7 kỳ quan công nghệ thế giới lao đao: Những ‘ông vua Thung lũng Silicon’ trị giá 7.000 tỷ USD đứng trước ‘bước ngoặt tuổi trung niên’

Phương Linh, Theo markettimes.vn 12:00 12/05/2025
Chia sẻ

Tuổi trung niên ập đến một cách khắc nghiệt – ngay cả với các “Ông vua Thung lũng Silicon”.

7 kỳ quan công nghệ thế giới lao đao: Những ‘ông vua Thung lũng Silicon’ trị giá 7.000 tỷ USD đứng trước ‘bước ngoặt tuổi trung niên’- Ảnh 1.

Một phút trước, bạn còn là kẻ phá vỡ trật tự cũ, làm rung chuyển các ngành công nghiệp với tư cách là kẻ đổi mới trẻ tuổi. Phút sau, bạn đã phải đối mặt với vực thẳm, “ăn thủy tinh” – như cách Elon Musk thường ví von – và chứng kiến sự gián đoạn gõ cửa chính mình.

Hầu hết, nếu không muốn nói là tất cả, trong nhóm “7 kỳ quan công nghệ” (ám chỉ 7 ông lớn gồm Amazon, Alphabet, Meta, Nvidia, Tesla, Microsoft, Apple) đều đang ở trong tình thế đó – một cách kỳ lạ, họ đang cùng lúc vật lộn để hiểu mối đe dọa từ trí tuệ nhân tạo (AI) đối với đế chế của mình.

Thực tế này đã được phơi bày trong vài tuần qua: Cổ phiếu của Alphabet đã giảm hơn 7% vào thứ tư sau khi một giám đốc cấp cao của Apple tiết lộ rằng lượng truy cập Google Search trên các thiết bị dùng trình duyệt Safari đã giảm lần đầu tiên trong 20 năm.

Về phần mình, Giám đốc điều hành Apple – Tim Cook – đang cố gắng “câu giờ” cho công ty, khi kêu gọi các nhà đầu tư kiên nhẫn trong cuộc họp báo cáo tài chính mới nhất, trong bối cảnh Apple trì hoãn ra mắt các tính năng AI cho iPhone.

Trong khi đó, nhà đồng sáng lập Facebook – Mark Zuckerberg – đang cố gắng vẽ nên một tương lai tươi sáng cho cỗ máy kiếm tiền từ quảng cáo của mình, bằng cách định vị đây như một “người bạn AI” dành cho những ai đang cô đơn.

Ngay cả Elon Musk cũng có vẻ đang toát mồ hôi khi quay trở lại Tesla sau chuyến “ngao du với DOGE”, cố gắng cứu vãn giá cổ phiếu hãng xe điện đang lao dốc bằng lời hứa sẽ triển khai xe tự lái. “Chúng tôi không cận kề cái chết đâu – thậm chí còn chưa gần”, Musk trấn an các nhà phân tích gần đây.

Công bằng mà nói, chưa có “ông lớn” nào thực sự gục ngã – ít nhất là chưa. Và họ vẫn có rất nhiều lý do để lạc quan – bởi họ là những trụ cột siêu lợi nhuận của giới doanh nghiệp Mỹ, với tổng giá trị thị trường lên đến khoảng 7.000 tỷ USD.

Tuy nhiên, ngã rẽ mà họ đang cùng đứng trước, và cách mỗi người phản ứng, lại trông chẳng khác nào những ví dụ điển hình cho phiên bản thế kỷ 21 của cuốn sách kinh điển về kinh doanh: “The Innovator’s Dilemma” (Nghịch lý của nhà đổi mới).

NGHỊCH LÝ ĐỔI MỚI

Tác giả Clayton Christensen từng cố gắng lý giải cách mà những sản phẩm hay dịch vụ mới có thể thay thế các "ông lớn" hiện tại bằng việc tạo ra những thị trường hoàn toàn mới. Chính cuốn sách của ông đã khiến thuật ngữ “disruption” (sự gián đoạn/sự phá vỡ) trở nên cực kỳ phổ biến trong các phòng họp – dù không phải lúc nào cũng được dùng đúng theo ý ông mong muốn.

Cốt lõi lý thuyết của ông là: Những công ty thành công, làm mọi thứ dường như đúng đắn, vẫn có thể thất bại khi các doanh nghiệp nhỏ hơn – không bị ràng buộc bởi tư duy cũ – trỗi dậy, thường nhờ vào công nghệ hay quy trình mới. Hãy nghĩ đến việc Netflix nhắm đến người dùng bằng hình thức cho thuê DVD qua đường bưu điện, trái ngược hoàn toàn với mô hình cửa hàng truyền thống của Blockbuster.

Nhiều người từng tìm đến cuốn sách này để giải thích cho làn sóng dot-com – làn sóng đã sản sinh ra thế hệ anh hùng mới của Thung lũng Silicon. Và hiện nay, có nhiều điểm tương đồng đang lặp lại.

