Sống trong khu nhà ổ chuột phía sau chợ Long Biên (Hà Nội) không thiếu những mảnh đời khốn khó. Ở đây, ngày nắng thì thiếu điện, thiếu nước, mấy gian nhà nhỏ, tối và nóng hầm hập vì mái lợp bằng fibro xi măng; ngày mưa thì ngập ngụa, bẩn thỉu, lại thêm mùi nước cống xộc thẳng vào mũi.
Thế nhưng hàng mấy chục con người vẫn phải chen chúc nhau vì họ ít có lựa chọn. Sinh kế của họ là nghề cửu vạn ở chợ Long Biên hay nhặt rác, đồng nát trong khu phố lân cận. Nơi đây điều kiện tồi tàn nhưng dù sao cũng là một chỗ ở, lại gần chỗ "kiếm ăn".
Xóm trọ nghèo phía sau chợ Long Biên.
Bà Sinh cũng là một trong số đó, không rõ bà "gia nhập" xóm nghèo này từ khi nào, nhưng chuyện đời khốn khó của bà thì không ai không biết. Bà Sinh tên thật là Nguyễn Thị Phải, năm nay đã 73 tuổi, quê ở tận Thái Nguyên.
Bà Sinh bị tật sau một cú ngã nhiều năm trước, bước tập tễnh chân thấp chân cao. Hằng ngày bà ra khỏi nhà từ sáng sớm và quay về khi sẩm tối cùng bao tải phế liệu lớn hơn người được bà đội trên đầu. Bà ở cùng nhiều phụ nữ khác cùng nghề nhặt rác hay cửu vạn trong một phòng trọ tối tăm rộng chừng chưa đến chục mét vuông.
Có lẽ kể từ khi sinh ra thì cuộc đời bà vốn đã là bi kịch. Bố mẹ sinh bà ra khi họ đã quá già. Khi bà mới chập chững bước những bước đi đầu tiên thì song thân cùng mất, người anh trai đã có gia đình bất đắc dĩ ẵm đứa em gái về nuôi.
Tuy nhiên gia cảnh người anh cũng không hề khấm khá, ăn bữa trưa lo bữa tối, thêm một miệng ăn thì thêm một khoản lo. Chị dâu thái độ chán ghét bà Sinh ra mặt, mặc dù có anh trai đứng giữa nhưng chuyện chị dâu em chồng như một áp lực vô hình đè lên ngực khiến bà ngộp thở.
Bà Sinh và bà Thành, hai người cùng cảnh trong xóm trọ nghèo.
Năm 22 tuổi, bà được người anh sắp xếp cho một đám cưới không hề có yêu đương. Sang nhà chồng, bi kịch cuộc đời bà Sinh không chấm dứt mà chỉ đơn giản là "chuyển địa chỉ".
Hiếm muộn, 9 nằm ròng không thể mang thai, bà bị gia đình chồng chì chiết. Có những khi uất nghẹn bà định bỏ xứ mà đi, cũng có khi bà nghĩ đến chuyện quyên sinh để thoát khỏi cảnh đời đen bạc.
Thế nhưng sau nhiều năm, cuối cùng bà cũng có tin vui. Cái thai có lẽ là một trong vài tin vui ít ỏi của cuộc đời bà, cũng nhờ nó mà bà được sống như đáng ra phải được trong khoảng thời gian ngắn ngủi.
Tái bút chi sầu, bà sinh ra một đứa con gái. Cả nhà chồng chuyển từ chì chiết sang đay nghiến, họ không cho bà thêm cơ hội "sửa sai". Đứa con đang đỏ hỏn thì bà bị chồng đuổi khỏi nhà, lý do đơn giản là vì cái họ cần ở bà là đứa đích tử nối dõi nhưng bà lại "sinh nhầm" con gái.
Ra khỏi cổng với một bộ đồ duy nhất, sức khỏe lại ốm yếu vì vừa sinh, bà chui vào góc nhà kho hợp tác xã nằm. Không dám đi xa vì lo cho con, cũng không biết vì sao lại nằm ở đó, có lẽ bà đang chờ một điều gì, có thể là một sự kết thúc.
Bà Sinh đỏ hoe mắt khi kể về cuộc đời cơ cực của mình.
Một chương bi thảm mới của cuộc đời bà Sinh lại bắt đầu. Bà ôm con lên nông trường chè xin việc. Sợ người ta thấy đèo bòng con nhỏ sẽ không thuê, bà Sinh phải giấu đứa bé đi, chuyện mẹ con gặp nhau trở thành chuyện bí mật. Những lúc tủi thân bà không dám nói với ai, chỉ lủi thủi về ôm con khóc, khóc cạn nước mắt lại dậy đi làm.
