6.000 trẻ em Indonesia vẫn phải sống trong lều tạm sau thảm họa động đất sóng thần

Đặng Ánh, Theo TTXVN 17:25 26/03/2019

Sáu tháng sau trận động đất và sóng thần nghiêm trọng tại thành phố Palu, thuộc tỉnh Sulawesi của Indonesia, 6.000 trẻ em vẫn phải sống trong các khu lều tạm.

Ít nhất 170.000 dân tới từ Palu và các huyện lân cận vẫn chưa thể trở về nhà, trong khi toàn bộ các khu vực của thành phố đã bị hư hại nghiêm trọng, dù cuộc sống đã trở lại bình thương tại nhiều nơi khác trong thành phố.

Các trận mưa rào đã làm bùng phát sốt rét và sốt xuất huyết, trong khi người dân tại những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề đang buộc phải sinh sống gần các đường thoát nước lộ thiên và đống đổ nát.

Tác động của trận động đất còn khiến toàn bộ nền đất các khu vực bị sụt lún. Hội Chữ Thập Đỏ cảnh báo quá trình phục hồi là rất chậm và thường phức tạp.

6.000 trẻ em Indonesia vẫn phải sống trong lều tạm sau thảm họa động đất sóng thần - Ảnh 1.

Người dân sơ tán tới khu lều tạm sau thảm họa động đất và sóng thần ở Palu, Trung Sulawesi, Indonesia, ngày 2/10/2018. Ảnh: THX/TTXVN

Không chỉ khiến các tòa nhà bị hư hỏng nặng, thảm họa này còn phá hủy thuyền đánh cá, các cửa hàng và hệ thống tưới tiêu, khiến người dân mất đi thu nhập. Đại diện cơ quan phát triển Liên hợp quốc tại Indonesia Christophe Bahuet cho biết người dân tại những cộng đồng bị ảnh hưởng cần có nguồn thu nhập ổn định để duy trì cuộc sống.

Ngày 28/9/2018, thành phố Palu, tỉnh Sulaweisi của Indonesia hứng chịu thảm họa kép kinh hoàng, khi trận động đất với cường độ 7,5 đã gây ra sóng thần ập vào bờ biển khiến hơn 4.300 người thiệt mạng, 1.000 người mất tích, gần 11.000 người bị thương và khoảng 83.000 người phải rời bỏ nhà cửa đi sơ tán. Ước tỉnh thiệt hại tại Palu đã lên tới 900 triệu USD.

Indonesia là một trong những quốc gia hứng chịu nhiều thiên tai nhất thế giới do nằm trong khu vực Vành đai lửa Thái Bình Dương, khu vực hoạt động mạnh mẽ của địa chất và núi lửa. Năm 2018, Indonesia phải hứng chịu những thảm họa động đất, sóng thần gây thiệt hại lớn về người và của.

Trận động đất mạnh kèm theo sóng thần xảy ra ngày 28/9 tại đảo Sulawesi và đợt sóng thần do núi lửa Anak Krakatoa phun trào ngày 22/12 tại Eo biển Sunda giữa hai đảo Sumatra và Java (Indonesia) đã khiến khoảng 5.130 người mất tích.

Trước đó, vào cuối tháng 7- đầu tháng 8, tại đảo Lombok đã xảy ra hai trận động đất cường độ 6,4 và 7, làm trên 400 người thiệt mạng, san phẳng hàng chục nghìn ngôi nhà, đền thờ và khiến khoảng 20.000 người phải đi sơ tán.