Tuy đang là nền tảng chiếu phim trực tuyến được yêu thích nhất hiện nay, song không phải tựa phim nào dưới trướng Netflix cũng thật sự chất lượng và lan toả những giá trị tích cực đến người xem. Đơn cử, không ít sản phẩm đã nhận về những đánh giá tiêu cực từ giới phê bình, trong đó có đến 3 tựa phim bị chấm 0 điểm bởi trang đánh giá Rotten Tomatoes do nội dung tiêu cực và gây thất vọng cực độ.
Tựa phim về đề tài viễn Tây ra mắt năm 2015 The Ridiculous 6 (Bộ 6 Dở Hơi) đã nhận về 0% cà thối và bị chỉ trích dữ dội vì nội dung mang tính phân biệt chủng tộc cùng những miếng hài nhảm nhí khó chịu. Phim có sự tham gia của nam diễn viên Adam Sandler trong vai Tommy - một chàng trai được người da đỏ nuôi lớn, lên đường giải cứu cha cùng 5 anh em. Sáu người đàn ông với tính tình khờ khạo, dở hơi đã tạo ra vô số tình huống trời ơi đất hỡi dọc đường đi.
"Giống như bản thân nội dung và dàn nhân vật gây xúc phạm nhất có thể, The Ridiculous 6 chỉ đủ tầm dành cho fan cứng của Adam Sandler, còn mọt phim chân chính thì nên tránh xa bằng mọi cách" - Rotten Tomatoes nhận xét chung.
Vai diễn Tommy trong The Ridiculous 6 chắc chắn là màn thể hiện tệ hại nhất của Adam Sandler trong suốt sự nghiệp của anh, khi trong phim anh liên tục phân tâm, vô hồn và rối loạn để thể hiện song song hai hình tượng, một là vị thủ lĩnh kiên cường của chặn phiêu lưu, và một là người con Mỹ chính gốc hào sảng nhưng ngốc nghếch. Song, Sandler hoàn toàn thất bại ở cả hai khía cạnh, mang đến một phần trình diễn trông như "đang ngái ngủ".
Trang TheWrap nhận xét "The Ridiculous 6 chính là mọi thứ sai lầm của Hollywood xảy ra trong suốt 2 thập kỷ qua". Những trò đùa trong phim cũng chẳng mấy duyên dáng, như về một con lừa bị tiêu chảy, hay một nhân vật ngu ngốc vô cùng lại tưởng "phụ nữ đẻ con bằng cách... ị ra". Ngoài ra, kịch bản The Ridiculous 6 cũng có nhiều yếu tố phân biệt chủng tộc và kì thị phụ nữ, điều từng khiến cho nhiều diễn viên quần chúng bản xứ tức giận đến mức rời bỏ phim trường ngay trong quá trình quay.
Theo như bài phát biểu gần đây của giám đốc nội dung của Netflix thì trong 30 ngày đầu ra mắt, The Ridiculous 6 đã trở thành bộ phim được xem nhiều nhất trong lịch sử của Netflix
The Last Days of American Crime (Ngày Cuối Của Kẻ Tử Tù) lấy bối cảnh tương lai, khi này chính phủ Mỹ đã thiết lập một hệ thống tinh vi nhằm phát hiện và loại bỏ tất cả những phần tử tội phạm trên khắp đất nước. Cũng trong lúc đó, tên tội phạm Graham Bricke (Édgar Ramírez) đã gặp gỡ những đồng phạm mới quen, cùng nhau dấn thân vào một kế hoạch trộm cướp thách thức giới cầm quyền.
Nghe qua có vẻ thú vị, nhưng không phải tự nhiên mà The Lasts Days of American Crime lại thu về "rổ gạch" từ giới phê bình, trong đó có số điểm thấp nhất có thể từ Rotten Tomatoes. Nội dung phim bị phân mảng sâu sắc, thiếu sự gắn kết như bao gồm những cảnh nhỏ khác nhau. Các nhân vật cũng thiếu sức sống, được xây dựng hời hợt, khiến diễn viên cũng khó mà thể hiện hết được năng lực vốn có của mình. Sự xuất hiện của băng tội phạm chỉ để phục vụ cho những phân đoạn hành động là chính, chứ không hề có bất cứ một câu chuyện nào hỗ trợ đằng sau nhằm tạo nên cao trào cho phim.
Variety đã từng "dành tặng" cho The Lasts Days of American Crime bốn từ thần thánh "xúc phạm thị giác", qua đó mang lại cho người xem cảm giác trống rỗng, không đọng lại được tí tẹo gì ngoại trừ những cảnh bắn nhau loạn xạ và những câu thoại sáo rỗng cứ như được dựng lên bởi "chị Google dịch".
Phim ngôn tình mới của Ba Lan 365 Days (365 Ngày) chính là đỉnh điểm "rác phẩm" năm 2020 khi mang đến cho người xem một cốt truyện tiêu cực và sai trái quá độ. Nội dung xoáy sâu vào cuộc chạy trốn của Laura Biel (Anna-Maria Sieklucka) trước kẻ bắt cóc cô Massimo (Michele Morrone). Nhận ra Laura chính là cô gái xuất hiện ở bãi biển nơi cha của anh bị ám sát, Massimo tiếp cận cô vào ngày sinh nhật 29 tuổi rồi cho người bắt cóc cô, sau đó cho cô 365 ngày để yêu anh và ở lại bên anh.
Câu chuyện của 365 Days không chỉ bị giới phê bình lên án (Variety đánh giá "Dở toàn tập, tranh cãi về mặt chính trị, lâu lâu lại buồn cười"), mà ngay cả khán giả cũng phẫn nộ khi phủ đầy toàn những cảnh nóng trần trụi không khác gì phim người lớn, trong khi cốt truyện thì phi logic và truyền tải thông điệp sai lệch. Đặc biệt, phim còn "lãng mạn hoá" hội chứng Stockholm vốn bị bác bỏ bởi chuyên gia vì sự nguy hiểm của nó (đây là hội chứng tâm lý khi mà nạn nhân nảy sinh tình cảm với kẻ đã bắt cóc và hãm hại mình).
Ngoài ra, nhiều chi tiết trong 365 Days cũng cổ suý bạo lực tình dục và bạo lực giới, qua đó xây dựng nhân vật nữ Laura yếu đuối, ngu ngốc và bị động trước tình yêu dù trước đó cô là một doanh nhân thành đạt. Laura liên tục bị Massimo hành hạ về thể xác lẫn tinh thần, nhưng rồi đùng một cái lại yêu tên thủ lĩnh mafia chỉ vì được cứu lên từ một vụ chết đuối. Quá nhiều những điểm không tốt từ việc lạm dụng cảnh nóng và cốt truyện hời hợt đã mang về cho phim một "điểm 0 tròn vo" từ Rotten Tomatoes.
Bị chê là thế, nhưng cả 3 phim đều thành công vang dội về doanh thu. Cả The Last Days of American Crime và 365 Days đều từng thống trị BXH phim thịnh hành tại Việt Nam, còn bản thân The Ridiculous 6 cũng từng được đích thân giám đốc nội dung Netflix công bố là phim có lượt xem cao nhất lịch sử sau 30 ngày lên sóng. Những thành tựu trên không khỏi đặt ra câu hỏi: liệu thành công đi ngược với chất lượng như vậy có phải là quá bất công với các tác phẩm chỉn chu khác, và nền tảng phim trực tuyến này có đang quá dễ dãi trong khâu định hướng nội dung của mình?