Làm cha mẹ, hy vọng nhất chính là con cái lớn lên có tiền đồ, có bản lĩnh lại hiếu thuận. Cho nên các thế hệ trước đều thích sinh thêm con, một trong những lý do chính là để về già có người nương tựa.
Nhiều cha mẹ hiện nay có thể cho rằng sinh con, nuôi con không phải để nhờ vả sau này mà chỉ để cùng con bước đi trong thế giới tươi đẹp này và cùng nhau trải nghiệm cuộc sống. Thế nhưng không thể phủ nhận, dù nghĩ thoáng đến đâu, từ trong thâm tâm mình, ai cũng mong khi tuổi già sức yếu được con cái quan tâm, chăm sóc.
Một đứa trẻ sinh ra là một tờ giấy trắng, không ai biết được chắc chắn tương lai của mình, cũng không ai quyết định được sau này có báo hiếu được cha mẹ vẹn tròn hay không. Nhưng sự giáo dục của gia đình có thể xác định liệu trẻ có tử tế trong tương lai, liệu trẻ có biết yêu thương và kính trọng và đồng cảm với cha mẹ mình hay không.
Muốn con cái yêu thương và hiếu thảo trong tương lai, chúng ta phải thiết lập các giá trị và quy tắc đúng đắn cho con ngay từ khi còn nhỏ.
Kỳ thật, việc nhận biết một đứa trẻ có phải là người hiếu thuận hay không, không cần phải chờ khi lớn lên. Nếu một đứa trẻ giỏi đồng cảm từ nhỏ và biết cách nghĩ cho người khác thì khi lớn lên chúng sẽ là một đứa trẻ có hiếu. Ngược lại, nếu khi còn nhỏ, một đứa trẻ có những biểu hiện sau đây thì khi lớn lên sẽ khó có lòng hiếu thảo, cha mẹ cần lưu ý để chấn chỉnh kịp thời:
Đầu tiên, khi cha mẹ bị bệnh, trẻ có quan tâm hay không?
Sự quan tâm của đứa trẻ không phân biệt thời gian, tuổi tác. Ngay cả khi trẻ chỉ mới ba hoặc năm tuổi, nếu cha mẹ bị bệnh, nằm trên giường mệt mỏi, trẻ cũng có biểu hiện quan tâm, chủ động hỏi thăm cha mẹ. Thậm chí có đứa trẻ còn rót nước, chờ mẹ nhờ vả, điều đó có nghĩa là đứa trẻ quan tâm đến bạn, tương lai sau này khả năng hiếu thuận cũng rất lớn.
Nhưng nếu khi cha mẹ đổ bệnh, đứa trẻ vẫn nên vô tư chơi đùa, không quan tâm đến bất cứ điều gì, la hét như bình thường thì phụ huynh nên xem lại cách giáo dục con cái của mình.
Thứ hai, có sẵn sàng giúp cha mẹ làm việc nhà hay không?
Bây giờ nhiều bậc cha mẹ nuông chiều con cái, hiếm khi cho phép trẻ nhúng tay vào việc nhà. Nhưng nếu đôi khi cha mẹ rất mệt mỏi, hoặc tay bị thương, nói với con: "Mẹ đang mệt, con có thể giúp mẹ làm việc nhà không?", nếu đứa trẻ đồng ý, có thể thấy trẻ rất thương mẹ.
Ngược lại, đứa trẻ dù luôn miệng nói yêu mẹ nhưng đánh trống lảng để khỏi làm việc, không có một chút quan tâm, đứa trẻ có thể thực sự không hiểu chuyện, cha mẹ quá nuông chiều nên thành ra có chút ích kỷ.
Thứ ba, trẻ biết ơn không?
