Đại học có thể là con đường nhanh nhất để dẫn tới thành công, nhưng không phải là tất cả.
Thực tế chứng minh, nhiều tỷ phú đình đám trên thế giới như Bill Gates hay Mark Zuckerberg cũng bỏ dở đại học để theo đuổi con đường riêng, rồi trở thành những người giàu nhất thế giới.
Ở Việt Nam, không thiếu những doanh nhân nổi tiếng một tay khuấy đảo thương trường nhưng chưa một ngày ngồi trên giảng đường đại học.
Ông Lê Phước Vũ sinh năm 1963, trong một gia đình nghèo ở Bình Định. Khởi nghiệp năm 31 tuổi, vị doanh nhân này đã biến một cơ sở bán tôn nhỏ lẻ thành một công ty lớn mạnh chỉ sau 7 năm tích lũy vốn và kinh nghiệm.
Đến nay, Tập đoàn Hoa Sen của ông vẫn giữ vững vị trí hàng đầu trên thị trường, chiếm tới 40% thị trường. Bản thân ông Vũ cũng đứng thứ 55 trong danh sách những người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam, với giá trị tài sản lên đến 1.792 tỷ VNĐ.
Nhìn vào những thành công trên, khó ai có thể tưởng tượng ông Vũ lại chưa từng một ngày học tại đại học. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, ông học trung cấp vận tải ô tô, rồi vào Nam kiếm tiền bằng đủ thứ nghề như lái xe, làm đội xe khoán cắt tôn thuê, đòi nợ,...
Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh - Gia Lai sinh năm 1962 tại Bình Định. Ông từng là đại gia giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam năm 2008, nổi tiếng nhờ kiên trì đầu tư hơn 2.000 tỷ VNĐ cho bóng đá nước nhà suốt 20 năm qua.
Bầu Đức là một trường hợp khá xui xẻo, bởi ông chọn học đại học, nhưng đại học lại không chọn ông. Năm 20 tuổi, ông vào Sài Gòn thi đại học nhưng không thành công. Không nản chí, bầu Đức vừa ôn thi vừa đi làm trong thời gian chờ, nhưng vẫn trượt cả 4 lần thi lại sau đó.
"Con đường học vấn không mỉm cười với mình thì nên chọn con đường khác. Mọi con sông đều dẫn ra biển lớn, mọi con đường đều chia ra những lối rẽ riêng", ông nói.
Năm 1990, bầu Đức thành lập Xí nghiệp tư nhân Hoàng Anh chuyên đóng bàn ghế cho học sinh. Nhờ sự sáng tạo và táo bạo của mình, ông đã biến phân xưởng nhỏ này thành một doanh nghiệp lớn, làm ăn phát đạt trên nhiều lĩnh vực.
"Tôi không có bằng đại học nhưng có khoảng 10.000 cử nhân đã làm việc cho tôi. Có những người học ở Mỹ tốt nghiệp đại học loại xuất sắc…", ông chia sẻ.
"Chúa đảo Tuần Châu" ít khi nhắc đến khối tài sản khổng lồ của mình, nhưng độ giàu của ông thì khỏi cần bàn cãi. Vị doanh nhân này luôn "gây bão" dư luận với những phi vụ đầu tư táo bạo, cùng các khoản từ thiện hết sức hào phóng (mua thiệp 600 triệu VNĐ, bán biệt thự 12 tỷ và Rolls-Royce Phantom để ủng hộ nạn nhân bão lũ,...).
Khác với nhiều doanh nhân Việt, con đường học vấn của ông Tuyển dừng lại từ khá sớm. Năm 15 tuổi, ông rời ghế nhà trường để ra chiến trường, quyết tâm bảo vệ tổ quốc. Sau khi xuất ngũ, vị doanh nhân này đã "ngụp lặn" trong nhiều lĩnh vực khác nhau như giải khát, bánh kéo, phân bón, xuất nhập khẩu…
Năm 1997, ông Tuyển về Quảng Ninh và thành lập Công ty TNHH Âu Lạc, phát triển doanh nghiệp này thành một hệ sinh thái lớn mạnh trên toàn quốc. 1 năm sau đó, ông đã xây dựng đảo Tuần Châu - thiên đường du lịch mang tầm cỡ quốc tế cho đến tận bây giờ.
