12 giờ trong phòng mổ, bằng sự yêu thương, quả cảm, gần 100 y bác sĩ đã làm tiếp phần việc dang dở của đấng tạo hóa để mở ra cuộc sống mới cho 2 thiên thần nhỏ trong một hình hài nguyên vẹn. Khoảnh khắc Trúc Nhi được tách rời khỏi Diệu Nhi để chuyển sang một phòng mổ khác, tất cả đều vỡ òa trong niềm hạnh phúc.
Ngày đầu năm 2021, chúng tôi tìm về Bệnh viện Nhi đồng Thành phố không phải để kể lại hành trình đầy sóng gió của Song Nhi. Chúng tôi muốn khắc họa rõ hơn, chân thật hơn điều còn ẩn sâu bên trong những con người thầm lặng đã quên ăn, quên ngủ để “chạm tới ước mơ” cho Song Nhi.
“Cha cha, mẹ mẹ”- Trúc Nhi, Diệu Nhi bập bẹ vài ba tiếng rồi tự mình tập tễnh bước đi trong khuôn viên của Bệnh viện Nhi đồng Thành phố. Cách đó vài bước chân, chị Trần Thị Hồng Thúy (27 tuổi) tựa đầu vào vai chồng, bật khóc vì hạnh phúc. Trong vòng 6 tháng ngắn ngủi, Trúc Nhi - Diệu Nhi đã hồi phục một cách diệu kỳ, các con đã có thể đứng được, đi được trong một cơ thể độc lập, điều mà trước đó có nằm mơ, vợ chồng chị Thúy vẫn không dám nghĩ tới.
Không may mắn nhưng những đứa trẻ bình thường khác, từ khi còn trong bụng mẹ, Trúc Nhi - Diệu Nhi đã dính nhau vùng bụng chậu, dùng chung một dây rốn. Dù được các bác sĩ tư vấn, nhiều khả năng khi sinh ra, 2 đứa trẻ sẽ mang dị tật, cơ hội sống sót rất ít nhưng vợ chồng chị Thúy, anh Hoàng Anh (33 tuổi) vẫn quyết giữ thai nhi. Bởi chị tin rằng chẳng khó khăn nào có thể chia cắt tình mẫu tử, bất cứ giá nào, chị cũng phải giữ con ở lại với cuộc đời.
Và 2 hình hài nhỏ nhắn ấy cứ từng ngày lớn lên trong tình yêu thương vô bờ bến của cha mẹ. Đến tuần thứ 33 của thai kỳ, một quyết định táo bạo, cuộc mổ bắt con đã được các bác sĩ bệnh viện Hùng Vương thực hiện khi nhận thấy tình trạng suy dinh dưỡng đe dọa tính mạng của 2 bé. Ca mổ thành công, Trúc Nhi - Diệu Nhi chào đời và bắt đầu chuỗi ngày chung sống trong cùng một cơ thể với muôn vàn những bất tiện chẳng thể diễn tả bằng lời.
Là người nhận nhiệm vụ chăm sóc cho Song Nhi những ngày tháng đầu tiên, TS.BS Hồ Tấn Thanh Bình - Trưởng Ê-kíp Tiền phẫu cho biết khi Song Nhi được đưa đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cả 2 đều không thở được, phải đặt nội khí quản và thở máy.
Riêng Diệu Nhi bị sốc, nhịp tim tăng cao, việc giữ mạch huyết áp ổn định cho con trở thành bài toán nan giải mà Ê-kíp Tiền phẫu cần phải đưa ra đáp số chính xác nhất. “Khoảng thời gian đó chúng tôi như ngồi trên đống lửa, ngoài đảm bảo an toàn tính mạng cho 2 bé, việc chăm sóc, nuôi dưỡng Song Nhi cũng gặp nhiều khó khăn. Hai bé bị dính nhau nên vệ sinh phải rất kỹ để tránh lở loét, may mắn là mình đã hồi sức thành công, 10 ngày sau khi chào đời, Diệu Nhi cũng đã cai được máy thở, 5 tuần có thể bú sữa, bắt đầu tăng cân…”, TS.BS Bình nhớ lại.
Hơn 13 tháng nhìn 2 đứa con lớn lên trong cùng một cơ thể, nhiều lúc vợ chồng chị Thúy không dám thử thách trái tim mình thêm nữa vì sợ cuộc đại phẫu sẽ gặp nhiều rủi ro, chưa kể các dị tật về sau. Hai vợ chồng từng nghĩ hay là cứ để vậy nuôi con lớn, nhưng rồi bằng niềm tin, khát khao mãnh liệt được nhìn thấy 2 đứa con trong một cơ thể tách rời đã giúp cha mẹ Song Nhi dũng cảm tiến về phía trước.
“Thương hai thiên thần nhỏ của mẹ. Mẹ đã cố gắng hết sức, đã đánh đổi tất cả vì hai con, chỉ mong hai con có cuộc đời bình an. Nếu ai hỏi mẹ có hối hận khi sinh con ra, thì mẹ xin trả lời là không. Dù có như thế nào thì con vẫn là con của mẹ. Ước gì 2 con có một hình hài vẹn nguyên”.
Ẵm Song Nhi trên tay, TS.BS Trương Quang Định - Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố vẫn không thể nào quên được những khó khăn mà toàn bộ Ê-kíp gặp phải, đó là chuỗi ngày căng não đi tìm phương án tách rời…
“Trường hợp dị tật bẩm sinh như Song Nhi rất phức tạp nhưng chúng tôi đều mong muốn rằng 2 bé có thể điều trị, phẫu thuật được để quay về sống với gia đình, với xã hội như những đứa trẻ bình thường khác. Để đi đến quyết định mổ tách vào ngày 15/7/2020, chúng tôi đã cùng các chuyên gia, đồng nghiệp trải qua vô số lần hội chẩn, cân đo đong đếm từng phương án, chi tiết nhỏ nhất”, TS.BS Trương Quang Định trải lòng.
Khó khăn lớn nhất mà các y bác sĩ gặp phải là về mặt hình ảnh học, sau khi đã có những kết quả chẩn đoán, các cuộc hội chẩn căng thẳng lại diễn ra. Làm thế nào để phác thảo giải phẫu một cách chi tiết nhất, tất cả các chuyên gia về Ngoại khoa, Gây mê hồi sức, Tiết niệu, Chỉnh hình… đều phải đồng thuận, nhất trí với nhau. Ngay cả việc phân công, đánh dấu công cụ, trang thiết bị cho từng thành viên cũng phải được thực hiện một cách chỉn chu nhất.
“Sợ nhất là đến khi thực hiện ca mổ, những chẩn đoán về mặt hình ảnh không giống với dự định ban đầu, ai cũng hồi hộp và lo sợ. Nhưng may mắn là mọi chuyện đã đi đúng theo quỹ đạo của nó” - BS.CK2 Tạ Huy Cần, Ê-kíp phẫu thuật tổng quát nói.
Chính vì đây là cuộc mổ lớn và phức tạp cho nên nhân sự tham gia lên đến 93 người gồm 57 bác sĩ, còn lại là điều dưỡng, kỹ thuật viên, chuyên viên. Đây cũng là kỷ lục về số lượng y bác sĩ tham gia vào một ca phẫu thuật tại Việt Nam.
Một ngày trước cuộc đại phẫu, trên khắp các mặt báo, mạng xã hội, từ người nổi tiếng cho đến tầng lớp bình dân, tất cả đều gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến Song Nhi và mong 2 con sẽ bình an vượt qua thử thách lớn nhất của cuộc đời.
5h30 sáng 15/7, Trúc Nhi - Diệu Nhi được điều dưỡng chuyển từ khoa Sơ sinh đến phòng Phẫu thuật - Gây mê hồi sức. Cánh cửa phòng phẫu thuật đóng sập lại, bên trong gần 100 y bác sĩ đã sẵn sàng bước vào ca mổ, 2 bé nằm đối diện nhau, được đánh dấu bằng những chấm xanh - đỏ trên trán, xung quanh là những trang thiết bị, dây nhợ chằng chịt.
9h50 phút, TS.BS Trương Quang Định rạch da đường đầu tiên bắt đầu cuộc mổ.
