Trong tư tưởng của tông phái Thiền tông có một lý luận có tên "Thuyết nhìn núi" vô cùng sâu sắc. Thuyết này chia đời người làm ba tầng cảnh giới: nhìn núi là núi, nhìn núi không phải núi, nhìn núi vẫn là núi.
Người ở tầng thứ nhất suy nghĩ đơn giản, thẳng thắn, nhìn thấy gì thì chính là cái đó.
Người ở tầng thứ hai đã trải qua những thăng trầm của thế giới, cảm thấy sự phức tạp của cuộc sống, phức tạp tới nỗi họ không còn có thể nhìn ra được bản chất của sự việc.
Còn những người ở tầng cao nhất, sau khi trải qua biết bao thăng trầm của cuộc đời, họ nhìn mọi thứ theo một lăng kính đơn giản, dĩ nhiên.
Hoằng Nhất đại sư là người đã đạt đến cảnh giới cao nhất. Ông đến từ thế giới phàm trần huyên náo, và sau nửa cuộc đời, ông dấn thân vào con đường truyền giáo gian nan. Người đời miêu tả ông "nửa đời phong lưu, nửa đời tu sĩ". Từ đơn giản đến phức tạp là trải nghiệm của ông trong nửa đầu cuộc đời; từ phức tạp đến đơn giản là sự thực hành của ông trong nửa sau cuộc đời. Ông đã dành cả cuộc đời để nói với thế giới rằng trạng thái cuộc sống tốt nhất là trở thành một người đơn giản giữa một thế gian phức tạp.
Khi Càn Long đi về phía nam sông Dương Tử, ông hỏi vị cao tăng Pháp Bàn ở chùa Kim Sơn, Trấn Giang: "Tàu bè nườm nượp trên sông Dương Tử, một ngày có bao nhiêu chiếc thuyền qua lại?"
Cao tăng đáp: "Chỉ có hai chiếc thuyền, một chiếc vì danh và một chiếc vì lợi".
Trong cuộc sống, ai cũng sẽ phải đối mặt với hai chữ "danh lợi", khó có ai có thể thoát khỏi tấm lưới lớn mang tên "trần thế".
Danh và lợi, tình yêu và hận thù, tất cả tạo nên sự phức tạp của thế giới này.
Chúng ta lang thang giữa chúng, để rồi lạc lối, để rồi mệt mỏi và bối rối.
Vậy nhưng, Lý Thúc Đồng (tên khai sinh của Đại sư Hoằng Nhất), tuy sinh ra ở một quê hương giàu có, lớn lên ở một nơi phồn thịnh, nhưng ông sớm đã nhìn mọi thứ trên thế giới với một tâm trí rõ ràng.
Lý Thúc Đồng sinh ra trong một gia đình giàu có ở Thiên Tân và là công tử thứ ba của gia đình họ Lý.
Vì gia thế của gia đình, ông từ nhỏ đã quen với việc nhìn thấy người qua người lại, và cũng chính vì vậy, ông cũng sớm đã nhìn thấu thế giới và bản chất con người. Nhưng những trải nghiệm đó không khiến ông trở thành một kẻ phàm tục mà khiến ông chín chắn hơn những người cùng trang lứa.
Ở tuổi 15, ông đã hiểu được quy luật thăng trầm của cuộc sống và rằng, cuộc đời, giống như mặt trời lặn phía Tây, đẹp nhưng lặng lẽ; của cải giống như sương trên cỏ, sẽ tan đi khi ánh nắng mặt trời chiếu rọi.
Theo thời gian, nhà họ Lý dần suy tàn.
Lý Thúc Đồng cùng vợ và mẹ chuyển đến Thượng Hải để mưu sinh.
Bảy năm sau khi đến Thượng Hải, mẹ của ông qua đời vì bệnh tật, đối mặt với sự ra đi của người thân yêu nhất, Lý Thúc Đồng rất đau lòng.
Khi Lý Thúc Đồng đang chìm trong đau buồn, những người bạn cùng chí hướng như Hứa Hoan Viên và Trương Tiểu Lâu đã đến an ủi ông.
Vậy nhưng vài năm sau, họ lại phải xa nhau do hoàn cảnh hiện tại đầy biến động.
Hứa Hoan Viên đi lên miền bắc gây dựng sự nghiệp, Trương Tiểu Lâu đến Dương Châu dạy học, một số người khác cũng đang loay hoay với số phận của chính mình.
Chứng kiến những người bạn lần lượt ra đi, Lý Thúc Đồng một lần nữa viết ca khúc "Tống biệt" trong nước mắt.
Những bi hoan ly hợp của đời người, và cả sự vô thường của sinh tử, dần dần khiến tâm trạng của Lý Thúc Đồng trở nên phức tạp.
Sau cùng, ông hiểu ra rằng mọi thứ trên thế giới vốn phức tạp và luôn thay đổi, và không ai trong cuộc sống tránh được cái gọi là ít trọn vẹn, nhiều tiếc nuối.
Thay vì chấp niệm và sống trong đau khổ, tốt hơn hãy buông bỏ gánh nặng và ràng buộc của quá khứ, theo đuổi sự đơn giản và tĩnh lặng bên trong.
Giữa thế giới ồn ào và phức tạp này, chúng ta dễ bị sự náo nhiệt làm mất phương hướng.
Nhưng vẫn có một số người kiên định lựa chọn sống một lối sống đơn giản sau khi đã nếm đủ mùi vị của thế gian, trải nghiệm đầy sự phồn hoa của thế giới.
Rũ bỏ lớp mặt nạ bên ngoài, quay trở về với cái tôi ở bên trong. Cuộc đời chỉ có 30.000 ngày, học cách xem nhẹ được mất, xem nhẹ khó khăn và sống đơn giản giữa thế gian phức tạp là cách sống tốt nhất trên đời.
Tư Mã Quang nói: "Từ giản tiện đến xa hoa rất dễ dàng, nhưng từ xa hoa đến giản tiện lại khó khăn".
Bản chất của con người vốn là thèm muốn sự giàu có và theo đuổi vinh hoa.
Sự vĩ đại của đại sư Hoằng Nhất nằm ở chỗ, tuy sống một cuộc sống không phải lo lắng về cơm ăn áo mặc trong nửa cuộc đời nhưng khi sự cố xảy tới, ông vẫn có thể tự lập và kiên định.
Ông có một chiếc áo hòa thượng với hơn 200 miếng vá, ông giặt đi giặt lại chiếc áo và không nỡ vứt nó đi.
Ông còn có một chiếc màn chống muỗi cũ mà ông mang theo cùng khi đi tu và dùng nó trong nhiều thập kỷ. Vào sinh nhật thứ 50 của mình, một học trò muốn mua cho ông một chiếc màn chống muỗi mới nhưng đại sư từ chối.
Một lần khác, một người bạn cũ đến thăm ông.
Trên bàn ăn của ông chỉ có một đĩa củ cải luộc và một bát rau vô cùng mặn.
Tuy nhiên, đại sư lại ăn uống rất thành khẩn, như thể thứ được đặt trước mặt anh là sơn hào hải vị.
Người bạn hỏi: "Món này không phải mặn quá sao?"
Đại sư mỉm cười nói: "Mặn cũng được, nhạt cũng được, sao cũng được."
Theo quan điểm của đại sư Hoằng Nhất, có cơm ăn có áo mặc đã là hạnh phúc.
Cuộc sống mà mọi người cho là nghèo khó vừa hay chính là cách thực hành tốt nhất với ông. Không bị ham muốn vật chất can thiệp, xa rời sự phức tạp của thế gian, đại sư chăm chỉ tu tập, lặng lẽ hiểu lời Phật dạy và cuối cùng trở thành một bậc thầy của phái Luật Tông.
Trí tuệ giản dị trong cuộc sống của đại sư cũng ảnh hưởng sâu sắc đến cậu học trò Phong Tử Khải.
Sau khi chiến tranh nổ ra, Phong Tử Khải không còn cách nào khác là phải nghỉ việc dạy học và chuyển gia đình đến ngoại ô Trùng Khánh.
Không có nguồn thu nhập, ông cùng gia đình chỉ có thể sống trong một ngôi nhà đơn sơ, mặc quần áo giản dị, cày ruộng và trồng rau.
Phong Tử Khải cảm thấy hài lòng với cuộc sống như vậy và đã vẽ nhiều bức tranh khiến nhiều người khi nhìn vào đều cảm thấy ấm lòng.
Thầy Hoằng Nhất từng nói: Người tu hành ít ham muốn sẽ có tâm an định, không lo âu sợ hãi, giải quyết mọi việc một cách chắc chắn và suôn sẻ.
Không bị ràng buộc bởi ham muốn vật chất, trái tim con người có thể đạt đến trạng thái nhẹ nhõm và trọn vẹn. Nếu bạn muốn theo đuổi một cuộc sống cấp cao, bạn phải học cách làm phép trừ cho cuộc sống, biết ưu tiên chọn lấy những điều thực sự cần thiết, biết được cái quý của sự thanh giản. Có hàng vạn dinh thự thì giường ngủ cũng chỉ vài mét, có hàng nghìn hecta đất đai màu mỡ thì cũng chỉ ăn ba bữa một ngày.
Khi cuộc sống vật chất của bạn quay về với hai chữ "đơn giản", bạn có thể tập trung hơn vào chính cuộc sống và quản lý tốt phần còn lại của cuộc đời mình.
Người không gần danh lợi, phú quý thì thanh bạch, nhưng người tiếp xúc gần mà không bị vấy bẩn thì lại càng thanh khiết hơn.
Người như vậy giống như hoa sen mọc lên từ bùn, không bị vấy bẩn, giống như hoa cúc mùa thu gặp gió bấc mà không trôi theo gió. Thế giới dù ồn ào đến đâu cũng không thể làm lung lay sự đơn giản và thuần khiết trong trái tim họ. Giữa thế giới phức tạp này, tôi mong bạn và tôi có thể trở thành một người như vậy.
Đối với Hoằng Nhất đại sư, trải nghiệm cuộc sống tu hành là sự đan xen của bi hoan, để đến cuối cùng đạt đến sự viên mãn.
Đối với bạn và tôi, những người đang du hành giữa thế giới này, dù có phải trải qua bao nhiêu thăng trầm, miễn là chúng ta biết buông bỏ những điều phức tạp và đơn giản hóa nó, mọi hành động đều "hướng vào trong", vậy thì bạn cũng có thể trở về với con người thật của mình và đạt đến cảnh giới trọn vẹn nhất của cuộc sống.