Ảnh hưởng quyền lợi thí sinh đăng ký
Trước sự việc trên, TS. Hoàng Xuân Hiệp, Hiệu trưởng trường đại học Công nghiệp dệt may Hà Nội cho biết: "Thông báo của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp chưa đề cập đến tính đặc thù của một số ngành như ngành dệt may khi mà nguồn cung đào tạo nhân lực trên cả nước hiện tại (tính cả đại học và cao đẳng) cũng chưa đáp ứng đủ 30% nhân lực cần thiết cho ngành dệt may.
Qua khảo sát của trường đại học Công nghiệp dệt may Hà Nội, mỗi năm nhân lực ngành này cần bổ sung thêm từ 90.000-100.000/năm; trong đó, nhân lực trình độ đại học, cao đẳng cần khoảng 5.700. Nhưng hiện nay, mỗi năm chưa được 2.000 nhân lực đại học, cao đẳng khối ngành dệt may ra trường".
TS. Hoàng Xuân Hiệp.
PGS.TS Trần Văn Thức, Hiệu trưởng trường đại học Văn hóa, Thể thao & Du lịch Thanh Hóa cũng bày tỏ: "Trường tôi cũng nhận được yêu cầu dừng tuyển sinh đào tạo hệ trung cấp thanh nhạc, nhưng tôi phải nói rằng, yêu cầu như vậy là Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp không nắm được tính chất đặc thù của đại học. Đối với khối nghệ thuật, thanh nhạc không ai vào thẳng đại học, mà phải học từ trung cấp lên cao đẳng rồi đại học.
Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa đã có trường đại học thì không còn trường cao đẳng hay trung cấp tồn tại, nhưng sinh viên phải học cả một quá trình. Chẳng lẽ mỗi người con Thanh Hóa theo ngành nghệ thuật này lại phải lặn lội ra Hà Nội học trung cấp, cao đẳng rồi mới trở về tỉnh học đại học hay sao?".
Ông nhấn mạnh: "Tất nhiên trường đại học Văn hóa, Thể thao & Du lịch Thanh Hóa cũng chỉ đào tạo đại học là chính thôi, hệ trung cấp thì mỗi năm cũng chỉ có vài chục sinh viên. Tuy nhiên, sự việc trên chứng tỏ, trình độ quản lý của bộ GD&ĐT nắm chắc hơn, đưa sang bộ Lao động, Thương binh và Xã hội lại chưa tham khảo ý kiến các cơ sở giáo dục đã vội vàng đưa ra quyết định, rất bất hợp lý".
TS. Hoàng Hùng Thắng, Hiệu trưởng trường đại học Công nghiệp Quảng Ninh thông tin: "Thực chất, sinh viên hệ cao đẳng cũng không nhiều, tuy nhiên, vì không được chỉ đạo trước nên trường vẫn đưa vào đề án tuyển sinh năm 2019, ít nhiều vẫn ảnh hưởng đến quyền lợi của một bộ phận thí sinh đã nộp hồ sơ đăng ký nguyện vọng".
Theo Trưởng phòng Đào tạo trường đại học Công nghiệp Hà Nội, hàng năm, trường đều tuyển sinh đạt 95-100% chỉ tiêu theo Giấy chứng nhận được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cấp và 100% sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp, được doanh nghiệp đánh giá cao về chất lượng đào tạo.
Việc trường dừng tuyển sinh trình độ cao đẳng từ 1/7/2019 gây ra thiệt thòi rất lớn cho người học, rất nhiều học sinh sau khi thi THPT Quốc gia muốn học cao đẳng nhưng chưa kịp đăng ký xét tuyển vào trường sẽ mất đi một lựa chọn tốt, buộc các em phải cân nhắc, lựa chọn để đăng ký vào một trường khác ngoài dự kiến ban đầu của mình.
Không có lộ trình cụ thể, bất hợp lý!
Trước sự việc trên, TS. Hoàng Xuân Hiệp cũng phân tích một số điểm còn băn khoăn về mặt pháp lý trong văn bản của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp.
Cụ thể: "Văn bản có trích Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học năm 2018, tại điều 1 có ghi: "Các trình độ của giáo dục đại học bao gồm trình độ đại học, trình độ thạc sĩ, trình độ tiến sĩ", để cho rằng các trường đại học không được đào tạo trình độ cao đẳng.
