Năm tháng vô tình, chớp mắt đã đẩy người ta xuống nửa dốc cuộc đời.
Đến một độ tuổi nhất định, hầu như ai cũng bắt đầu giác ngộ được nhiều điều trong những đắng cay ngọt bùi và không ngừng rèn luyện để hoàn thiện bản thân giữa những khó khăn.
Đến độ tuổi trung niên, hẳn rằng chúng ta cũng nên lựa chọn cách đối mặt với cuộc sống ở nửa đời còn lại.
1. Tiết kiệm tiền - cảm giác an toàn to lớn nhất
Một số người nói: “Tiền, không thể tiết kiệm mà thành, chỉ có kiếm mà ra”.
Nhưng nếu bạn vốn không kiếm được nhiều mà vẫn không biết cách tiết kiệm thì chắc chắn khi cuộc sống gặp biến cố, bạn sẽ trở tay không kịp.
Khi muốn thử thách bạn, đời sẽ không bao giờ kiểm tra những gì bạn đã chuẩn bị mà chỉ thứ bạn đã bỏ qua. Những người tiêu xài quá mức mà không có sự tính toán và chừng mực cũng là đang bòn rút tương lai của họ.
Đặc biệt khi con người ta bước vào tuổi trung niên, sự suy sụp thường bắt nguồn từ việc thiếu thốn tiền bạc.
Sống trong xã hội ngoài kia, sự tôn trọng và thể hiện cũng được cân đo đong đếm bằng tiền và nguồn lực kinh tế.
Người xưa có câu: “Có tiền thì có thể đi khắp thiên hạ, nhưng không tiền thì một tấc cũng chẳng bước nổi”.
Trong biển đời chông chênh này, tiền bạc là chiếc phà giúp neo đậu và qua sông. Tuổi già sức yếu, không thể cứ trông cậy vào con cái, tự lập vẫn là điều quan trọng nhất. Có tiền bạc trong túi, làm gì cũng không cần xem sắc mặt của ai, cũng không phải sống phụ thuộc, còn giúp mình chữa lành mỗi khi bệnh tật đau ốm.
2. Tập thể dục để “dưỡng sinh”
Hầu hết ai cũng biết lợi ích của việc tập thể dục và rèn luyện sức khỏe nhưng vì lười biếng nên né tránh và trì hoãn.
Người xưa nói: “Cần cù, thiên hạ vô sự; lười biếng, thế gian đại loạn”.
Có người đã già ở tuổi 60 nhưng có người tuổi đã 80 nhưng vẫn là cây lớn vững chãi. Tập thể dục là vũ khí tốt nhất của cuộc đời con người chống lại sự xói mòn của năm tháng tàn nhẫn, và nó cũng là liều thuốc tốt để chữa lành mọi thứ.
Nền tảng của sắc đẹp là sức khỏe, và nền tảng của sức khỏe cần phải tập thể dục để duy trì. Những thay đổi do tập thể dục mang lại có thể không xuất hiện ngay lập tức, nhưng mồ hôi và nỗ lực bạn bỏ ra hàng ngày sẽ khiến bạn đủ đầy sức khỏe để tận hưởng hạnh phúc về lâu về dài.
Giàu có hay tài giỏi đến mấy mà không có sức khỏe thì mọi thứ cũng thành vô dụng.
3. Đọc sách và học tập để “dưỡng tâm”
Cổ nhân đã nói: “Tuổi trẻ đọc sách như ngắm trăng qua khe hở, tuổi trung niên đọc sách như ngắm trăng trong sân đình… Kinh nghiệm nông hay sâu, cũng từ đây mà ra”.
Tùy thuộc vào độ tuổi, cảm nhận và đúc kết khi đọc có thể khác nhau. Vì khi tuổi tác tăng dần, chúng ta càng trân trọng tính trần tục và những thăng trầm của cuộc sống trong cuốn sách.
Đến tuổi trung niên, việc đọc không còn đơn thuần là đọc nữa, mà nhiều hơn là cảm giác và trạng thái tinh thần. Đây là sự tích lũy trí tuệ trong cuộc sống và đặt tâm hồn vào một thế giới phức tạp.
Người tiếp thu cái mới thường sở hữu tâm hồn tràn đầy, được nuôi dưỡng bởi sách và ngôn từ.
Đến tuổi trung niên, cuộc sống khó khăn, nếu học tập nhiều hơn, trau dồi bản thân thì sự nghiệp mới có thể khởi sắc. Chỉ bằng cách học tập, bạn mới tìm thấy đường ra trong lạc lối nhất thời.
4. Dậy sớm là thói quen tạo ra vốn liếng ít mất công sức nhất
“Mỗi ngày dậy sớm như vậy, bạn không thấy mệt sao?”.
Nhưng khi dần quen với việc này, bạn sẽ thấy rằng mình có thể làm được rất nhiều việc nếu thức dậy sớm hơn mọi khi. Người dậy sớm luôn có thể chủ động trong cuộc sống trước những người khác.
Dậy sớm, bạn có thể thưởng thức bữa sáng mà không cần phải vội vàng; có thể chủ động trong mọi thứ chứ không phải bị lắm chuyện cản trở; có thể sử dụng hợp lý thời gian, cân bằng giữa công việc và cuộc sống riêng.
Thu hoạch vào mùa thu phụ thuộc sự chăm chỉ của mùa xuân. Một người có thể kiểm soát được buổi sáng thức dậy thì cũng có thể làm chủ được cuộc đời mình.
Cổ nhân có câu: "Bất hạnh không đến bất ngờ, phúc không tự nhiên mà có".
Những bất hạnh và phúc lành đều bị chi phối bởi quy luật nhân quả. Bạn dùng thái độ nào để sống thì cuộc đời sẽ đáp trả lại kết quả xứng đáng.