5 thứ càng rửa càng bẩn, dẫn lối vi khuẩn ngấm vào sâu hơn

Lam Phương, Theo phunuso.baophunuthudo.vn 11:42 03/05/2025
Chia sẻ

Rửa thực phẩm sạch chưa chắc đã đúng, nhưng rửa đúng thì chắc chắn sẽ sạch.

Rửa rau, rửa thịt cho sạch trước khi nấu là bước sơ chế cơ bản để đảm bảo vệ sinh, tránh ăn phải vi khuẩn, hóa chất độc hại. Thế nhưng thực tế là có những thực phẩm càng rửa theo cách truyền thống càng dễ bẩn hơn, thậm chí còn khiến vi khuẩn lan rộng, biến cả căn bếp thành ổ chứa mầm bệnh.

Cùng điểm danh 5 loại thực phẩm phổ biến mà nhiều người vẫn đang rửa sai mỗi ngày, không những càng rửa càng bẩn mà còn vô tình đưa vi khuẩn vào tận miệng lúc nào không hay.

1. Trứng gà sống 

Nhiều người có thói quen rửa trứng sống trước khi cho vào tủ lạnh để “sạch sẽ, an tâm hơn”. Tuy nhiên, việc rửa trứng bằng nước lã thực ra lại là hành động phản tác dụng.

Bề mặt vỏ trứng có hàng nghìn lỗ nhỏ li ti, bao quanh đó là một lớp màng sinh học mỏng gọi là lớp màng vỏ trứng (cuticle) đóng vai trò như "lá chắn" ngăn vi khuẩn xâm nhập vào bên trong. Khi rửa trứng dưới vòi nước, lớp màng này sẽ bị phá vỡ khiến các lỗ nhỏ trên vỏ trứng bị “mở toang”, tạo điều kiện cho vi khuẩn – đặc biệt là Salmonella – thâm nhập vào bên trong trứng.

5 thứ càng rửa càng bẩn, dẫn lối vi khuẩn ngấm vào sâu hơn- Ảnh 1.

Nếu bạn thấy trứng trên kệ siêu thị lúc nào cũng sạch sẽ thì lý do là vì đã được nhà sản xuất rửa bằng hệ thống chuyên dụng, sau đó khử trùng bằng tia UV và phủ một lớp sáp thực phẩm để bảo vệ.

Vậy nên không nên rửa trứng sống trước khi cho vào tủ lạnh. Thay vào đó, bạn dùng khăn khô hoặc giấy lau nhẹ vỏ trứng là đủ, đồng thời bảo quản trứng ở ngăn mát tủ lạnh (≤ 4°C) và để riêng trong hộp kín để tránh lây nhiễm chéo với các thực phẩm khác. 

2. Thịt sống 

Tương tự, chắc hẳn bạn cũng sẽ nghĩ rằng rửa thịt sống dưới vòi nước sẽ loại bỏ máu, mùi tanh và bụi bẩn, thế nhưng hành động này thực chất làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn chéo.

Các loại thịt, đặc biệt là thịt gia cầm có thể chứa vi khuẩn gây bệnh nguy hiểm như Salmonella hoặc Campylobacter. Khi rửa thịt dưới vòi nước, dòng nước mạnh sẽ làm vi khuẩn văng ra bồn rửa, bề mặt bếp, dao thớt, thậm chí bắn cả vào người, gây ô nhiễm không gian bếp.

5 thứ càng rửa càng bẩn, dẫn lối vi khuẩn ngấm vào sâu hơn- Ảnh 2.

Lời khuyên là nếu cần làm sạch, bạn nên ngâm thịt trong chậu nước lạnh thay vì rửa dưới vòi. Sau khi xử lý thịt sống, cần khử trùng dao thớt, bồn rửa sạch sẽ càng sớm càng tốt.

5 thứ càng rửa càng bẩn, dẫn lối vi khuẩn ngấm vào sâu hơn- Ảnh 3.