Mảnh đất Bình Định tuy cằn cỗi, khó khăn nhưng là cái nôi sản sinh ra nhiều doanh nhân tài năng, trong đó có ông Huỳnh Uy Dũng. Ông hiện là Chủ tịch Công ty cổ phần Đại Nam, được biết đến nhiều nhờ tích cực làm việc thiện.
Giống như "Chúa đảo Tuần Châu", vị doanh nhân sinh năm 1961 này đi bộ đội từ khi còn chưa hoàn thành hết chương trình lớp 12. Ông phụ trách công tác hậu cần ở chiến trường Tây Nam.
Chiến tranh kết thúc, ông Dũng đã chuyển sang kinh doanh lò vôi và bột công nghiệp để thoát khỏi cuộc sống kham khổ. Đây chính là nguồn gốc cho biệt danh Dũng "lò vôi" của ông sau này.
Được mệnh danh là "vua xuất khẩu cá tra", từng có tên trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam, ông Dương Ngọc Minh lại mới chỉ tốt nghiệp trung học phổ thông, chuyên ngành nuôi trồng thủy sản.
Năm 1984, vị doanh nhân sinh năm 1965 trở thành Giám đốc Công ty Đông lạnh Hùng Vương. Doanh nghiệp này từng giữ vị trí hàng đầu trong ngành thủy sản, với quy mô sản xuất lớn đạt giá trị 30 triệu USD/năm, trước khi đối mặt với những món nợ khổng lồ vì biến động tỷ giá USD.
Năm 30 tuổi, ông Minh tuyên bố phá sản, rơi vào vòng lao lý. Sau khi ra tù, ông quyết tâm khởi nghiệp với cá tra từ hai bàn tay trắng. Những nỗ lực của vị đại gia này đã được đền đáp khi doanh nghiệp thủy sản của ông ngày càng lớn mạnh, doanh thu lên đến cả chục nghìn tỷ mỗi năm.
Bà Nguyễn Thị Như Loan sinh năm 1960 tại Phú Yên, thường được biết tới là mẹ của doanh nhân Nguyễn Quốc Cường (Cường Đô La). Bà là một trong hai đại gia buôn gỗ nổi tiếng nhất Gia Lai, hiện đang là Chủ tịch HĐQT của Quốc Cường Gia Lai.
Người phụ nữ này khởi nghiệp từ nghề chế biến và kinh doanh đồ gỗ, sau đó lấn sân sang nhiều mảng khác như phân bón, cao su, thủy điện… Tuy nhiên, bất động sản mới là lĩnh vực đóng góp nhiều nhất vào khối tài sản đồ sộ của bà.
Là nữ tướng bản lĩnh có thừa trên thương trường nhưng bà Loan mới chỉ học hết lớp 12, cũng chưa từng bước chân tới giảng đường đại học ngày nào.
Nữ doanh nhân này là Chủ tịch Tập đoàn Hoa Lâm, nổi tiếng với những thư vụ đầu tư vào ngân hàng VietBank và dự án Bệnh viện Đa khoa Đông Đô. Tuy nhiên, ít ai biết rằng bà Trần Thị Lâm xuất thân từ một vùng quê nghèo khó ở Quảng Bình, do hoàn cảnh gia đình nên chỉ được học hết lớp 5.
Không muốn sống đời cơ cực, người phụ nữ này quyết dấn thân theo con đường kinh doanh. Bà từng buôn trầm thất bại, sau đó chuyển sang bán xe máy. Từ một cửa hàng nhỏ, nữ doanh nhân xây dựng thành công Công ty TNHH Thương mại dịch vụ vận tải Nhất Nguyên - tiền thân của Tập đoàn Hoa Lâm.
Sau này, bà Lâm chuyển sang đầu tư vào lĩnh vực y tế, tài chính và bất động sản. Dù không có cơ hội học hành bài bản, nữ đại gia chẳng coi đó là một trở ngại.
"Để thành công cần rất nhiều yếu tố, cái tâm, chữ tín, chữ tầm... 3 chữ T đó phải gắn liền. Với tôi, để đạt tới thành công trước tiên doanh nghiệp phải có người đứng đầu xuất sắc; người đó phải biết kết nối, tận dụng, nhìn nhận và đánh giá đúng về con người. Nếu người đó cho dù tài giỏi bao nhiêu nữa nhưng không biết liên kết, tập hợp nhân tài thì cũng khó thành công", bà nói.
(Tổng hợp)