14h07 phút, Trúc Nhi được tách rời khỏi Diệu Nhi, đưa qua bàn mổ rồi chuyển sang phòng kế bên, bắt đầu cho quá trình chỉnh hình khung chậu, kéo vạt da che các cơ quan của bé.
18h45 phút, Trúc Nhi hoàn thành ca mổ, chuyển vào phòng Hồi sức hậu phẫu, 35 phút sau, Diệu Nhi cũng đã hoàn thành cửa ải khó khăn nhất của mình một cách thành công.
Để thực hiện việc tách rời thành công Trúc Nhi - Diệu Nhi, trong suốt 12 tiếng đồng hồ, 93 con người đã có sự phối hợp ăn ý gần như tuyệt đối. Ca mổ được chia làm 2 giai đoạn tách rời và tái tạo các cơ quan.
Theo BS.CK2 Tạ Huy Cần, trước khi bước vào phòng mổ, tâm lý của từng thành viên trong Ê-kíp đều rất hồi hộp, lo lắng. Nhưng một khi bắt đầu thực hiện, nỗi lo ấy đã biến thành sức mạnh giúp các y bác sĩ vững tin thực hiện.
“Điều khó nhất là làm thế nào khi mình tiến hành rạch da của 2 bé mà vẫn quan sát hết được những phần tạng chung, nó có đúng với những chẩn đoán hình ảnh trước đó hay không. Việc quyết định tạng nào sẽ giữ lại cho bé nào để đảm bảo chức năng tốt nhất, làm sao để khi tách ra rồi tái tạo lại các cơ quan được thuận lợi cũng là câu hỏi dành cho kíp phẫu thuật”, bác sĩ Tạ Huy Cần nói.
Trong quá trình mổ, có lúc Diệu Nhi rơi vào tình trạng sốc và hơi bị biến chứng thần kinh bởi cơ thể của con rất yếu. Ngoài ra, khi đã bước qua tháng thứ 13, xương của Song Nhi hơi cứng nên việc đục xương để tách, khép khung chậu, xương mu gặp nhiều khó khăn.
Là người chịu trách nhiệm canh giữ cánh cửa “sinh - tử” cho Song Nhi, BS.CKI2 Tạ Thị Thúy Hằng - Trưởng Ê-kíp Gây mê hồi sức cho biết không những gặp khó khăn trong việc xác định cân nặng của từng bé, việc thông nối hệ tĩnh mạch vùng bụng chậu khiến Ê-kíp toát mồ hôi. Suốt quá trình phẫu thuật, Ê-kíp phải rất thận trọng trong việc theo dõi độ mê, điều chỉnh liều lượng thuốc, đảm bảo đường truyền, đường thở để ca mổ đạt được sự an toàn.
Sau khi Trúc Nhi được tách rời khỏi Diệu Nhi để qua phòng mổ kế bên, mọi ánh nhìn đều dồn về phía Ê-kíp Tiết niệu - Sinh dục khi thực hiện vai trò đặc biệt quan trọng, "di dời" các bộ phận niệu quản, bàng quang, tử cung, buồng trứng… về đúng chỗ.
Dù cho có một phút bối rối khi nhận thấy bàng quang và lỗ mở niệu đạo không như dự đoán ban đầu mà chéo với nhau qua hướng thông tiểu, cả Ê-kíp đều khựng lại.
"Khoảnh khắc ấy tôi lúng túng thiệt, nó giống như con đường mình đi đột nhiên có một cây chắn ngang. Bình tĩnh lại, khi Ê-kíp khám bàng quang, bụng, thì ống dẫn nước tiểu đang bị để lộn bên. Tất cả chỉ là sự nhầm lẫn, ai nấy đều thở phào nhẹ nhõm sau sự cố "hết hồn", TS.BS Lê Thanh Hùng - Trưởng Ê-kíp Tiết niệu nhớ lại giây phút thót tim trong phòng mổ.
Sau khi Song Nhi chuyển đến phòng Hồi sức tích cực, vấn đề được đặt ra là phải làm thế nào đảm bảo được hô hấp tuần hoàn của 2 bé trong một cơ thể riêng biệt. Giai đoạn này được BS.CK2 Nguyễn Minh Tiến - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố đánh giá vô cùng quan trọng.