Điều này chưa hợp lý, bởi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học chỉ chi phối trình độ đại học nên không thể ghi thêm trình độ cao đẳng vào luật. Trường đại học là một tổ chức, trường đại học không đồng nghĩa với trình độ đại học, không có điều nào trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học nói rằng các trường đại học không được đào tạo trình độ cao đẳng.
Thêm nữa, trong Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Chuyên ngành chi phối đào tạo trình độ cao đẳng, cũng không có điều nào cấm các trường đại học đào tạo trình độ cao đẳng".
"Việc Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp thông báo dừng vào thời điểm 1/7/2019 là chưa hợp lý trong khi các trường đại học đã thông báo công khai đến người học để tuyển sinh cao đẳng từ cuối năm 2018. Chưa kể đến việc sau khi có 2 luật trên ra đời, chưa có văn bản dưới luật nào hướng dẫn các trường đại học thực hiện việc này cho đúng luật", ông nhấn mạnh.
Cho rằng việc yêu cầu dừng tuyển sinh ngay trong mùa tuyển sinh là bất hợp lý, TS. Hoàng Hùng Thắng, Hiệu trưởng trường đại học Công nghiệp Quảng Ninh chia sẻ: "Hiện nay, chúng tôi cũng đã nhận thông báo, thì chắc cũng sẽ thực hiện theo chỉ đạo của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp.
Tuy nhiên, vấn đề này được thông báo muộn như thế này là không phù hợp, bởi vì các trường đều đã có đề án tuyển sinh từ trước, đã thông báo đến các thí sinh nộp hồ sơ từ trước. Việc yêu cầu dừng tuyển sinh hệ cao đẳng, trung cấp lại chỉ được đưa ra ngay trong đúng mùa tuyển sinh mà lại phải có hiệu lực ngay, thể hiện không có lộ trình cụ thể. Đáng lẽ, năm nay đưa ra thì thực hiện từ năm tiếp theo, để không có sinh viên nào đăng ký hệ cao đẳng".
Đồng quan điểm đó, TS. Nguyễn Đăng Vũ, Hiệu trưởng trường đại học Phạm Văn Đồng chia sẻ: "Vừa rồi, trường cũng đã nhận được văn bản từ Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp yêu cầu chấm dứt đào tạo 7 ngành nghề hệ cao đẳng, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/7/2019.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp nên hướng dẫn sớm hơn. Theo nội dung văn bản là các trường đại học dừng tuyển từ 1/7, nhưng văn bản được gửi từ ngày 17/7 và đến tận ngày 25/7, trường đại học Phạm Văn Đồng mới nhận được".
Ông phân tích cụ thể hơn: "Cho nên, chúng tôi rất bị động, bởi vì đã thu nhận hồ sơ của các thí sinh xét tuyển học bạ, xét tuyển điểm thi THPT Quốc gia, mà hiện tại cũng đã có một số hồ sơ nhận các thí sinh đó trở thành sinh viên của trường rồi, rất khó khăn!
TS. Nguyễn Đăng Vũ.
Kế hoạch tuyển sinh của trường đã được thông qua từ đầu năm, sau đó là một loạt hoạt động thực hiện công tác truyền thông đến người học từ tháng 3, tháng 4. Kế hoạch tuyển sinh duyệt đi kèm với kế hoạch về nhân sự, cơ sở vật chất, hiện giờ lại không được tuyển sinh hệ cao đẳng nữa, chi phí xây dựng chương trình, kinh phí cho hoạt động marketing bị lãng phí… Việc thông báo tuyển sinh rồi lại dừng khiến người học sẽ hoang mang, mất niềm tin vào trường".
"Bên cạnh đó, nhiều trường hợp thí sinh miền núi, hải đảo muốn học trình độ vừa sức nên tôi cũng muốn tận dụng nguồn nhân lực này để phục vụ quê hương; còn đa số thí sinh có điểm cao hơn, đủ điểm đỗ đại học thường chọn những trường ở các thành phố lớn như TP.Hồ Chí Minh, sau khi tốt nghiệp, các em ở lại đó công tác. Vì vậy, không đào tạo hệ cao đẳng nữa đồng nghĩa với việc Quảng Ngãi sẽ mất đi một nguồn nhân lực", Hiệu trưởng trường đại học Phạm Văn Đồng lý giải "tổn thất" khi không còn đào tạo hệ cao đẳng.