Những ai đi ngang qua Hồ Tây vào sáng sớm hoặc chiều muộn đều có thể dễ dàng bắt gặp 4 cô gái cùng nhau luyện tập chèo thuyền bất kể nắng mưa. Họ chính là Tạ Thanh Huyền, Lường Thị Thảo, Hồ Thị Lý và Phạm Thị Thảo - những cô gái tài năng và đầy bản lĩnh đã đưa quốc kỳ Việt Nam lần đầu tiên tung bay ở vị trí cao nhất trên bục vinh danh tại ASIAD Indonesia 2018, bộ môn Rowing (đua thuyền), nội dung thuyền 4 nữ hạng nhẹ.
Rowing vốn không phải bộ môn thể thao được dư luận trong nước chú ý, thế nên ít ai biết được đằng sau tấm HCV kia là trăm nghìn sự nỗ lực phi thường của Huyền, Lý, Lường Thảo và Phạm Thảo. Câu chuyện từ nỗi nhớ nhà da diết đến điều kiện luyện tập khó khăn, khắc nghiệt của 4 cô gái trẻ đã tiếp nối Hành trình truyền cảm hứng đầy ý nghĩa của Wechoice Awards 2018.
Hành trình đến với HCV Á vận hội của 4 cô gái đội tuyển Olympic Rowing nữ Việt Nam - Nguồn: Wechoice.vn
Đội tuyển Olympic Rowing nữ Việt Nam giành HCV tại ASIAD 2018 là điều không nhiều người nghĩ đến bởi đua thuyền chưa từng là môn thể thao thế mạnh của chúng ta. Người hâm mộ cả nước tự hào trước thành tích diệu kỳ mà 4 cô gái trẻ đã làm được, và càng bất ngờ hơn khi biết được con đường đến với vinh quang của họ là cả một chặng đường đầy gian lao, thử thách.
Trong 4 cô gái, lớn tuổi nhất chính là VĐV Phạm Thị Thảo. Cô gái sinh năm 1989 quê ở Thái Bình đã có 10 năm gắn bó với đua thuyền, được ví như "chiếc máy gặt vàng" khi giành được hàng chục chiếc huy chương các loại tại các giải đấu quốc tế.
Chân dung nữ VĐV Phạm Thị Thảo
Hành trình đến với chiếc HCV ASIAD lần này của Thảo gian truân, vất vả hơn rất nhiều so với những gì cô đã trải qua ở những giải đấu trước vì cô mới hạ sinh con gái đầu lòng hồi tháng 8/2017. Chỉ ba tháng sau khi sinh con, cô đã phải quay trở về đội tuyển để luyện tập. Nỗi nhớ con, nhớ gia đình Thảo chỉ có thể gửi gắm qua những đoạn video call mỗi ngày.
"Môn thể thao nào cũng có khó khăn riêng. Mình đã có gia đình rồi nên khó khăn lớn nhất của mình là phải xa gia đình, xa chồng, xa con. Bé nhà mình hiện đang ở với ông bà nội, khi nào mình được tạo điều kiện cho về thì mới được gặp bé" - VĐV Phạm Thị Thảo tâm sự.
Phạm Thị Thảo mỗi ngày chỉ có thể trò chuyện với con qua chiếc điện thoại.
Cùng với Phạm Thị Thảo, VĐV Hồ Thị Lý (SN 1991, quê Quảng Trị) là một trong 2 "chị lớn" của đội tuyển, sở hữu hàng loạt thành tích đáng nể. Thế nhưng ít ai biết, Lý bén duyên với thể thao khá muộn, công việc ban đầu của cô lại là một... thợ hồ.
Nhắc về người đồng đội của mình, VĐV Phạm Thị Thảo có chia sẻ: "Ngày xưa chú (HLV - PV) còn nói chú sẽ đuổi Lý về vì chị ấy tập kém so với cả đội, nhưng sau đó về rồi lên lại không biết vì gì mà chịu khó tập, chị ấy chăm dã man, chăm một cách kinh khủng, xong giờ thành vị trí số 1 của đội".
Còn Lý, khi kể về quá trình cùng đội tuyển luyện tập chuẩn bị cho ASIAD 2018, cô nói: "Để chuẩn bị cho ASIAD bọn em luyện tập rất nhiều. Sáng từ 5h - 6h30 chạy thể lực, sau đó ăn sáng. 8h - 9h tập luyện, sau đó đến chiều là tập tạ hoặc tập máy. Những lúc luyện tập vất vả mình nghĩ về gia đình để cố gắng vượt qua".
VĐV Hồ Thị Lý
Khác với Hồ Thị Lý, nữ VĐV Tạ Thanh Huyền (SN 1994, quê Thái Bình) lại được phát hiện năng khiếu thể thao từ khá sớm. Là con gái, lại tham gia những môn thể thao sông nước nên da Huyền đen nhẻm, quá trình luyện tập cũng khiến đôi tay cô gái trẻ chai sần và chảy máu. Thế nhưng đối với Huyền, thể thao nói chung hay rowing nói riêng như một cái duyên vậy, mỗi khó khăn, mỗi thử thách lại là một động lực để cô mạnh mẽ hơn bước tới chạm vào "giấc mơ vàng".
"Khi em về quê bảo là tập đua thuyền thì phải nói đến lần thứ 3 người ta mới biết em tập đua thuyền, chứ không người ta cứ hỏi "bóng chuyền á?". Nhưng bây giờ khi em về quê ai cũng biết em tập đua thuyền rồi.
Bọn em con gái theo môn thể thao sông nước nhìn đen đúa nên là bố mẹ xót lắm. Hồi mới tập phải chèo thuyền nhiều, da tay của bọn em bị non nên bị bong tróc, chảy máu, về mẹ thương còn không muốn cho chơi thể thao nữa" - Huyền chia sẻ.
VĐV Tạ Thanh Huyền
Nhỏ tuổi nhất trong đội chính là cô gái sinh năm 1999 Lường Thị Thảo (quê Sơn La). Tham gia đội tuyển Olympic quốc gia đồng nghĩa sẽ phải xa nhà, Thảo ban đầu cũng vướng phải sự can ngăn của mẹ bởi cô là con gái duy nhất trong gia đình.
"Mẹ em mới đầu cũng không cho đi vì mẹ chỉ có mỗi một đứa con gái, lại đi xa nhà. Bố em lại ủng hộ em đi theo môn thể thao này. Em là dân tộc Thái, nhà em làm nông cũng rất nghèo. Bố em muốn em đi theo thể thao để có được tương lai tốt hơn" - Thảo nói.
Thảo đến với thể thao ban đầu với vị trí là một VĐV điền kinh. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định Thảo khó phát triển nếu tiếp tục theo đuổi môn thể thao này, bước ngoặt chỉ đến khi cô tham gia đội tuyển đua thuyền của tỉnh.
Thảo sau đó liên tiếp tỏa sáng và giành những tấm HCV ở các giải trẻ quốc gia. Năm 2017, cô được gọi lên đội tuyển quốc gia và tới năm nay trở thành nhà vô địch ASIAD khi mới 19 tuổi.
VĐV Lường Thị Thảo
Ngày 23/8 vừa qua, ý chí, quyết tâm của các cô gái đội tuyển Rowing nữ cùng ban huấn luyện cuối cùng đã được đền đáp xứng đáng bằng tấm HCV sáng chói. Lần đầu tiên trong Á vận hội 2018, quốc kỳ của Việt Nam được kéo lên cao nhất trên bục vinh danh.
VĐV Tạ Thanh Huyền nghẹn ngào khi nhớ lại khoảnh khắc đứng trên bục cao nhất: "Cảm thấy bao nhiêu ngày tháng mệt mỏi tập luyện, ép cân trải qua thật nhẹ nhàng".
Và VĐV Lường Thị Thảo cũng xúc động: "Em cảm thấy rất hạnh phúc khi được nghe tiếng quốc ca vang lên và khi lá cờ của Việt Nam được kéo lên bục cao nhất".
Các cô gái nhận tấm HCV sau những nỗ lực phi thường
Góp phần vào thành công chung của Đội tuyển Rowing nữ tại ASIAD 2018 không thể không nhắc đến vị HLV đặc biệt đến từ Australia - thầy Joseph Donnelly. Nói về chiến thắng của những cô học trò, HLV Joseph Donnelly cho rằng quan trọng nhất đó chính là tâm lý, là sự tự tin. Đối với vị HLV, "nếu họ không nghĩ mình là số 1 thì họ sẽ không bao giờ trở thành số 1".
"Điều quan trọng nhất với tôi là thay đổi suy nghĩ của các VĐV, giúp họ nhận ra khả năng của mình. Nếu họ không yêu môn thể thao này họ sẽ không thể đạt được thành tích tốt, và nếu họ không nghĩ mình là số 1 thì họ sẽ không bao giờ trở thành số 1" - HLV Joseph Donnelly nói.
Chương trình truyền hình Hành trình truyền cảm hứng - WeChoice Awards 2018 xin gửi lời cảm ơn tới đơn vị đồng hành chính Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (THACO) đã cùng chúng tôi lan tỏa những giá trị tốt đẹp tới cộng đồng.
Hành trình truyền cảm hứng - WeChoice Awards 2018 do Công ty cổ phần truyền thông VCCorp hợp tác cùng Trung tâm Tin tức VTV24 (Đài Truyền hình Việt Nam) và đơn vị đồng hành triển khai là Công ty cổ phần PSC, sẽ tìm kiếm những nhân vật, những câu chuyện đem đến cho người xem những cảm xúc đầy tích cực. Chương trình được phát sóng lúc 17h35 ngày thứ 4 và Chủ Nhật hằng tuần; phát lại vào thứ 2 và thứ 6 hằng tuần trên kênh VTV1. Xem thêm thông tin về giải thưởng tại: http://wechoice.vn/.