“Chúng tôi phải vừa đảm bảo từ mạch huyết áp cho đến dinh dưỡng, nước điện giải, kiểm soát nhiễm khuẩn sau mổ…, tất cả đều được thực hiện một cách nghiêm ngặt. Một đội ngũ chăm sóc riêng cho từng bé được lập ra để tránh việc nhiễm trùng chéo trong bệnh viện. Sau mổ, Song Nhi rất đau, làm sao để vừa sử dụng thuốc giảm đau, vừa giữ được 2 bé trong trạng thái thoải mái nhất cũng được Ê-kíp lên kế hoạch chi tiết, nhưng…”, nói đến đây bác sĩ Nguyễn Minh Tiến ngập ngừng.
“Điều lo lắng nhất của chúng tôi là đường ruột 2 cháu không hoạt động. Khi một đứa trẻ phải mổ, làm hậu môn tạm thì thường từ 24 đến 48 tiếng đã có thể có dịch, có phân rồi nhưng với Song Nhi thì không. Chúng tôi phải chờ đợi 72 tiếng, thậm chí là 5 ngày vẫn chưa thấy có dấu hiệu hoạt động, bụng 2 cháu chướng lên khiến cả Ê-kíp lo sợ. Bởi nếu trong quá trình mổ tách, việc chia đường ruột của 2 bé không hợp lý sẽ dẫn đến việc thiếu tuyến máu nuôi và dây thần kinh để điều khiển hoạt động của ruột. Và rất có thể Ê-kíp sẽ phải phẫu thuật lần 2 để giải quyết tình trạng hoại tử ruột…”.
Cuối ngày thứ 5, niềm vui mừng chưa được bao lâu thì vết thương của 2 bé bị rỉ dịch. Đây là một bài toán rất khó, rất có thể bàng quang thần kinh của Song Nhi sẽ bị liệt. Cả Ê-kíp lại phải hội chẩn, các chuyên gia đầu ngành một lần nữa lại phải ngồi lại cùng nhau tìm phương án tốt nhất để chăm sóc vết thương cho Song Nhi. Một quyết định táo bạo đã được Ê-kíp thực hiện là rút bàng quang ra da và đi tiểu ở dưới, may mắn tình trạng sức khỏe của Song Nhi tốt dần lên. Đến hôm nay, Diệu Nhi đã có hậu môn thật, riêng Trúc Nhi cần phải đợi thêm một thời gian để biết được hậu môn có phát triển hay không, nếu không bé sẽ dùng hậu môn tạm vĩnh viễn.
Khác với sự hồi hộp, lo lắng khi trả lời trước truyền thông về ca đại phẫu thuật tách rời gần 6 tháng trước, TS.BS Trương Quang Định nở một nụ cười hiền hậu khi bên cạnh ông lúc này là 2 thiên thần nhỏ đang dần có được một cơ thể nguyên vẹn.
“Hành trình của Song Nhi, cho phép tôi được dùng từ “chạm tới ước mơ” để diễn tả niềm vui mừng khôn xiết, chúng tôi đã thỏa mãn khi biến ước mơ của bố mẹ Song Nhi thành sự thật.
Hai đứa trẻ ngày một lớn lên trong cơ thể lành lặn là điều mà các kỹ thuật viên, điều dưỡng, y bác sĩ trong Ê-kíp phẫu thuật mong mỏi.
Điều mong ước của tôi cũng như cả Ê-kíp chúc cho Trúc Nhi - Diệu Nhi thật khỏe mạnh, ăn ngon, mau lớn. Và khi lớn lên rồi càng phải yêu thương bố mẹ mình nhiều hơn nữa. Trong suốt cuộc hành trình sinh ra cho đến ngày hôm nay, bố mẹ của cháu là người hy sinh nhiều nhất, là những người phải trải qua những giây phút cam go, chịu đựng đau đớn để mong một ngày con của mình về với nguyên vẹn hình hài”, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố bày tỏ.
