Hy vọng kết quả học tập của con tốt hơn, nhiều phụ huynh đăng ký cho con tham gia các lớp học dạy kèm hay năng khiếu. Điều này có thể mang lại ít hiệu quả, tuy nhiên trên thực tế, chỉ bằng cách thúc đẩy sự nhiệt tình bên trong của trẻ và khiến chúng học tập, làm việc chăm chỉ và tự nguyện, trẻ mới có thể đạt được trạng thái tốt nhất để trở thành học sinh ưu tú.
Cụ thể, cha mẹ nên có những cách phản ứng phù hợp để các con có thể thoải mái, tự do vui chơi học tập, vừa hạn chế được những tiêu cực học đường lại vừa nâng cao điểm số.
Các chuyên gia tâm lý tin rằng, thái độ của cha mẹ là một trong những yếu tố quyết định đến kết quả học tập của con. Nếu làm được ba việc sau đây, con cái sẽ dần dần cải thiện thành tích:
Điều đầu tiên: Giao tiếp
Cha mẹ cần duy trì giao tiếp tốt với con cái. Một số phụ huynh cho biết: Tôi thường xuyên giao tiếp với con như răn dạy con học hành, hướng dẫn tác phong khi ăn uống... Thực ra đây không phải là giao tiếp. Giao tiếp không phải là cha mẹ bảo con nghe mà là tương tác hai chiều. Cha mẹ nói quá nhiều, con cái lại hiếm khi được lên tiếng. Cha mẹ thông minh nên hướng dẫn con lên tiếng thay vì chỉ thao thao bất tuyệt mọi ngày.
Ngoài ra, hãy sử dụng ít câu khẳng định hơn và nhiều câu nghi vấn hơn. Sử dụng phương pháp đặt câu hỏi để trẻ suy nghĩ và trả lời, hỏi thêm một vài câu tại sao thay vì bảo trẻ phải làm gì. Ví dụ, nếu điểm kiểm tra của con không đạt yêu cầu, cha mẹ không nên cằn nhằn và giáo dục con sau khi về nhà, điều này sẽ chỉ làm con buồn bã hơn, thậm chí mất hứng thú học tập. Hãy tương tác với con, hỏi con để cùng tìm ra nguyên nhân, sau đó khuyến khích con nghĩ ra biện pháp đối phó để chủ động làm tốt lần sau.
Điều thứ hai: Im lặng
Nhiều em trốn trong phòng ngay khi về đến nhà, thậm chí khóa cửa không cho bố mẹ vào vì sợ bố mẹ cằn nhằn, và cũng ngại nhờ bố mẹ làm việc này việc kia.
Các nhà tâm lý chỉ ra rằng: Nếu cha mẹ ngừng cằn nhằn, các vấn đề của trẻ sẽ giảm đi một nửa. Vì trẻ còn rất nhỏ, tâm hồn còn non nớt, thường có tâm lý nổi loạn. Cha mẹ cằn nhằn quá nhiều đôi khi trẻ sẽ cố tình đối đầu. Cha mẹ ít nói hơn nhưng bù lại, trẻ vẫn có thể làm tốt mọi việc một cách có ý thức.
Một câu chuyện từng gây chú ý như sau: Có một bà mẹ bị nổi hạch trong cổ, sau ca mổ cả tháng trời không được nói chuyện. Lần đó con chị thi trượt, nếu như lúc trước, bà mẹ nhất định sẽ lớn tiếng mắng con, cằn nhằn không dứt. Nhưng lần này chỉ có thể ôm đứa trẻ. Sau một tháng như vậy, điểm số của cậu bé được cải thiện.
Có nhiều trường hợp, cha mẹ nên học cách im lặng, đôi khi nó có tác dụng mạnh hơn là nói ra. Hành động thể hiện sự quan tâm, lắng nghe khiến con cái yên tâm và tin tưởng bố mẹ nhiều hơn. Khi cảm thấy thoải mái và dễ trải lòng về những khó khăn trong học tập, thành tích học tập sẽ được cải thiện rõ ràng hơn.
Tiến sĩ Tâm lý học lâm sàng Emily Edlynn nói: "Tôi khuyến khích các bậc cha mẹ quan tâm đến mọi lý do con mình chưa đạt thứ hạng cao. Nói chuyện một cách cởi mở, không phán xét tạo điều kiện để cha mẹ và con cái giải quyết vấn đề cùng nhau, giúp trẻ cảm thấy được thấu hiểu, giúp đỡ và tự tin vào khả năng của mình".
Điều thứ ba: Sự công nhận
Trẻ em còn rất nhỏ và chúng thường mất phương hướng khi làm mọi việc. Cha mẹ luôn đánh giá cao, đặc biệt là khi con làm điều đúng đắn sẽ giúp trẻ tiếp tục tiến lên và ngày càng tốt hơn.
Sự công nhận và khuyến khích của cha mẹ là rất quan trọng. Cha mẹ thông minh luôn hướng con cái về phía trước từ góc nhìn tích cực. Trước những áp lực trong học hành, một đứa trẻ cần một người đứng sau yêu thương, hỗ trợ và khuyến khích vô điều kiện chứ không phải so sánh và cằn nhằn. Nếu cha mẹ có thể tiếp tục tìm ra những điểm sáng của con mình và dành những lời động viên chân thành, nhất định con sẽ tiến bộ nhanh hơn.
Gia đình là nền tảng của giáo dục và cha mẹ là người thầy đầu tiên của trẻ. Cha mẹ quan tâm, con cái được dạy dỗ, cha mẹ không quan tâm, con cái dễ sa ngã. Một đứa trẻ sẽ trở thành người như thế nào phụ thuộc vào cách giáo dục của cha mẹ.