Ngày 1/12, Khải Hoàn Môn của Paris đã trải qua tình trạng phá hoại nghiêm trọng bởi một nhóm người biểu tình mặc đồ đen quá khích.
Sự việc đã khiến dư luận hoang mang và phẫn nộ. Chính quyền Paris cho rằng những người biểu tình thực sự sẽ không nhắm vào những công trình quốc gia như thế này. Đó là hành vi của những kẻ "có chủ tâm quậy phá".
Sự tức giận của họ là hoàn toàn đúng, bởi lẽ Khải Hoàn Môn (Arc de Triomphe) không chỉ là một di tích lịch sử thông thường, mà còn là công trình mang tính biểu tượng của Paris với tuổi đời cả trăm năm. Và dưới đây, chúng ta sẽ cùng đến với những sự thật đầy bất ngờ về biểu tượng huyền thoại này, mà đảm bảo rằng rất ít người đã từng nghe.
Năm 1806, Hoàng đế Napoléon I đã cho xây dựng Khải Hoàn Môn. Nhưng trước thời của Napoléon, người Pháp đã sớm nhận ra cần có một công trình biểu tượng ở khu vực này, và kiến trúc sư nổi tiếng khi đó là Charles Ribart đã đưa ra đề xuất xây dựng một con voi khổng lồ.
Con voi của Charles Rỉbart và Khải Hoàn Môn Paris hiện tại
Con voi này sẽ có 3 tầng, bên trong có cầu thang dạng xoắn, dẫn đến một cánh cửa trổ ra từ bụng voi. Ribart còn kỳ công đến mức thiết kế cả hệ thống nội thất âm tường, và một hệ thống dẫn nước bên trong con voi, hướng lên phía vòi.
Mọi thứ tưởng như đã sẵn sàng, nhưng sau đó chính phủ Pháp đã từ chối yêu cầu của Ribart. Và sau đó, Khải Hoàn Môn mới có cơ hội xuất hiện ở vị trí hiện nay.
Vào năm 1806, Hoàng đế Napoléon I đã cho xây dựng Khải Hoàn Môn để tôn vinh quân đội, kỷ niệm chiến thắng lẫy lừng của các đạo quân Pháp.
Đây là một công trình cực kỳ ấn tượng. Kích thước mặt đứng rộng 45m, cao 50m, với 4 tác phẩm điêu khắc chính tượng trưng cho 4 chiến thắng lịch sử của quân đội Pháp. Phía trên có đề tên và những thành công lớn trong giai đoạn Napoleon, và bên trong có khắc tên của 558 vị tướng nổi tiếng nhất của Pháp.
Nhưng để hoàn thiện, người Pháp đã mất đến 30 năm - tức đến 1836 mới xong, trong khi Napoleon qua đời vào năm 1821. Nói cách khác, ông đã không có cơ hội được chứng kiến khải Hoàn Môn thành hình.
Trên thực tế thì thời gian xây dựng công trình này đáng ra sẽ không lâu đến như vậy. Vấn đề là sau khi Napoleon thoái vị vào năm 1814, việc xây dựng đã bị đình chỉ, mãi đến năm 1826 mới tiếp tục.
Khải Hoàn Môn có thể tạm dịch là "Cánh cổng thắng trận" - nghĩa là những công trình để vinh danh chiến thắng. Và sự thật thì vẫn còn nhiều nơi khác trên thế giới có xây dựng Khải Hoàn Môn. Như Rome (Ý) thậm chí còn có vài cái, tính từ thời La Mã cổ đại.
Khải Hoàn Môn của Pháp (trái) và Triều Tiên (phải)
Trong số các Khải Hoàn Môn nổi tiếng nhất thế giới hiện nay thì Arc de Triomphe chỉ đứng thứ 2 về diện tích. Vị trí thứ nhất thuộc về Triều Tiên, với Khải Hoàn Môn được xây dựng vào năm 1982.
Cựu tổng thống Pháp Charles De Gaulle suýt trúng đạn ở Khải Hoàn Môn trong nhiệm kỳ của mình vào thập niên 60 giữa thế kỷ 20. Đến năm 2002, một cựu tổng thống khác là Jacques Chirac cũng thoát chết trong gang tấc chính tại Đài tưởng niệm này.
Để Khải Hoàn Môn dãi dầu mưa nắng thì chẳng ai mong muốn, nhưng lau dọn, bảo trì một cách toàn diện thì không dễ. Năm 2011, công trình này mới được bảo trì toàn diện lần đầu tiên trong 50 năm, và chưa rõ lịch trình lần kế tiếp là bao giờ.