Nhờ sự ảnh hưởng của chị em nhà Kylie Jenner, trào lưu làm đầy môi bỗng trở nên hot hơn bao giờ hết. Và bạn biết đấy, có cầu thì ắt có cung, hàng loạt phương pháp làm đẹp đã ra đời để phục vụ nhu cầu này của các chị em.
1. Sử dụng cốc "hút môi" Fullips
Với người muốn có bờ môi căng mọng nhưng không đủ kinh tế để đi thẩm mỹ thì việc dùng cốc Fullips sẽ là ý tưởng trên cả hoàn hảo. Chỉ tốn khoảng 435,000 VND, việc sở hữu đôi môi Kylie Jenner sẽ chẳng còn là thử thách. Những gì bạn cần làm chỉ đơn giản là làm ướt môi, tiếp đến hút môi mình vào cốc, giữ khoảng 15 - 30 giây, bỏ ra rồi lặp lại nhiều lần tới khi có kết quả ưng ý.
Tất nhiên, vẫn có nhiều người hoài nghi về tác dụng của phương pháp này nhưng phần lớn các chị em từng thử nghiệm đều có được kết quả đáng kinh ngạc. Đáng tiếc, "kết quả" ấy chỉ kéo dài trong khoảng trên dưới 1 giờ đồng hồ, tùy cơ địa từng người.
Nhà sản xuất cho biết thực chất, Fullips không thể tăng kích cỡ môi vĩnh viễn, nó chỉ chỉ đơn giản là lợi dụng lực hút của chiếc cốc, giúp môi tạm thời phồng hơn mà thôi.
2. Dùng son kích thích đầy môi (Lip Plumper)
Nếu từng là fan của son bóng (Gloss), bạn chắc chắn sẽ thích Lip Plumper. Hiểu một cách đơn giản, nếu son bóng chỉ đủ để tạo hiệu ứng 3D khiến môi bạn mọng hơn thì lip plumper lại có tác dụng nhiều hơn thế.
Trong lip plumper có chứa một số thành phần, thường là bạc hà, có khả năng khiến môi bạn sưng, căng lên đôi chút. Tất nhiên, sự kích ứng này rất nhẹ nên sẽ không gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, nếu không muốn nói là khá an toàn. Giống như cách dùng cốc Fullips, phương pháp này chỉ mang tính tạm thời, giữ cho môi bạn căng đầy trong khoảng vài tiếng.
Một ưu điểm khác là vì na ná son bóng nên bạn hoàn toàn có thể kết hợp dùng Lip Plumper với son môi bình thường. Có rất nhiều thương hiệu từ bình dân đến cao cấp đều đã ra mắt loại son này như Soap & Glory, Dior, Too Faced...
3. Tiêm filler môi
Khác với phương pháp phía trên, tiêm filler phức tạp hơn nhưng lại đem hiệu quả khá lâu (6 tháng - 1 năm). Hiện có 3 kiểu tiêm filler hot nhất là tiêm làm dày môi, tiêm tạo môi trái tim và tiêm tạo khóe môi cười.
Để thực hiện phương pháp này, đầu tiên bác sĩ sẽ thoa kem gây tê lên môi hoặc tiêm thuốc tê vào lợi để bạn mất cảm giác đau đớn, sẵn sàng cho bước tiêm tiếp theo. Sau đó, họ sẽ dùng kim tiêm cannula với kích cỡ đầu kim siêu nhỏ, đây cũng là loại kim khá phổ biến. Tùy vào cách tiêm của từng bác sĩ hoặc từng dáng môi, họ sẽ tiêm từ khóe môi đến giữa môi hoặc tiêm từ nhân trung sang hai bên...Thường thì mỗi ca tiêm sẽ kéo dài từ 15 - 20 phút. Cuối cùng, bạn sẽ được massage và chườm đá thêm khoảng 10 phút.
Bình thường, mỗi ca tiêm cho cả môi trên lẫn môi dưới sẽ dùng hết khoảng 1cc Restylane hoặc Juvederm. Giá của cả 2 loại filler này rơi vào khoảng 10 triệu VNĐ cho 1cc. Vì bản chất là một phương pháp thẩm mỹ nên để an toàn, bạn hãy chọn đúng bác sĩ có uy tín, nhiều kinh nghiệm để tránh gặp phải các trường hợp rủi ro như đau nhức, sưng tấy, nứt hay nặng hơn là hoại tử môi.
4. Cấy ghép môi (Lip Implant)
Hiểu nôm na, cấy ghép môi như 1 phương pháp nâng cấp hơn của tiêm filler. Nếu tiêm filler chỉ đem lại tác dụng trong khoảng 4 - 6 tháng thì cách này lại đem hiệu quả vĩnh viễn, theo một số nghiên cứu. Ngoài ra, nó sẽ đem lại hiệu quả rõ rệt, môi được định hình một cách sắc nét. Đặc biệt, tỉ lệ thành công cũng cao hơn hẳn.
Vì thế, các bác sĩ thường khuyên bạn nên thử tiêm filler trước để xem dáng môi sau khi thẩm mỹ sẽ thế nào, trước khi bước sang phương pháp cấy ghép (Lip Implant).
Được biết, mỗi ca cấy ghép thường mất khoảng 1 tiếng để hoàn thiện. Đầu tiên, bác sĩ sẽ rạch một đường trên môi, thường bắt đầu từ khóe miệng hoặc bất kỳ điểm nào trên môi, tùy vào tay nghề của từng người. Sau đó, họ tiếp tục tạo thêm 1 "đường hầm" nhỏ, đủ để chứa phần mô cấy rồi từ từ khâu lại. Nhờ vậy, môi bạn sẽ mãi trong tình trạng căng đầy quyến rũ, mà không lo sau vài tháng, lớp filler sẽ bị tan hoặc thẩm thấu dần.