Hiếm có khi nào, người dân Việt Nam được dịp vỡ òa trước thành tích của nước mình như ngày hôm nay khi Hoàng Xuân Vinh, tuyển thủ môn bắn súng chính thức giành được HCV đầu tiên cho cả dân tộc trên đấu trường thể thao thế giới, cũng lần đầu tiên giành cơ hội cho lá quốc kỳ được tung bay ở vị trí cao nhất ở Thế Vận Hội Olympic.
Với Hoàng Xuân Vinh, ở cái lứa tuổi không còn trẻ, cái tuổi mà người ta cho là đã "quá thì với thể thao", thì đây không chỉ là chiến thắng mang về cho Tổ Quốc, cho nền thể thao nước nhà, cho những con người luôn lỡ hẹn với ánh hoàng kim đấu trường quốc tế, đây còn là chiến thắng chính bản thân anh, cái chiến thắng mà anh mong chờ nhất.
Hoàng Xuân Vinh nhận Huy chương vàng danh giá nội dung bắn súng ở Olympic Rio 2016.
1. Những lần trượt tay khỏi vinh quang trong quá khứ
Trước đây, Hoàng Xuân Vinh từng lỡ hẹn vinh quang rất nhiều lần chỉ vì điểm yếu tâm lý.
Nói một chút về anh thì Hoàng Xuân Vinh là xạ thủ kỳ cựu của đội tuyển bắn súng Việt Nam từ năm 2000 cho đến nay, "nhẵn mặt" ở đấu trường SEA Games với thành tích cao chót vót. Ở đấu trường khu vực, nói nôm na là như cái hội làng, anh nào anh nấy đều hiểu nhau đủ để thi đấu thoải mái nhẹ nhàng.
Nhưng ở đấu trường quốc tế là một câu chuyện khác. Việt Nam không đủ mạnh để có cơ hội đưa tuyển thủ ra đấu trường quốc tế cọ sát liên tục, bởi thế, mỗi cơ hội "ra nước ngoài" của mỗi vận động viên đều là cơ hội trân quý, gánh vác cả niềm hy vọng của một quốc gia.
Tuy nhiên, các tuyển thủ khi bơi ra biển lớn không khỏi mắc tâm lý lo âu, phần là vì thể thao nước mình chưa bao giờ là cái tên nổi bật, phần là vì bao nhiêu trọng trách đặt trên đôi vai khiến họ cảm thấy áp lực hơn cả. Đây là cơ hội không chỉ cho dân tộc, mà còn cho cả chính mình.
Hoàng Xuân Vinh không nằm ngoài những vận động viên bị tâm lý khi bơi ra biển lớn ấy.
Hồi Asiad 2010, anh vuột mất cơ hội đạt được thứ hạng cao nhất ở phát đạn cuối cùng đã trượt tay làm súng cướp cò, ngậm ngùi trở về với vị trí thứ 5, trong khi trước đó anh là người dẫn đầu. Tiếc nuối tràn trề, anh nuôi hy vọng ở một kỳ Olympic 2012 khá khẩm hơn.
Nhưng ở Olympic London 2012, kịch bản lại tiếp tục lặp lại. Ở viên đạn cuối cùng, Hoàng Xuân Vinh với tâm lý không ổn định đánh mất tấm huy chương Đồng nội dung súng hơi 50m tưởng như đã nắm chắc chắn trong tay cho đối thủ với chỉ vỏn vẹn 0.1 điểm thua. Huy chương Đồng tự dưng mất vào tay VĐV Wang Zhiwei của Trung Quốc trước sự tiếc nuối ngỡ ngàng của xạ thủ người Thanh Hóa.
2. 3 tiếng đứng yên và những viên đạn "tưởng tượng" để đổi lấy khoảnh khắc siết cò lịch sử
Cái vấn đề của Hoàng Xuân Vinh là ở những giây phút quyết định nhất anh thường mất đi sự tự tin, xuống tinh thần.
Một người đàn ông như Hoàng Xuân Vinh, đã đi qua tuổi trẻ với hai lần mồ côi mẹ, bằng sự mạnh mẽ can trường của một cựu lính công binh không thể để thất bại không đáng có ấy trôi qua đơn giản. Anh là người mà khi đồng đội nhắc đến, họ nói rằng anh là kẻ chẳng bao giờ có thể bị khuất phục bởi bất cứ điều gì. Anh phải tìm ra cách gì đó để gỡ lại bàn thua ngày nào.
Thế là Hoàng Xuân Vinh, bằng nghị lực và quyết tâm rực cháy, bắt đầu lao vào tập luyện để khắc phục yếu điểm chết người của chính mình.
Người ta bảo, thể thao Việt nghèo lắm, nếu không phải cầu thủ bóng đá thì vận động viên nào cũng vất vả cả thôi. Ở cái bộ môn ít người quan tâm như bắn súng thì vận động viên còn khổ nữa. "Súng không đạn" dường như đã trở thành vấn đề dai dẳng suốt bao lâu nay, và trở thành cách thức tập luyện của phần lớn những xạ thủ trong đội tuyển bộ môn bắn súng của nước ta.
Vận động viên nước ngoài điều kiện tập luyện tốt hơn hẳn. Đối thủ của Hoàng Xuân Vinh, xạ thủ đứng thứ 3 thế giới Jitu Rai hay nhà vô địch 3 lần liên tiếp nội dung súng ngắm bắn nhanh 25m Vijay Kumar được ưu tiên và o bế đến tận răng ở trong nước. Những xạ thủ Ấn Độ này được quân đội tài trợ hẳn một trại tập luyện riêng chỉ để đảm bảo sẽ mang về thành tích tốt nhất trong bộ môn bắn súng cho nước nhà.
Xạ thủ Jitu Rai của Ấn Độ.
Tại trại huấn luyện này, họ được tập luyện dưới sự dìu dắt của tay súng thiện nghệ đẳng cấp thế giới người Đức, ông Ralf Shumann, người 3 lần vô địch Olympic và 2 lần vô địch thế giới nội dung súng ngắm bắn nhanh 25m. Được chỉ bảo và huấn luyện tận tình, bao nhiêu khuyết điểm, lỗi kỹ thuật đều được khắc phục hoàn toàn.
Mỗi ngày tập luyện của các xạ thủ Ấn Độ đều được mô phỏng như những trận thi đấu tầm cỡ thế giới, thế nên đối với họ, kinh nghiệm thi đấu trên đấu trường quốc tế là vô cùng dày dặn. Kết quả, họ có một tâm lý vững vàng, kỹ năng tốt, đủ tiêu chuẩn để dễ dàng đem về thành tích cao.
Trong khi đó, "tập khan" chính là cách mà các vận động viên gọi phương thức tập luyện thiếu thốn này. Cơ sở vật chất nghèo nàn, trang thiết bị không đủ, đặc biệt là rất thiếu đạn cho các vận động viên tập luyện. Muốn tập có cảm giác, muốn biết được tư thế của mình đúng hay sai, huấn luyện viên muốn kiểm tra xem các xạ thủ có thật sự tập trung tập luyện hay không, tất cả phụ thuộc vào đạn. Tại sao?
Vì có đạn, vận động viên mới biết độ giật nảy của cơ thể, theo đó còn điều chỉnh tay nâng lên đặt xuống cho đúng góc. Có đạn, huấn luyện viên mới thấy rõ kết quả để sửa chữa. Có đạn, vận động viên tập luyện không bị nhàm chán nữa. Nhưng ở đây không có đạn. Các xạ thủ chỉ còn cách tập lý thuyết suông, mỗi ngày chỉ nâng súng lên, nhắm bắn những viên đạn trong tưởng tượng vào những cái bia cũng trong tưởng tượng nốt. Nhà đông con nhưng cơm không đủ, thiệt thòi đủ đường.
Khó khăn về cơ sở vật chất không phải là vấn đề. Vấn đề là con người ta có thể từ chỗ khó ấy, gom lửa góp mồ hôi mà trưởng thành hay không mà thôi.
Mỗi ngày, Hoàng Xuân Vinh dành ra 3 tiếng đứng một chỗ im lặng không nói câu gì, mục đích là để rèn luyện sự tập trung cho bản thân. Anh cũng lao vào tập, tập và tập, kể cả khi trang thiết bị ở nước nhà quá nghèo nàn, không đầy đủ cho bộ môn vốn tốn kém như bắn súng.
Vận động viên thế giới được phát 500 viên đạn mỗi buổi tập, nhưng Hoàng Xuân Vinh, hay các vận động viên bắn súng khác, cùng lắm chỉ được 1/5 số đó, và anh chọn cách tập không đạn trong nhiều ngày chỉ để đổi lấy một ngày tập bắn theo chuẩn quốc tế.
Cứ thế, trong hơn một năm ròng, cuối cùng có một Hoàng Xuân Vinh mới trở về với đấu trường thể thao, với tâm thế vững vàng hơn bao giờ hết. Qua một năm ấy, tuyển thủ với vóc dáng nhỏ bé chưa tới 1.6m ngày nào đã khiến thế giới phải kinh ngạc với 20 phát đạn đều trúng điểm 10, phát cuối cùng 10.7 điểm, chính thức phá vỡ kỷ lục thế giới trước ấy được lập ra.
Kết quả, ngày hôm nay, thế giới vỡ òa với tuyển thủ 41 tuổi phá kỷ lục Olympic.
Có một Hoàng Xuân Vinh mới trở thành hiện tượng của bộ môn bắn súng và góp mặt ở Olympic Rio 2016.
Có một Hoàng Xuân Vinh mới không e ngại những thời khắc quyết định cuối cùng.
Có một Hoàng Xuân Vinh mới sinh ra từ những buổi khổ luyện với bia giấy ở quê nhà làm thế giới thán phục khi thi đấu bằng bia điện tử vốn có cơ chế hoạt động khác hẳn nhau.
Có một Hoàng Xuân Vinh mới giành Huy chương vàng đầu tiên cho thể thao Việt Nam ở Olympic.
Có một Hoàng Xuân Vinh mới, sinh ra từ một Hoàng Xuân Vinh không cam chịu thất bại, trui rèn bản thân trong lửa và luyện tinh thần bằng mồ hôi nước mắt, đem về danh dự cho cả dân tộc Việt Nam.
Có một Hoàng Xuân Vinh mang tinh thần của thép.
Là "Vinh đã tôi thế đấy".
Và hãy mong rằng, thể thao Việt Nam sẽ có thêm nhiều anh hùng bước ra từ lò luyện mồ hôi và nước mắt như anh, những người vượt lên chính khó khăn của nước nhà để giật về vinh quang cho Tổ Quốc. Hãy mong thêm một, hay tích cực hơn, nhiều lần nữa, lá cờ đỏ sao vàng sẽ có dịp phấp phới trên đấu trường thể thao quốc tế nhờ những người như Hoàng Xuân Vinh.