5 lần tuyên bố Tình trạng Khẩn cấp Y tế Toàn cầu: Những "cơn ác mộng" vẫn ám ảnh cộng đồng quốc tế

Tất Đạt, Theo Trí Thức Trẻ 19:57 31/01/2020
Chia sẻ

Trước khi đưa ra tuyên bố Tình trạng Khẩn cấp Y tế Toàn cầu (PHEIC), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) luôn phải tranh luận và đối thoại rất nhiều.

Ngày 31/1 (giờ Việt Nam), WHO đã quyết định tuyên bố đợt bùng phát virus corona mới (2019-nCoV) gây viêm phổi ở Vũ Hán là “Tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu” (PHEIC).

Từ khi khái niệm này được định nghĩa và áp dụng chính thức vào năm 2005, WHO mới tuyên bố tình trạng PHEIC 5 lần trước đợt dịch viêm phổi Vũ Hán.

Dưới đây là 5 "sự kiện bất thường" khiến WHO phải tuyên bố tình trạng PHEIC:

Ngày 26/4/2009: Dịch cúm H1N1 (Cúm lợn)

Khi Mexico thông báo WHO rằng đã phát hiện đợt bùng phát dịch H1N1 tại một thành phố Mexico và WHO tuyên bố PHEIC, một số quốc gia đã bắt đầu đóng cửa trường học, tăng cường quét thân nhiệt hành khách tại sân bay và ngừng hoạt động thương mại quốc tế. Cũng trong ngày 26/4, 3 giờ sau khi tuyên bố PHEIC, có tới hơn 2 triệu lượt truy cập trang web của WHO, yêu cầu thành lập một chuyên trang về dịch cúm H1N1.

Một số nước thậm chí còn cách ly khách nước ngoài. Một nhóm 21 học sinh và 3 giáo viên của Mỹ đã bị cách ly tại phòng khách sạn của họ ở Trung Quốc sau khi một hành khách cùng chuyến bay bị nghi nhiễm H1N1.

5 lần tuyên bố Tình trạng Khẩn cấp Y tế Toàn cầu: Những cơn ác mộng vẫn ám ảnh cộng đồng quốc tế - Ảnh 1.

Được biết, trong lần đầu tiên này, WHO tuyên bố PHEIC trong khi dịch bệnh H1N1 mới trong Giai đoạn 3 (giai đoạn số bệnh nhân mắc bệnh tại một số cụm nhỏ nhưng chưa đủ để bùng phát ở cấp cộng đồng do lây lan từ người sang người). Vào thời điểm đó, chỉ có 3 quốc gia thông báo có người mắc virus H1N1. Do đó, việc tuyên bố PHEIC đã bị chỉ trích là gây hoang mang cho cộng đồng quốc tế.

Neil Rau, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và là Phó Giáo sư tại Đại học Toronto, cho biết phương thức "bế quan tỏa cảng" không phải là cách hiệu quả để kiểm soát sự lây lan của H1N1.

Một nghiên cứu năm 2013 chỉ ra rằng dịch H1N1 có quy mô tương đương như bệnh cúm phổ thông, nhưng khiến giảm tuổi thọ của người bệnh nhiều hơn bởi chúng gây ra tử vong nhiều ở lứa tuổi dưới 65.

Ngày 5/5/2014: Virus bại liệt Polio (WPV)

WHO đã tuyên bố PHEIC sau khi phát hiện hàng trăm trường hợp nhiễm bệnh ở Pakistan, Afghanistan và 7 quốc gia khác. Do dịch tái bùng phát vào giai đoạn "gần như quét sạch hoàn toàn bệnh", đây được coi là một sự kiện bất thường.

Các chiến dịch tiêm vắc-xin đã được khởi động, tuy nhiên các nhóm khủng bố al-Qaeda và những tay súng Taliban được cho là đã tấn công các nhóm y tế mang theo vắc-xin polio cùng lực lượng cảnh sát bảo vệ họ ở Pakistan

Ngày 7/1/2010, hội đồng các chuyên gia WHO đồng thuận tiếp tục tuyên bố tình trạng PHEIC đối với virus polio.

Ngày 8/8/2014: Đại dịch virus Ebola (EVD)

Các trường hợp nhiễm Ebola đầu tiên đã được xác nhận tại Guinea và Liberia vào tháng 3/2014 và tại Sierra Leone vào tháng 5/2014. Ngày 8/8/2014, sau khi Ebola xuất hiện ở Mỹ, châu Âu và xét tới việc dịch bệnh tiếp tục bùng phát tại 3 quốc gia khác trong nhiều tháng, WHO đã tuyên bố tình trạng PHEIC lần thứ 3 để đối phó với Ebola tại Tây Phi.

Các tài liệu thu thập bởi AP cho thấy WHO đã hoãn tuyên bố PHEIC đối với dịch Ebola ở Tây Phi trong 2 tháng cho tới khi các chuyên gia khẳng định dịch bệnh này sẽ gây tổn hại lớn đối với kinh tế các nước có dịch và có liên quan tới đợt hành hương của người theo đạo Hồi tới Mecca.

5 lần tuyên bố Tình trạng Khẩn cấp Y tế Toàn cầu: Những cơn ác mộng vẫn ám ảnh cộng đồng quốc tế - Ảnh 2.

Người dân ở Liberia theo dõi các nhân viên y tế khử trùng căn phòng nơi họ đưa 6 bệnh nhân nghi nhiễm Ebola về nơi cách ly. Ảnh: AP

Mặc dù chính quyền tại Liberia đã đóng cửa một phần biên giới với Guinea để ngăn cản tình trạng lây lan virus, nhưng nhiều người vẫn liên tục di chuyển qua lại giữa biên giới hai nước này và Sierra Leone.

Tổng giám đốc WHO khi đó là Margaret Chan đã khuyến nghị các quốc gia không nên áp dụng lệnh hạn chế đi lại ở Tây Phi, cho rằng tình hình sẽ nguy hiểm hơn khi các chuyên gia y tế không tới được vùng dịch. Tuy nhiên, các quốc gia vẫn tiếp tục đóng cửa biên giới, từ chối nhận du khách từ những quốc gia nghi ngờ nhiễm virus, và Triều Tiên thậm chí còn cấm hoàn toàn du khách tới đây.

Ngày 1/2/2016: Virus Zika

Ngày 1/2/2016, WHO tuyên bố PHEIC lần thứ 4 trước việc virus Zika được cho là nguyên nhân gây ra tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh và hội chứng Guillain-Barré (hội chứng tổn thương thần kinh có thể gây liệt).

Đây là lần đầu tiên PHEIC được tuyên bố đối với một bệnh gây ra do muỗi.

Một số quốc gia khuyến nghị người dân ngừng kế hoạch mang thai cho tới khi các bác sĩ tìm hiểu rõ hơn về virus và ảnh hưởng của nó tới sức khỏe thai nhi. Tới nay, vẫn chưa có tài liệu đầy đủ về ảnh hưởng của virus Zika đối với sự hình thành của thai nhi trong bụng mẹ.

Đợt bùng phát cũng gây lo ngại lớn đối với các vận động viên và khán giả tại Thế vận hội Olympic 2016 ở Rio de Janiero. Một số vận động viên chấp nhận bỏ cuộc vì nỗi lo virus Zika.

Tuyên bố PHEIC về Zika đã được dỡ bỏ vào ngày 18/11/2016.

Ngày 29/7/2019: Dịch virus Ebola

Ủy ban khẩn cấp IHR, cơ quan xác định liệu một sự kiện có đủ tiêu chuẩn để đưa ra tuyên bố PHEIC hay không, đã 3 lần từ chối khuyên WHO đưa ra tuyên bố PHEIC.

5 lần tuyên bố Tình trạng Khẩn cấp Y tế Toàn cầu: Những cơn ác mộng vẫn ám ảnh cộng đồng quốc tế - Ảnh 3.

Ảnh: BBC

Tuyên bố PHEIC được đưa ra sau đó, khi một trường hợp nhiễm Ebola được xác nhận tại thành phố Goma thuộc Cộng hòa Dân chủ Congo.

Sau tuyên bố PHEIC lần thứ 5, Ả Rập Saudi đã ngừng cấp visa cho công dân Congo, Rwanda hạn chế di chuyển của người dân trên biên giới với Congo.

5 lần tuyên bố Tình trạng Khẩn cấp Y tế Toàn cầu: Những cơn ác mộng vẫn ám ảnh cộng đồng quốc tế - Ảnh 4.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày