Luật Căn cước đã được Quốc hội khóa XV thông qua và sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.
So với Luật CCCD 2014 thì Luật Căn cước hiện nay có những thay đổi. Chẳng hạn như trước đây CCCD chỉ được cấp cho công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi nhưng nay công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên phải thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước. Đồng thời, công dân Việt Nam dưới 14 tuổi cũng sẽ được cấp thẻ căn cước theo nhu cầu.
Luật Căn cước đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024. (Ảnh minh hoạ)
Về quy trình cấp thẻ căn cước cũng được thay đổi, trong đó điểm đáng chú ý là thu nhận thêm thông tin mống mắt của người cần cấp thẻ căn cước; ADN và giọng nói sẽ được thu thập khi người dân tự nguyện cung cấp;...
Trước thay đổi này, người dân nên nắm bắt thông tin cũng như lưu ý những điểm mới quan trọng.
Luật Căn cước chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7-2024, người dân cần nắm bắt thông tin cũng như lưu ý những điểm mới quan trọng. (Ảnh: CA TP.HCM)
Thứ nhất, người dân không bắt buộc phải đổi thẻ CCCD sang thẻ Căn cước nếu còn giá trị sử dụng.
- Từ ngày 1/1/2025, tất cả CMND sẽ hết giá trị sử dụng.
- Thẻ CCCD/CMND hết hạn sử dụng từ ngày 15/1/2024 đến trước ngày 30/6/2024 thì tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30/6/2024 (khoản 3 Điều 46 Luật Căn cước).
- Người dân đang có thẻ Căn cước công dân cấp trước ngày 01/7/2024 không phải đổi sang thẻ Căn cước mà được sử dụng cho đến hết thời hạn ghi trong thẻ.
- Người dân đang có thẻ Căn cước công dân nếu muốn đổi sang thẻ Căn cước mới thì sẽ được thực hiện thay đổi.
- Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ CMND/CCCD được giữ nguyên giá trị sử dụng.
Thứ hai, lợi ích của thẻ Căn cước.
- Có giá trị chứng minh về căn cước và thông tin khác đã được tích hợp vào thẻ căn cước của người được cấp thẻ để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác trên lãnh thổ Việt Nam.
- Được sử dụng thay cho giấy tờ xuất nhập cảnh trong trường hợp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép người dân nước ký kết được sử dụng thẻ căn cước thay cho giấy tờ xuất nhập cảnh trên lãnh thổ của nhau.
Thứ ba, nghĩa vụ của người dân.
- Công dân Việt Nam làm thủ tục cấp thẻ căn cước.
- Người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch cần làm thủ tục cấp giấy chứng nhận căn cước.
- Bảo quản thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước đã được cấp.
- Cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin, tài liệu của mình để cập nhật, điều chỉnh thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu căn cước, thẻ căn cước, căn cước điện tử.
- Cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin, tài liệu của mình đã thay đổi so với thông tin trên thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước khi thực hiện giao dịch có liên quan và chịu trách nhiệm về tính đầy đủ, chính xác của thông tin, tài liệu.
- Xuất trình thẻ căn cước, căn cước điện tử, giấy chứng nhận căn cước hoặc cung cấp số định danh cá nhân khi người có thẩm quyền yêu cầu kiểm tra.
- Nộp thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước cho cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp cấp đổi, bị thu hồi, bị giữ thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước.
Thứ tư, các hành vi bị nghiêm cấm.
- Giữ thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước trái quy định của pháp luật.
- Không thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước theo độ tuổi quy định.
- Làm giả, sửa chữa, cố ý làm sai lệch nội dung thẻ căn cước, căn cước điện tử, giấy chứng nhận căn cước; chiếm đoạt, sử dụng trái phép thẻ căn cước, căn cước điện tử, giấy chứng nhận căn cước của người khác; thuê, cho thuê, cầm cố, nhận cầm cố, hủy hoại thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước; sử dụng thẻ căn cước giả, căn cước điện tử giả, giấy chứng nhận căn cước giả.
- Khai thác, chia sẻ, mua bán, trao đổi, chiếm đoạt, sử dụng trái phép thông tin, dữ liệu trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước, hệ thống định danh và xác thực điện tử.