lĩnh vực lương thực, thực phẩm ở các trang web tìm việc tại TP.HCM. Có thể bằng niềm say mê thì bạn sẽ tạo ra được những thực phẩm công nghiệp hấp dẫn, thậm chí được đặt tên riêng cho chúng.
Chăn nuôi - trồng trọt
Thực tế, rất nhiều bạn trẻ chọn khởi nghiệp với các dự án startup về nuôi trồng thực phẩm sạch như rau củ quả organic, nuôi động vật bằng phương pháp tự nhiên – khoa học. Trong thời đại tràn ngập thực phẩm bẩn với thuốc trừ sâu, chất kích thích thì đây là một lựa chọn rất tiềm năng, dễ thu lợi.
Tuy nhiên, bạn cần phải lao động tương đối vất vả, có kiến thức nuôi trồng chuyên sâu. Bù lại bạn sẽ có nhiều trải nghiệm thú vị trong cuộc sống khi sở hữu một khu "vườn – ao – chuồng" của riêng mình. Thậm chí, nếu thuận lợi, bạn còn có thể làm giàu với các hợp đồng xuất khẩu rau củ, thịt cá sang thị trường ngoại quốc.
Chuyên thu mua/kinh doanh thực phẩm
Nếu như bạn có xu hướng "xê dịch", và thích kinh doanh thì có thể chọn nghề thương lái chuyên thu mua, hoặc kinh doanh thực phẩm. Nhiệm vụ của bạn là đưa các thành phẩm đi khắp nơi tiêu thụ nhằm hưởng tiền chênh lệch.
Công việc này sẽ giúp bạn khám phá nhiều nền ẩm thực độc đáo, có những chuyến đi thú vị. Để làm được nghề này thì bạn không chỉ cần niềm yêu thích với ăn uống, mà còn phải "nhạy" kinh doanh và hiểu biết về marketing bán hàng.
Foodstylist
Một nghề nghiệp thú vị cho những bạn trẻ yêu thích "nghệ thuật" sắp đặt với thực phẩm. Nhiệm vụ của bạn là tạo ra những bức ảnh, video tuyệt vời về một món ăn, thức uống nào đó theo yêu cầu cho tạp chí ẩm thực, menu nhà hàng, chương trình quảng cáo. Bạn lên ý tưởng nội dung, bối cảnh, vật trang trí, ánh sáng, góc máy. Đây là công việc yêu cầu sự sáng tạo cao, hướng đến trải nghiệm "ăn bằng mắt".
Foodstylist yêu cầu không chỉ về sự am hiểu món ăn, mà bạn còn phải có gu thẩm mỹ độc đáo, hiểu về nghệ thuật chụp ảnh, quay phim để cung cấp cho khách hàng thành phẩm bắt mắt theo đúng ý đồ.
Blogger ẩm thực
Nếu bạn yêu thích ẩm thực, và có khả năng chia sẻ niềm đam mê bằng ngôn ngữ viết thì có thể trở thành một blogger. Bạn tạo ra các bài viết hấp dẫn đa chủ đề như đánh giá món ăn, các địa điểm ăn phổ biến để cuốn hút người đọc. Sau đó, bạn sẽ nhận tiền tài trợ từ quảng cáo hoặc cộng đồng ủng hộ.
Bên cạnh đó, nếu bạn có thêm một ngoại hình dễ nhìn, khả năng giao tiếp gần gũi thì có thể hướng đến loại hình video. Nghề vlogger đang cho thấy một sức hút mãnh liệt, nên bạn sẽ dễ có thu nhập "khủng" nếu có các video độc đáo và lượng tương tác nhất định.