Sau chuyến đi bão táp gần 90 ngày tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, ngày 7/10/2020, Song Nhi đã được xuất viện để quay về với vòng tay yêu thương của bố mẹ. Hai con đã tạm thời xa tiếng kẽo kẹt của máy thở, chia tay đám dây nhợ chằng chịt của rừng máy tiêm truyền để bắt đầu một hành trình mới mà như TS.BS Trương Quang Định đã nói, 2 con được các y bác sĩ “sinh thêm một lần nữa” sau phần tạo hóa còn dang dở của cuộc đời.
Gặp lại Song Nhi trong những ngày đầu năm 2021, chúng tôi thật sự xúc động khi trước mặt mình, 2 thiên thần nhỏ có thể tự bước đi, bập bẹ vài ba tiếng gọi đơn giản rồi ôm chầm lấy cha mẹ cười tít mắt. Đến giờ phút này, vợ chồng chị Thúy vẫn còn bất ngờ vì sự chiến đấu mạnh mẽ của Song Nhi, 2 con hồi phục quá nhanh, quá sức tưởng tượng của mọi người.
Chúng tôi xin được phép gọi hành trình của Song Nhi như một phép nhiệm màu mà ông trời ban tặng cho cuộc sống. Nó được kết tinh bằng sức mạnh của 2 đứa trẻ khao khát tìm cho mình một cơ thể nguyên vẹn, là tình yêu thương, sự hi sinh quên mình của đội ngũ y bác sĩ ngày đêm tận tụy đi chắp vá, xoa dịu những khiếm khuyết và cả tình cảm chân thành mà hàng triệu người Việt Nam luôn dõi theo, cầu chúc bình an đến với Song Nhi.
Rồi mai đây, Trúc Nhi - Diệu Nhi sẽ tự hào khi được bước đi, được lựa chọn hạnh phúc trong một cơ thể nguyên vẹn như bao đứa trẻ khác.
GS. Trần Đông A: Mổ tách dính “Song Nhi” là cột mốc của ngành phẫu thuật Việt Nam
32 năm trước, giáo sư Trần Đông A cùng gần 70 y bác sĩ đã thực hiện ca mổ tách cặp song sinh Việt - Đức. Khi đến với ca đại phẫu tách rời Song Nhi, vị giáo sư 79 tuổi vẫn giữ cho mình sự điềm tĩnh, kinh nghiệm cần thiết để cố vấn cho ê-kíp mổ.
Cặp song sinh Việt - Đức ở thời điểm được mổ tách đã lên 8 tuổi, ca phẫu thuật như đem đến ánh sáng nơi cuối đường hầm cho Đức khi giờ đây anh đã có cho mình một cuộc sống mới đầy trọn vẹn. Riêng Việt, sau 19 năm, anh đã dừng lại hành trình ngắn ngủi của mình ở tuổi đôi mươi.
“Lịch sử y khoa thời điểm năm 1988 chưa ghi nhận có ai dám cầm dao mổ trong nhiều giờ như vậy cho bệnh nhi bại não. Ngoài ra, Việt - Đức chỉ có 3 chân và bị chéo, không đầy đủ 4 chi cân xứng như song Nhi. Dù cách nhau 32 năm nhưng có điểm chung là dị tật của các em đều được xếp vào loại dính bụng chậu hiếm gặp, chỉ có 6% các ca song sinh dính nhau trên thế giới”, GS. Trần Đông A chia sẻ.
Tuy nhiên, ca mổ Việt - Đức diễn ra trong hoàn cảnh khó khăn, việc chẩn đoán hình ảnh các phần dính nhau ở trong bụng bệnh nhân đều do bác sĩ Nhật Bản thực hiện.
Với ca mổ tách Song Nhi, BV Nhi đồng Thành phố đã có sự chuẩn bị rất tốt từ phòng ốc đến các trang thiết bị sử dụng cho ca mổ, tất cả đều hiện đại không thua bất cứ bệnh viện nhi nào trên thế giới.
Điều đặc biệt, các bác sĩ trực tiếp mổ là người Việt Nam, phần lớn được đào tạo phẫu thuật viên bài bản. Ca mổ tách rời Trúc Nhi - Diệu Nhi thành công đã đánh dấu một dấu mốc lịch sử cho sự tiến bộ của ngành phẫu thuật Việt Nam.