Cũng giống như Internet từng là một công nghệ mới có thể làm được rất nhiều thứ, AI ngày nay cũng mở ra vô vàn hứa hẹn. Nhưng ở giai đoạn sơ khai hiện tại, chưa ai có thể chắc chắn AI sẽ được triển khai ra sao – bởi ai và vào lúc nào.

Ví dụ, Pets.com từng được kỳ vọng là kẻ chiến thắng – nhưng rốt cuộc lại không phải. Đó chính là điểm then chốt. Ngay cả Christensen cũng từng gặp khó khăn trong việc dự đoán ai mới là “kẻ phá bĩnh” thực sự – như iPhone của Apple chẳng hạn.

Khi chiếc điện thoại này ra mắt vào năm 2007, vị giáo sư Harvard không hề xem đó là một mối đe dọa với ngành công nghiệp điện thoại. Thế nhưng thực tế, thiết bị ấy lại khai sinh ra một kỷ nguyên mới của điện toán di động và nền kinh tế ứng dụng (App Economy).

Tuy nhiên, chính thị trường ứng dụng đó ngày nay có thể sẽ trông rất khác nếu các công ty tiếp cận người dùng bằng những cách mới. Ví dụ, các “AI agent” (tác nhân AI) có thể sẽ làm đảo lộn toàn bộ mô hình App Store như chúng ta vẫn biết.

Cho đến nay, câu trả lời của Apple đối với AI dường như vẫn thiên về “đánh bóng truyền thông” hơn là sản phẩm thực tế. “Chúng tôi chỉ cần thêm thời gian để hoàn thiện sản phẩm sao cho đạt chuẩn chất lượng cao của Apple”, Tim Cook nói với các nhà đầu tư trong cuộc họp báo cáo tài chính gần đây, lý giải cho sự chậm trễ của các tính năng AI.

Ít nhất thì Google còn có trợ lý AI – Gemini – dù chưa rõ chatbot này có đủ sức cứu vãn “cỗ máy kiếm tiền” thực sự của công ty hay không: Ngành quảng cáo, vốn chiếm phần lớn doanh thu năm ngoái. Đó là rất nhiều quảng cáo được bán dựa vào việc người dùng click vào các đường link – trong một thế giới mà ngày càng nhiều người đặt câu hỏi trực tiếp với chatbot, như: “ The Innovator’s Dilemma là sách nói về gì?”

Tuy nhiên, điều gây ngạc nhiên là vẫn chưa có nền tảng công nghệ nào chiếm ưu thế tuyệt đối trong lĩnh vực này.

Và điều đó mở ra hy vọng cho những người như Sarah Guo – một nữ nhà đầu tư mạo hiểm trẻ tuổi tại Thung lũng Silicon. Cô đang tìm cách tạo dấu ấn bằng cách rót vốn vào các startup AI tiềm năng – những cái tên có thể lật đổ các “ông lớn” hiện tại.

“Có rất nhiều lập luận chiến lược kiểu như: Công ty này không nên tồn tại, vì Microsoft, Apple hay Google lẽ ra phải là người làm ra nó”, Sarah chia sẻ trong một tập gần đây của podcast Bold Names . “Nhưng với những công ty lớn đã ổn định, việc sáng tạo một sản phẩm mới mang tính rủi ro là điều không hề dễ dàng”.

Cứ hỏi Google thì rõ. Những ngày đầu ra mắt Gemini của hãng đã vấp phải làn sóng chỉ trích, buộc công ty phải liên tục xin lỗi và hứa sẽ cải thiện sau khi chatbot này bị cho là thiên vị và – theo lời CEO Sundar Pichai – là “không thể chấp nhận được”. Việc ra mắt Gemini diễn ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại rằng startup OpenAI đang dẫn đầu trong cuộc đua AI, dù Google vốn đã nghiên cứu AI từ lâu.

“Không có AI nào là hoàn hảo, đặc biệt là ở giai đoạn mới nổi hiện tại của ngành. Nhưng chúng tôi hiểu rằng tiêu chuẩn dành cho Google là rất cao, và chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực – dù mất bao lâu đi nữa”, Pichai viết vào thời điểm đó.

Đôi khi, những đổi mới mang tính đột phá mà chúng ta thường gán nhãn là “gián đoạn”, thực chất lại giúp củng cố các doanh nghiệp hiện có.

Microsoft – công ty hiện đã vượt Apple về giá trị vốn hóa thị trường – đang cho thấy tầm nhìn chiến lược khi tích hợp AI vào các sản phẩm phục vụ công việc. Nvidia cũng là cái tên hưởng lợi lớn từ làn sóng AI, khi các công ty đổ xô mua chip cao cấp của họ để huấn luyện mô hình.

Tuy nhiên, sự trỗi dậy của các mô hình AI mới đến từ Trung Quốc như DeepSeek – vốn được cho là sử dụng sức mạnh tính toán rẻ hơn đáng kể – lại đặt ra những câu hỏi mới: Giá trị thực sự của công nghệ AI sẽ rơi vào đâu?

Tất cả đều là một bài toán nan giải. Nhưng ít ra, vẫn chưa ai “chết” – ít nhất là "chưa".

Theo: WSJ

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày