Vào khoảng 9 giờ sáng ngày 4/9, Đồn cảnh sát Lưỡng Sơn thuộc Sở Công an Bình Sơn (Trung Quốc) nhận được một vụ báo án của ba gia đình về việc con họ cùng mất tích.
Các bậc phụ huynh cho biết, tối 3/9, ba học sinh đi học không về nhà, gọi điện đến trường thì được báo rằng cũng không có ở đây. Vì 3 học sinh vốn là những đứa trẻ ngoan ngoan, luôn đi học và về nhà đúng giờ nên cha mẹ có phần xao nhãng. Đến khi hết cả đêm không thấy con về nhà, các bậc phụ huynh này mới tá hỏa, tức tốc đến đồn công an trình báo.
Được biết, 2 nam sinh Tiểu Vương, Tiểu Văn, và nữ sinh Tiểu Cầm chơi thân với nhau. Năm nay các em 14 tuổi. Khi bỏ đi, các em mặc đồng phục học sinh, mang theo điện thoại di động và quần áo.
Sở Cảnh sát lập tức vào cuộc tìm kiếm.
Sau khi tiếp nhận, cảnh sát khu vực được chia thành hai nhóm, một nhóm có nhiệm vụ tìm kiếm dọc theo các khu vực xung quanh, nhóm còn lại tìm kiếm những nơi bọn trẻ có thể đến. Nhờ có video giám sát giao thông, chưa đầy một tiếng sau khi tiếp nhận án, cảnh sát đã tìm thấy ba học sinh tại khu cầu thang của một tiểu khu.
Cảnh sát khu vực cho biết, khi tìm thấy ba học sinh, chúng đều đã kiệt sức, chán nản, đói và mệt. Cảnh sát đã đưa chúng đến văn phòng quản lý cộng đồng, cung cấp đồ ăn, nước uống và tìm hiểu lý do bỏ nhà đi.
Ba học sinh ấm ức trải lòng với chú cảnh sát về chuyện buồn của mình. Hóa ra chúng không hài lòng với cách giáo dục của cha mẹ nên nảy sinh ý định bỏ nhà trốn đi. Chúng cảm thấy áp lực vì liên tục bị so sánh với những đứa trẻ khác, và cảm thấy yêu cầu về thành tích học tập của cha mẹ đặt ra quá cao so với khả năng. Đêm đó, chúng đã thức trắng đêm trên tầng thượng của tiểu khu.
Ba học sinh trải lòng với cảnh sát về những bất mãn khiến chúng quyết định bỏ nhà đi.
Sau khi khuyên nhủ và tư vấn tâm lý, cảnh sát đã liên hệ với phụ huynh đến đón sau khi ba học sinh đã giảm bớt tâm lý chống đối và đồng ý về nhà.
Sự việc cũng là nhắc nhở với các bậc cha mẹ rằng ngoài việc quan tâm đến kết quả học tập cũng nên quan tâm đến sự trưởng thành của con em mình. Đặc biệt đối với các em ở độ tuổi vị thành niên cần tăng cường xây dựng, giáo dục tâm lý để rèn luyện một sức khỏe tâm lý lành mạnh trước khó khăn, vất vả.