Mấy tháng trời tiền công làm chỉ đủ cơm ăn, những lúc hết việc hay cuối ngày bà đi mót chè vụn. Rồi bà cũng gom được chừng dăm ký chè khô, định bụng làm vốn mang xuống Hà Nội bán đi lấy tiền trang trải để tìm công việc mới.
Thế nhưng trong lúc đi đường, đứa con bị thương chảy máu khiến bà không còn nghĩ ngợi được gì. Đúng lúc lại có một phụ nữ đến ngỏ lời giúp đỡ. "Cô ta nói tôi đưa chè cô ta xách cho, chứ một tay ôm con ốm đau một tay đèo bòng lỉnh kỉnh nhìn tội nghiệp. Cứ ngỡ là người tốt, không ngờ xuống đến bến tàu thì cô ta ôm túi chè của tôi đi mất. Biết bị lừa nhưng cũng chẳng thể làm gì, tôi ôm con ra góc đường cạnh ga Hàng Cỏ ngồi khóc hu hu, trong người không còn một xu dính túi", bà Sinh bùi ngùi kể.
Cả tháng trời mẹ con bà dặt dẹo cạnh nhà ga, ai cho gì ăn nấy, khốn nỗi vì thấy có đứa trẻ nên chẳng ai chịu thuê bà làm việc gì. Hơn 1 tháng, rồi cũng có người thương, chịu thuê bà xách nước, lúc nào có việc thì làm, không có việc bà ra bãi sông mò trai bắt ốc. Tối đến hai mẹ con ngủ ở vệ đường cạnh chợ Đồng Xuân.
Nhưng cuộc đời cho rằng như vậy là chưa đủ, còn đày đọa bà thêm lần nữa. Mấy năm sau, một lần bà đi mò ốc về không thấy con đâu, hỏi xung quanh thì có người nói đã bị hai người lạ, một nam một nữ bắt đi. Không thể bình tĩnh, bà như điên loạn, đứa con là tài sản duy nhất mà bà có.
Sau một hồi dò la, bà Sinh lên đường đi tìm con theo những chỉ dẫn mơ hồ. Nhiều người tỏ ra ái ngại, có người thương cảm cũng cho bà ít tiền gọi là lộ phí. Đi đến đâu bà hoặc xin ăn, hoặc làm thuê ở đấy.
Một tháng, rồi hai tháng, rồi nửa năm vẫn không hề có tin tức. Đi hết Hà Nam, Nam Định, Thái Bình cho đến mạn mấy tỉnh biên giới phía Bắc, bàn chân bà đã rớm máu rồi lại lành đi không kể mấy lần, thế nhưng vẫn không một ai biết tin đứa bé.
Công việc mưu sinh của bà cũng như nhiều người trong khu xóm nghèo là nhặt ve chai.
Không bỏ cuộc, hơn một năm sau, cuối cùng sự đau khổ cũng nhường cho bà thắng một lần. Đứa bé được tìm thấy trong một gia đình hiếm muộn ở Bắc Giang. "Hôm tìm được con cũng là 29 Tết, hai mẹ con về đến Hà Nội, những chủ hàng từ thuê tôi gánh nước tỏ ra vui vẻ vô cùng.
Họ gom cho tôi một ít tiền, bảo tôi chuyển sang buôn bán cái gì đó để còn chăm con, tránh chuyện tương tự xảy ra, tôi cũng nghe lời họ đi buôn khoai lang", bà Sinh kể.
Nhưng lại chẳng được mấy hôm, trong một lần gánh khoai đi bán thì bị ngã, từ đó về sau một chân bà bị tật. Bấy giờ không thể gánh gồng được nữa, bà chỉ còn cách đi nhặt ve chai kiếm sống qua ngày. Con gái bà không được học hành, cũng theo mẹ đi nhặt rác.
Dần dà, cuộc sống không có gì thay đổi, đến năm 1997, lúc tròn 20 tuổi thì con gái bà Sinh có ưng một người từ Bắc Giang xuống làm ở chợ, rồi làm lễ kết hôn. "Nói là đám cưới chứ thật ra cũng chỉ có mâm cơm mời mấy người cùng cảnh. May sao con tôi cưới được vào nhà hiền lành, dù không khá giả gì nhưng cũng coi như là có phúc", bà Sinh cười hiền nói.
Con gái lấy chồng rồi theo chồng, một mình bà ở lại xóm nghèo. Nhưng chẳng sợ, bà có sự đùm bọc của xóm làng, như xưa nay vẫn thế.