Tiết kiệm là một thói quen sống tốt, nhưng tằn tiện thì ngược lại. Có những thứ trong nhà sử dụng đã lâu hoặc bị hỏng nhưng lại không nỡ vứt đi mà tiếp tục dùng, lâu ngày sẽ tiềm ẩn những nguy cơ gây hại đến sức khỏe mà bạn không hề nhận ra.
Dưới đây là 6 thói quen tiết kiệm phổ biến nhưng không nên có, mọi người cần chú ý để tránh vì dễ ảnh hưởng đến bản thân mình.
1. Không thay giày cũ
Bên cạnh tính thời trang thì chức năng chính của giày là bảo vệ đôi chân. Khi mua giày, bạn nên chọn những đôi giày thoải mái, vừa vặn.
Sau một thời gian sử dụng, đôi giày nào cũng sẽ dần bị trầy xước, mòn hoặc bung đế, chưa kể bị mất phom qua những lần giặt sạch. Khi bạn đi giày cũ liên tục sẽ gây tổn thương cho đôi chân, thậm chí gây biến dạng chân nếu trong trường hợp nghiêm trọng.
Vì vậy, giày bị hỏng, bung đế hoặc rách thì nên sửa ngay nếu còn tận dụng được hoặc bỏ đi thay đôi mới. Đồng thời, khi mua giày đừng ham rẻ. Giày kém chất lượng sẽ khiến đôi chân bạn bị đau, nhức mỏi hơn.
2. Không thay lõi gối
Sau thời gian dài sử dụng, gối sẽ bị bám nhiều bụi bẩn, vi khuẩn, tế bào chết, thậm chí là dầu nhờn tiết ra từ cơ thể chúng ta cũng như từ trong không khí bám vào. Lúc này, gối sẽ bị ố vàng, ẩm, trở thành môi trường lý tưởng cho mạt và vi khuẩn sinh sôi nhanh chóng.
Lõi gối cũ cũng mất độ đàn hồi dẫn đến tư thế ngủ không đúng, gây đau cổ, vai và lưng, ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ và sức khỏe tổng thể.
Chưa kể việc tích tụ các chất bẩn và vi khuẩn trong lõi gối có thể gây ra mùi hôi khó chịu. Lõi gối bẩn lâu ngày cũng gây tổn thương cho da, trường hợp nặng bạn có thể bị viêm nhiễm dị ứng.
Do đó, vỏ gối cần được giặt khoảng 1-2 tuần/lần, còn lõi gối thì nên được thay mới định kỳ khoảng nửa năm - một năm/lần. Khi trời nắng, bạn cũng có thể phơi lõi gối để khử trùng và làm sạch.
3. Không bật máy hút mùi khi nấu ăn
Chức năng chính của máy hút mùi là giúp bạn xả khói trong nhà một cách nhanh chóng. Thế nhưng vì tiết kiệm chi phí, nhiều người không đầu tư hoặc không bật máy hút mùi thường xuyên mà chỉ mở cửa sổ khi nấu ăn.
Khi nấu ăn, các loại khí như carbon monoxide, nitrogen dioxide và các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC) từ quá trình đun nấu sẽ tích tụ trong không gian bếp. Nếu không bật máy hút mùi, các khí này không được lọc và thoát ra ngoài, có thể gây hại cho hệ hô hấp và làm tăng nguy cơ các bệnh liên quan đến phổi.
Đặc biệt khi chiên, xào đồ ăn thì khói rất nặng và tạo ra nhiều hơi dầu mỡ. Các hạt dầu này sẽ bám vào tường, bếp và cả quần áo, tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn và nấm mốc phát triển. Điều này có thể gây dị ứng da và các vấn đề sức khỏe khác.
Vì vậy, chúng ta cần phải sửa thói quen này khi nấu ăn. Bạn cũng cần lưu ý không nên tắt máy ngay sau khi nấu mà phải tiếp tục bật khoảng 10 phút cho hết mùi và khói trong bếp để không khí cũng như không gian sạch sẽ hơn.
4. Không thay bọt biển rửa chén
Bọt biển rửa chén là món đồ được sử dụng thường xuyên nhưng nhiều người lại lơ là việc thay mới định kỳ.
Bọt biển là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn phát triển do tính chất ẩm ướt và thường xuyên tiếp xúc với thức ăn thừa, dầu mỡ. Nghiên cứu cho thấy bọt biển có thể chứa hàng triệu vi khuẩn, bao gồm cả những vi khuẩn gây bệnh như E. coli, Salmonella và bám đầy chất bẩn.
Những vết bẩn này rất khó làm sạch, thậm chí dùng xà phòng rửa chén cũng không thể loại bỏ hoàn toàn. Thế nên nếu không thay thường xuyên thì việc tiếp tục dùng để rửa chén sẽ càng lây lan vi khuẩn và gây nguy cơ nhiễm trùng, ngộ độc thực phẩm.
1 miếng bọt biển không hề đắt, đừng vì tiết kiệm mà sử dụng đến nhàu nát, cũ rách mới thay. Để bảo vệ sức khỏe, bạn nên thay bọt biển rửa chén thường xuyên, lý tưởng là 1 tháng/lần tùy theo tần suất rửa chén. Việc này giúp tránh tích tụ vi khuẩn, giữ cho chén dĩa và nhà bếp luôn sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho cả gia đình.
5. Ăn trái cây hỏng, mốc
Trái cây ở nhà không được ăn kịp thời thì theo thời gian sẽ bị mốc từng phần. Tuy nhiên, nhiều người vẫn thấy bình thường, luôn nghĩ rằng có thể né những phần bị mốc và tiếp tục ăn phần còn lại.
Nếu bạn cũng có thói quen này thì phải bỏ ngay. Nấm mốc không chỉ xuất hiện ở bề mặt trái cây mà có thể lan sâu vào bên trong mà mắt thường không thấy được. Nấm mốc sản sinh ra mycotoxin, một loại chất độc có thể gây ngộ độc thực phẩm, buồn nôn, đau bụng và thậm chí các vấn đề nghiêm trọng hơn như tổn thương gan, thận.
Một số loại nấm mốc còn sinh ra chất aflatoxin là tác nhân có khả năng gây ung thư, đặc biệt là ung thư gan. Dù chỉ ăn một phần nhỏ trái cây bị mốc, cơ thể vẫn có thể tiếp nhận một lượng độc tố nhất định, tích tụ lâu dài và gây hại.
Mặt khác, khi trái cây bị mốc, sẽ không chỉ có nấm mốc mà còn có nhiều loại vi khuẩn khác sinh sôi, làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, dẫn đến đau bụng, tiêu chảy và ngộ độc thực phẩm.
6. Không thay đũa hàng năm
Những chiếc đũa gỗ quanh năm không được thay thế có thể bị mốc đen. Nguyên nhân chủ yếu là do bạn sử dụng và vệ sinh không đúng cách. Đũa gỗ phải được phơi khô dưới nắng càng sớm càng tốt sau khi sử dụng, còn nếu đặt trực tiếp vào hộp đựng, đũa sẽ dần hư hỏng vì ẩm ướt, sinh nấm mốc.
Sử dụng những chiếc đũa như vậy chính là bạn đang trực tiếp đưa nấm mốc, vi khuẩn vào cơ thể. Do đó, mọi người nên hình thành thói quen thay đũa gỗ thường xuyên để đảm bảo an toàn khi sử dụng.
Nguồn: Toutiao