Phép lịch sự là cách ứng xử của con người với những hiểu biết về nguyên tắc, phong tục, tục lệ của đời sống xã hội. Một người lịch sự luôn nhận được cái nhìn thiện cảm, sự trân trọng của mọi người. Vì vậy, trẻ em cần được giáo dục về phép lịch sự và những hành vi đẹp khi giao tiếp với người khác.
Dưới đây là những phép lịch sự tối thiểu cha mẹ nên dạy con từ nhỏ. Những phép lịch sự này sẽ theo con suốt đời, tạo nên nhân cách và phẩm chất đạo đức của con.
Phụ huynh cần giải thích với trẻ, trò chuyện là hoạt động hai chiều, người nói và người nghe thay phiên nhau. Giống như khi muốn người khác lắng nghe mình, con cũng cần phải đợi họ nói hết câu.
Khi trẻ nói, bố mẹ cần thể hiện mình đang lắng nghe chăm chú, đôi lúc gật đầu và biểu hiện nét mặt phù hợp. Tiếp đó, bố mẹ hãy khuyến khích trẻ làm tương tự khi lắng nghe người khác nói.
Muốn ngắt lời trẻ, bố mẹ cần khéo léo và lịch sự trong hầu hết tình huống, chẳng hạn bảo "mẹ xin lỗi nhưng mẹ có thể nói 1-2 câu được không" hoặc "câu chuyện con kể rất hay nhưng mẹ nghĩ đã đến lúc chúng ta cần đi ngủ".
Lời mời trước mỗi bữa ăn cho thấy sự lễ phép của trẻ với những người lớn tuổi như: ông bà, bố mẹ, anh chị em. Đây được coi là phép tắc và lễ nghĩa cơ bản mà bố mẹ cần dạy trẻ ngay từ khi con nhỏ.
Trẻ nhỏ thường rất hiếu động nên khó ngồi im một chỗ để ăn. Chính vì thế, bố mẹ rất cần tạo lập thói quen vào bàn ăn là ngồi ngay ngắn, không nghịch ngợm từ khi trẻ còn nhỏ.
Không phải món ăn nào trẻ cũng thích và có nhiều trẻ còn thường xuyên hạch sách yêu cầu bố mẹ phải phục vụ đúng món cho mình. Tuy nhiên, nếu chiều theo trẻ, lâu dần sẽ khiến trẻ sinh hư và hay vòi vĩnh.
Nhiều trẻ khi nhìn thấy món đồ ăn yêu thích là liền vồ lấy và ăn ngay, không cần biết có được cho phép hay không. Người lớn cần dạy con biết xin phép ý kiến khi làm việc gì đó, không được phép tự tiện; vì nhiều thứ đồ ăn nếu không cẩn thận trẻ ăn phải sẽ nguy hiểm. Đây không chỉ là cách dạy bảo vệ an toàn cho con mà còn dạy con biết suy nghĩ trước khi hành động.
Cho dù đến nhà bạn, người quen thân thiết đến mức nào cũng cần bấm chuông, gõ cửa và đợi chủ nhà ra mở cửa. Dạy con rằng nếu đột nhiên mở cửa và chạy vào nhà người khác là mất lịch sự. Vì khi đó chủ nhà có thể đang bận việc nào đó, hoặc trang phục chưa được chỉnh tề. Điều này sẽ khiến chủ nhà cảm thấy mất riêng tư.
Khi hắt hơi, giọt bắn từ miệng chúng ta có thể phát tán trong bán kính 1m. Thế nên, để tránh làm lây lan vi khuẩn trong không khí, bố mẹ hãy hướng dẫn trẻ che miệng khi ho và hắt hơi bằng cách dùng giấy ăn hoặc khuỷu tay của mình.
Nếu không được bố mẹ dạy từ bé, không có một môi trường gia đình và thói quen nói lời cảm ơn, xin lỗi thì lớn lên con trẻ sẽ rất khó khăn để nói ra các cụm từ này một cách chân thành. Thực tế, rất nhiều người khi lớn lên đã phải "rèn” mãi mới hình thành được thói quen, phản xạ nói cảm ơn, xin lỗi.
Một điều thú vị là theo nhiều nghiên cứu về luật hấp dẫn, nếu ta nói được lời “cảm ơn” càng nhiều, nói được lời “cảm ơn” một cách chân thành, thật lòng với sự biết ơn thì ta sẽ hấp dẫn được nhiều điều hay, điều tốt và sẽ "nhận" được nhiều hơn.
Trẻ mầm non thường xuyên nói câu trống không do khả năng sử dụng ngôn ngữ của trẻ chưa thực sự hoàn thiện. Tuy nhiên, bố mẹ nên dạy con kỹ năng sống, nhất là kỹ năng giao tiếp “trả lời bằng câu hoàn chỉnh” ngắn gọn, các con sẽ biết sử dụng các câu đầy đủ chủ, vị để giao tiếp từ nhỏ.
Ví dụ, khi bạn hỏi “Con có vui không?”, hãy dạy cho trẻ cách trả lời bằng câu hoàn chỉnh như “Dạ, con vui ạ!”, “Dạ, con cảm thấy không vui lắm!”…
Trong giao tiếp, việc trả lời câu hỏi bằng một câu hoàn chỉnh sẽ thể hiện sự tôn trọng người hỏi. Đồng thời, khi trẻ trả lời câu hoàn chỉnh, các con cũng sẽ biết viết các câu có đầy đủ thành phần câu ở bậc tiểu học.