Có một câu chuyện được chia sẻ ngay lập tức gây sốt. Một sinh viên 23 tuổi ở Trung Quốc, khi được bố cho chi tiêu thẻ tín dụng, chỉ trả lời từng từ một rất nhát gừng. Người bố kiên nhẫn khuyên con: "Tiền bạc có hạn, con nên chú ý tiết kiệm". Không những không nghe lời bố, nữ sinh này còn đăng tải đoạn clip trò chuyện lên mạng, dùng những lời lẽ vô cùng xấu xí để xúc phạm người cha đã chu cấp cho mình.
Trên đời không hiếm những đứa trẻ yên tâm hưởng thụ sự hy sinh của cha mẹ, còn nếu hơi lơ là thì lòng đầy oán hận. Một đứa trẻ chưa làm ra tiền còn không biết báo ơn thì cho dù sau này có thành đạt trong sự nghiệp, làm sao có thể mong đợi con hiếu thuận?
Thế nhưng không phải đợi khi con 22, 23 tuổi mới thấy được tính cách vô ơn này. Nếu một đứa trẻ ngay từ nhỏ chỉ quan tâm đến việc đạt được những thứ có lợi cho mình, coi sự vất vả của cha mẹ là điều đương nhiên và làm ngơ trước những khó khăn của cha mẹ khó có thể nảy sinh một tấm lòng biết ơn.
Một số trẻ thường chia sẻ với bố mẹ những thứ ngon lành, những điều vui vẻ, bổ ích, mỗi khi nhìn thấy món gì hay, người đầu tiên chúng nghĩ tới là bố mẹ. Một người con như vậy phải rất hiếu thảo. Điều này cho thấy chúng cũng lớn lên trong môi trường yêu thương và tôn trọng nên học được cách quan tâm đến cha mẹ mình.
Thứ tư, trẻ muốn chịu trách nhiệm, có tinh thần trách nhiệm không?
Trong cuộc sống, chúng ta thường gặp những trường hợp: Khi trẻ đang đi bộ thì vấp phải một chiếc ghế đẩu và khóc. Lúc này, bạn sẽ làm gì? Một số phụ huynh vì thấy thương con nên quay ra đổ lỗi cho chiếc ghế đẩu hoặc sàn nhà. Điều này sẽ cho phép đứa trẻ chuyển giao trách nhiệm ảo và hình thành "tâm lý nạn nhân".
Khi một đứa trẻ gặp phải một chút thất bại, nó sẽ học cách trốn tránh trách nhiệm với bản thân từ những thói quen nhỏ này: Chính người khác là người làm hại mình. Nếu hình thành thói quen như vậy, khi lớn lên xảy ra sự cố, chúng sẽ không cố gắng chủ động giải quyết mà sẽ tìm cách bào chữa cho mình.
Đối tượng mà chúng đổ lỗi có thể là xuất thân, hoặc nhiều khả năng là cha mẹ, người đã không cho chúng một hoàn cảnh xuất thân tốt.
Cuốn sách "Kỷ luật tích cực" khi nói về việc nuôi dưỡng sự đồng cảm ở trẻ đã đề cập rằng khi trẻ ngã xuống đất, chúng ta không chỉ nên an ủi trẻ mà còn phải vỗ sàn an ủi mình cùng trẻ. Nếu ngay từ nhỏ đứa trẻ đã biết rằng khi ngã cũng ảnh hưởng đến người (hoặc vật) khác, bé sẽ phát triển sự đồng cảm và thấu hiểu người khác từ sự đồng cảm đó.
Chỉ bằng cách để đứa trẻ có can đảm chịu trách nhiệm, chúng mới không trốn tránh một cách mù quáng và bao biện, thậm chí đổ lỗi cho người khác. Thay vào đó, trẻ sẽ đúc kết kinh nghiệm trong những sai lầm và tiếp tục phát triển. Khi đứa trẻ lớn lên, chúng cũng có thể đảm nhận những trách nhiệm thuộc về mình. Trách nhiệm này có thể là làm cha mẹ, làm con cái, hoặc là một thành viên của xã hội. Có những đứa con biết chịu trách nhiệm là điều cha mẹ tự hào nhất.