Khoa học là một phạm trù tương đối kỳ quặc. Chúng ta có thể đầu tư rất nhiều tiền để tìm hiểu về những lĩnh vực cực kỳ cao siêu (và đã thành công).
Nhưng đôi lúc có những sự việc, hiện tượng cực kỳ cơ bản, vậy mà đến tận giờ phút này, trải qua hàng ngàn năm phát triển, con người vẫn chẳng hiểu cặn kẽ được
Những sự việc dưới đây chính là ví dụ điển hình nhất.
Thuốc gây mê và gây tê có lẽ là những thành tựu quan trọng bậc nhất trong y học. Từ gây mê toàn thân, đến gây tê, gây tê cục bộ... nhờ có chúng mà những ca phẫu thuật trở nên dễ dàng hơn, và trải nghiệm của bệnh nhân cũng không còn quá kinh khủng nữa.
Hiện tại, có muôn vàn cách để gây mê và gây tê. Có thể là tiêm, cho bệnh nhân hít khí gây mê, hoặc đôi khi chỉ là gây tê dạng xịt thôi. Thế nhưng, cơ chế hoạt động của tất cả hiện vẫn là bí ẩn đối với khoa học.
Khoa học giờ đây mới chỉ biết rằng các loại thuốc này có thể ngăn trở các tế bào thần kinh, ngăn không cho chúng truyền tín hiệu về não bộ. Nhưng ngăn trở bằng cách nào thì... chịu, vì thậm chí các loại thuốc gây mê và gây tê còn tác động được đến thực vật nữa cơ.
"Sự thật là chẳng ai biết cả" - một nhà khoa học đã viết như thế trên tạp chí New Scientist vào năm 2011. Tuy nhiên, một số nghiên cứu gần đây đang cho thấy một số thông tin mới về cách thuốc mê hoạt động, dù chưa thực sự đáng tin tưởng. Nhìn chung, có lẽ chúng ta sẽ phải chờ đợi nhiều nghiên cứu trong tương lai để có được thông tin chính xác nhất.
Ai nuôi mèo cũng biết, các boss thường có một hành động rất dễ thương là cọ mình vào chúng ta, họng rên "rừ rừ". Một số nghiên cứu trước đã chỉ ra đây là dấu hiệu mèo đang cảm thấy hạnh phúc khi có con người bên cạnh. Thậm chí có người còn cho rằng mèo chỉ rên khi có người ở bên.
Nhưng chính xác tại sao chúng lại phải rên như vậy thì đến giờ phút này, khoa học vẫn chưa có lời giải.
"Chẳng ai biết chính xác thứ gì đã tạo ra âm thanh đặc trưng ấy" - trích lời một nhà khoa học đăng trên io9.
"Trong cơ thể mèo không có bộ phận nào tên là "phần rên", mà cũng chẳng có phần nào trong họng mèo chịu trách nhiệm cho âm thanh đó."
Một số nhà khoa học đặt giả thiết về một bộ "dao động thần kinh" có trong thanh quản, nhưng thực sự chẳng ai chắc chắn cả.
Nhưng dù không biết nguồn gốc, thì âm thanh "gru" các boss tạo ra cũng mang lại nhiều lợi ích, trong đó có việc giúp chúng ta hồi phục nhanh hơn. Thế nên nếu được thì cứ tận hưởng đi.
Người ta vẫn bảo rượu không đáng sợ, thứ đáng sợ là "ngày hôm sau". Thật vậy, vì sau một đêm tiệc tùng quẩy hết nấc, chúng ta thường gặp phải rất nhiều triệu chứng khó chịu khi thức dậy: đau đầu, buồn nôn, chóng mặt. Tóm lại, đó là cơn chếnh choáng sau say - tiếng Anh gọi là hangover.
Nhưng thứ gì tạo ra cơn chếnh choáng ấy? Rất tiếc, khoa học vẫn chưa rõ.
Trước kia, người ta tin rằng rượu làm mất nước, và đó cũng chính là lý do tạo ra cơn chếnh choáng. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy hiện tượng mất nước gần như không có liên hệ gì cả.
Ở thời điểm hiện tại, giả thuyết được nhiều người chấp nhận nhất là cồn tạo ra acetaldehyde - một hóa chất cực độc - gây ra cảm giác chếnh choáng. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, các nhà khoa học thực thụ sẽ biết rằng giả thuyết ấy chưa thực sự chuẩn xác.
Tuy nhiên điều đó không quan trọng. Quan trọng bạn cần biết là uống rượu sẽ mang lại hậu quả không tốt, nên hãy hạn chế điều đó đi.
Hầu như ai cũng có thể đi xe đạp, nhưng chẳng ai biết tại sao nó đứng được như thế cả. Thật vậy đấy, cả Mont Hubbard - kỹ sư tại ĐH California, Davis cũng đã nói như vậy vào năm 2016.
Nói chính xác ra, chúng ta vẫn có một vài giả thuyết, nhưng chưa khi nào nắm bắt toàn vẹn vấn đề cả.
Phổ biến nhất là giả thuyết "con quay" - gyroscope theory - rằng bánh xe khi quay sẽ sinh ra lực giúp xe cứ thế chạy thẳng. Một giả thuyết khác là "lý thuyết bánh xe" - caster theory - có liên quan đến việc trục lái bánh xe tiếp xúc với mặt đất.
Cả hai đều hợp lý, nhưng không giải thích toàn vẹn được lý do chiếc xe có thể tự thăng bằng. Hơn nữa, những người phát minh ra xe đạp cũng chẳng biết đến các lý thuyết này, nhưng xe vẫn chạy được thôi.
Chắc không dưới một lần chúng ta biết đến hiện tượng này. Tiếng áo len nổ tanh tách trong mùa đông, hay thí nghiệm chà xát mảnh vải lên đầu và thấy tóc dựng đứng lên - cả hai đều là tĩnh điện.
Nhưng biết gì không? Khoa học đến giờ vẫn không hiểu tĩnh điện hoạt động như thế nào!
Trước kia, lý thuyết được chấp nhận nhiều nhất là sự mất cân bằng của các hạt mang điện tích, khiến cho điện tích tụ lại. Nhưng rồi một giả thuyết khác ra đời, trong đó đề cập đến việc các hạt vật chất chuyển dịch qua lại mới là nguyên nhân của tĩnh điện.
Rốt cục, khoa học thêm một lần quay cuồng, và bản chất của tĩnh điện vẫn không ai hiểu cả.