3. Dâu tây

Dâu tây là loại quả mềm, mọng nước và thường được coi là loại trái cây "ngậm hoá chất" khi dễ hấp thụ và giữ lại thuốc trừ sâu, thuốc diệt nấm, phân bón hóa học... trên bề mặt vỏ. Thế nên sơ chế dâu trước khi ăn là 1 bước quan trọng mà hầu như không ai có thể bỏ qua. Tuy nhiên, nhiều người rửa dâu sai cách khi ngắt bỏ cuống rồi mới rửa hoặc chà xát mạnh tay.

Thực tế, phần cuống xanh lại đóng vai trò như "nút chặn tự nhiên". Khi ngắt cuống trước, bạn vô tình tạo ra một vết hở ở đầu quả, đây chính là lối vào cho dư lượng thuốc trừ sâu hoặc vi khuẩn thâm nhập sâu vào trong phần thịt. Ngoài ra, dâu tây rất dễ dập nát. Việc chà xát làm vỡ tế bào quả sẽ khiến vi khuẩn và hóa chất càng dễ xâm nhập.

5 thứ càng rửa càng bẩn, dẫn lối vi khuẩn ngấm vào sâu hơn- Ảnh 4.

Tóm lại khi rửa dâu tây, bạn không nên ngắt cuống và chỉ cần rửa dưới vòi nước nhẹ khoảng 30 giây, tránh chà xát mạnh. Nếu cần làm sạch kỹ hơn thì có thể ngâm trong nước muối loãng 5 phút, sau đó xả sạch.

5 thứ càng rửa càng bẩn, dẫn lối vi khuẩn ngấm vào sâu hơn- Ảnh 5.

4. Súp lơ

Súp lơ hay bông cải là loại rau củ có cấu trúc đặc biệt: Búp hoa nhỏ dày và chằng chịt, dễ bám bụi, thuốc trừ sâu và thậm chí là trứng và ấu trùng côn trùng. Với loại rau này, nhiều người thường rửa sơ bằng nước lã hoặc ngâm trong dung dịch rửa rau nhưng cách này không thể làm sạch triệt để vì côn trùng ẩn sâu bên trong các khe kẽ nhỏ. Thậm chí nếu chỉ rửa dưới vòi nước thì càng rửa, bạn càng đẩy chất bẩn vào sâu bên trong bông cải.

5 thứ càng rửa càng bẩn, dẫn lối vi khuẩn ngấm vào sâu hơn- Ảnh 6.

Cách làm đúng là để hoa súp lơ úp xuống dưới vòi nước rồi rửa kỹ trong 1 phút. Sau đó, bạn cắt thành miếng nhỏ, ngâm với dung dịch gồm nước và một chút baking soda trong 5–10 phút. Baking soda sẽ giúp làm bong tróc dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và khiến côn trùng nổi lên. Cuối cùng là chần sơ trong nước sôi trước khi nấu để đảm bảo an toàn.

5 thứ càng rửa càng bẩn, dẫn lối vi khuẩn ngấm vào sâu hơn- Ảnh 7.

5. Nghêu, sò, ốc

Rửa nghêu, sò, ốc hoặc những thực phẩm có vỏ cứng tương tự sơ bằng nước lạnh, thậm chí cho chút muối hoặc rượu để khử mùi tanh rồi đem nấu ngay là cách làm tuy rất có tâm nhưng chưa chuẩn chỉnh. Bởi vì rửa như vậy không đủ để loại bỏ lượng lớn cát, bùn và tạp chất vẫn còn nằm trong nội tạng của chúng, mà có khi còn đẩy chất bẩn vào sâu hơn.

Lời khuyên là ngâm nghêu, sò, ốc... trong nước muối loãng khoảng 1–2 tiếng, có thể cho thêm vài giọt dầu ăn hoặc ớt quả được cắt lát để dễ kích thích nhả cát. Sau đó, cho vào chậu có nắp đậy, lắc mạnh nhiều lần để làm sạch lớp cát dính ngoài vỏ. Khi chế biến, bạn nên đun sôi kỹ và bỏ phần nước luộc đầu tiên vì nước này chứa phần lớn tạp chất được tiết ra từ nội tạng.

5 thứ càng rửa càng bẩn, dẫn lối vi khuẩn ngấm vào sâu hơn- Ảnh 8.

Nguồn: news.qq

 

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày