Chị An, 45 tuổi, hiện đang làm nghề kinh doanh hải sản ở Thâm Quyến, Trung Quốc. 10 năm trước, chị lấy chồng xa nên không thường xuyên về nhà mẹ đẻ và cũng rất ít khi gặp mặt bạn bè. Gia đình chị có một sạp hàng bán ở chợ, chuyên buôn bán các loại cá, hải sản và cá khô. Thu nhập trung bình cũng rơi vào khoảng 100 triệu đồng mỗi tháng.
Lớp cấp 3 của chị có truyền thống họp mỗi năm một lần vào thời điểm kết thúc kỳ thi Cao Khảo - Kỳ thi đại học nhưng ký ức về lần họp lớp đầu tiên mà chị tham gia khiến chị không bao giờ quên được cảm giác bị khinh thường. Từ đó, chị không bao giờ gặp lại họ nữa.
"Lương công sở bây giờ bình quân cũng chỉ 35 triệu đồng mỗi tháng, tôi chẳng hiểu họ dựa vào đâu để khinh thường người buôn bán như tôi. Vì tôi lôi thôi, người mùi cá chứ không phải nước hoa sao?", chị An bức xúc.
Không phải ai cũng vui vẻ khi đi họp lớp
Chị An kể lại, buổi họp lớp năm ấy tổ chức ở một nhà hàng, có khoảng 30 người tham dự. Gặp nhau mọi người tay bắt mặt mừng, tự giới thiệu nơi ở, công việc hiện tại. Ai cũng tranh thủ khoe thu nhập, khoe quen ông quan chức này, biết ông lãnh đạo kia. Ai càng có vẻ nhiều tiền nói càng to, kể càng hăng. Người khoe đến đâu, ở dưới lại xuýt xoa đến đấy. Ai có chức tước, khoe quan hệ rộng, lập tức có người lại bắt tay, lưu số điện thoại.
Chị thừa biết, trong số các thành viên trong lớp không phải ai cũng thành công. Có rất nhiều bạn chỉ làm nhân viên văn phòng bình thường nhưng họ vẫn thích quần là áo lượt, thuê xe ô tô để "lên mặt" với mọi người.
Đặc biệt, chị nhớ nhất về thằng bạn ngồi cùng bàn hồi cấp 3, đang sống ở Bắc Kinh. Anh này ban đầu than thở làm kinh doanh nội thất ở thành phố lớn áp lực, mệt mỏi nên nhiều lúc cũng muốn bỏ phố về quê làm công nhân cho nhẹ đầu. Nghe vậy, chị An tỏ vẻ đồng cảm nhưng thấy anh chép miệng: "Nhiều tiền quá cũng mệt, sáng ra tuy có tài xế đến đón bằng Camry nhưng đôi khi muốn đi du lịch cũng phải cân nhắc nhiều, đâu thể tùy tiện đi trong nước". Nghe đến đây, chị thầm cười mỉa trong lòng.
Đến lượt chị An, chị giới thiệu mình và chồng hiện buôn bán tự do ngoài chợ đầu mối, chủ yếu là các loại hải sản tôm cá. Chị trêu đùa nếu bạn bè có dịp ghé Thâm Quyến mua ủng hộ thì chị sẽ giảm giá một nửa.
Song, chị nhận ra không khí trầm lắng hẳn xuống, dường như chẳng ai quan tâm đến chị nữa.
Một người nhìn chị cười bảo: "An ngày xưa cũng học hành được lắm mà, sao giờ lại thành ra như thế này".
Chị An đáp lại: "Thành ra như này là như nào chứ?".
Một người khác chen vào: "Người toàn mùi tanh".
Thế là cả lớp đồng loạt cười ồ lên như được nghe một câu chuyện hài hước chứ chẳng ai thèm quan tâm xem cảm nhận của chị ra sao. Thậm chí họ còn chê đồ ăn ngoài chợ thì không đảm bảo, phải mua hải sản trong cửa hàng lớn hoặc siêu thị thì mới dám ăn.
Sau đó, chị An ngậm ngùi ngồi ăn uống qua loa, rồi lấy lý do có việc gấp để ra về.
"Mọi người cũng chỉ chào lấy lệ, rồi lại xúm vào nhau trò chuyện như không có sự tồn tại của tôi", chị kể.
Kể từ đó, chị An không bao giờ đi họp lớp nữa nhưng chị cũng không rời nhóm chat chung của lớp. Chị vẫn đóng tiền mỗi khi nhóm kêu gọi ủng hộ một người nào đó khó khăn hay thăm hỏi bố mẹ các bạn ốm đau khi cần.
Trong sâu thẳm, chị vẫn muốn mình có thể hòa vào tập thể ấy như năm 18 tuổi, nâng đỡ nhau khi khó khăn như mục tiêu của một tập thể đích thực. Song, cuộc đời đổi thay khiến tính cách con người cũng thay đổi. Vậy, có lẽ chỉ cần gặp gỡ 'online' như vậy cũng đủ.
Theo Toutiao