4 bệnh nhân Covid-19 nhập cảnh trái phép có thể bị xử lý như thế nào?

Minh Nhân, Theo Tổ Quốc 20:30 29/12/2020
Chia sẻ

Trong trường hợp những người nhập cảnh trái phép mắc Covid-19 tiếp xúc và khiến F1 bị lây nhiễm dịch bệnh, họ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì "hành vi làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm" cho người khác.

Tính đến tối 29/12, 4 trong số 6 người nhập cảnh trái phép từ Myanmar được Bộ Y tế xác nhận mắc Covid-19, gồm các bệnh nhân 1440, 1451, 1452 và 1453. Hai người còn lại về TP.HCM đều xét nghiệm âm tính lần một. Hiện các tỉnh/thành đang tích cực truy vết F1, 2 liên quan các ca bệnh.

Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết, theo Nghị định 167/2013 NĐ-CP của Chính phủ, người có hành vi nhập cảnh trái phép vào Việt Nam có thể bị xử phạt hành chính từ 3-5 triệu đồng.

Nếu đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, người đó có thể bị phạt tiền từ 5 đến 50 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm về "Tội vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh"; "Tội ở lại Việt Nam trái phép" theo Điều 347 BLHS 2015, sửa đổi, bổ sung 2017.

Bên cạnh đó, vì tính chất nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, những người nhập cảnh trái phép khi vào Việt Nam tiếp xúc và có "hành vi làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm" cho nhiều người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về "Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người", quy định tại Điều 240 BLHS 2015, sửa đổi, bổ sung 2017. Theo đó, những người này có thể bị phạt tiền từ 50 đến 200 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 1 đến 5 năm.

4 bệnh nhân Covid-19 nhập cảnh trái phép có thể bị xử lý như thế nào? - Ảnh 1.

Lực lượng chức năng phong tỏa khu chung cư nơi bệnh nhân 1451 sinh sống (Ảnh: Tứ Quý)

Để những đối tượng nhập cảnh trái phép có thể trót lọt vào Việt Nam, những kẻ môi giới, tổ chức, dẫn đường hay tài xế,... cũng có thể bị truy cứu liên đới.

Theo NĐ 167/2013, trong trường hợp này, tài xế lái xe, chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện chở người nhập cảnh trái phép bị phạt từ 5-10 triệu đồng. Người tổ chức, đưa dẫn hoặc môi giới cho người khác nhập cảnh trái phép bị phạt từ 30-40 triệu đồng.

Về chế tài hình sự, những người vì vụ lợi mà tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép thì có thể bị phạt từ 1 đến 5 năm tù giam (Điều 348 BLHS 2015, sửa đổi, bổ sung 2017) và có thể bị xử lý về "Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người" với vai trò là đồng phạm.

Tùy theo vi phạm cụ thể mà người phạm tội sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt tương ứng.

Luật sư Trần Xuân Tiền nhận định, trong tình hình dịch bệnh phức tạp hiện nay, để đảm bảo tính răn đe, nghiêm minh của pháp luật, các đối tượng tổ chức, tiếp tay hoặc chứa chấp, liên quan đến việc đưa người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam cần phải bị xử lý hình sự ở mức hình phạt cao nhất.

Trong quá trình xử lý, cơ quan có thẩm quyền cần xem xét áp dụng tình tiết tăng nặng hình phạt theo điểm l khoản 1 điều 52 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), về việc "lợi dụng tình trạng dịch bệnh để phạm tội".

4 bệnh nhân Covid-19 nhập cảnh trái phép có thể bị xử lý như thế nào? - Ảnh 2.

Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội

Đại tá Huỳnh Thanh Mộng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Vĩnh Long chia sẻ với báo chí, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm, Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an tỉnh sẽ khởi tố vụ án theo đúng quy định. "Vụ này liên quan đến rất nhiều địa phương. Hiện nay, Công an Vĩnh Long đang điều tra, nếu đủ yếu tố sẽ khởi tố vụ án, nếu bị can đủ điều kiện cũng sẽ khởi tố", Đại tá Huỳnh Thanh Mộng nói.

Theo luật sư Trần Xuân Tiền, việc xem xét xử lý hình sự, khởi tố vụ án, khởi tố bị can là rất cần thiết và đúng đắn.

"Sau một thời gian không có ca mắc mới, một bộ phận người dân đã buông lỏng ý thức phòng chống dịch bệnh, nhiều kẻ tham lam, trục lợi vì thế đã đứng ra tổ chức, vận chuyển người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Đó là sự coi thường pháp luật, rất đáng lên án. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần xử lí nghiêm minh, kịp thời để tạo sức răn đe, cảnh tỉnh cho cộng đồng", luật sư Trần Xuân Tiền nói.

Để bảo đảm an toàn cho bản thân và cả cộng đồng, người từ nước ngoài về cần tuân thủ các quy định phòng, chống dịch của Nhà nước, thực hiện khai báo y tế trung thực, chính xác, chấp hành nghiêm túc việc giám sát y tế và cách ly 14 ngày theo quy định.

Đồng thời, các cơ quan chức năng tại các tỉnh thành có đường biên cần tăng cường các lực lượng chốt chặn, kiểm soát chặt người nhập cảnh để không có tình trạng lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

"Người dân cần tự nâng cao ý thức trong việc phòng chống dịch bệnh, đặc biệt nâng cao cảnh giác, tuyệt đối không chủ quan. Khi phát hiện dấu hiệu nhập cảnh trái phép, người dân cần chủ động kịp thời báo cáo tới cơ quan chức năng để sớm xử lý, khoanh vùng, tránh lây lan dịch bệnh", luật sư Trần Xuân Tiền chia sẻ.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày