Việt Nam là một trong số rất ít các dân tộc trên thế giới mà phần lớn chiều dài lịch sử gắn liền với các cuộc kháng chiến bảo vệ đất nước. Với một vị trí địa lý quan trọng trong khu vực, Việt Nam luôn phải đối mặt với sự nhòm ngó và dã tâm xâm lược tới từ các thế lực bên ngoài: từ triều đại phong kiến phương Bắc tới đế quốc Pháp, đế quốc Mỹ…
Tuy nhiên, có một sự thật không thể phủ nhận, đó là dù ở thời nào, dù kẻ xâm lược là ai thì người Việt Nam luôn luôn giữ được ngọn lửa đấu tranh bền bỉ không chịu khuất phục trước bất cứ thế lực ngoại xâm nào. Truyền thống ấy được thể hiện rất rõ qua hình tượng quân đội Việt Nam, một đội quân nhân dân dũng cảm và "không-bao-giờ-biết-đầu-hàng".
Hãy cùng tìm hiểu kỹ hơn truyền thống đáng tự hào ấy của quân đội ta qua những câu chuyện lịch sử thú vị dưới đây.
Vó ngựa Mông Cổ ba lần đại bại trên đất Đại Việt
Trong lịch sử thế giới, nhắc tới đế chế Mông Cổ là người ta không thể quên hình ảnh một Thành Cát Tư Hãn dũng mãnh trên lưng ngựa cùng với đội quân hùng hậu, thiện chiến chinh phục cả thế giới.
Năm 1206, sau khi thống nhất các bộ lạc Mông Cổ, quân đội của ông đã bắt đầu cuộc chinh phạt cả châu Âu lẫn châu Á.
Với quân số lên tới khoảng 1 triệu người, trong đó có tới 60% là kị binh cưỡi ngựa bắn tên, quân đội Mông Cổ là nỗi khiếp sợ của mọi quốc gia.
Theo phân tích của tạp chí National Interest, chiến thuật cũng như sự thiện chiến đáng kinh ngạc giúp cho quân đội Mông Cổ gần như đánh đâu thắng đó, thậm chí đánh bại những đội quân có số lượng đông đảo hơn rất nhiều.
Dưới vó ngựa Mông Cổ, khoảng 15 – 50 triệu sinh mạng đã bị cướp đi, gần tương đương với toàn bộ dân số Trung Á. Đáng nể hơn, trong vòng 21 năm (1206 - 1227), Thành Cát Tư Hãn và đội quân của mình đã chinh phục tới 31 triệu km2 lãnh thổ.
Con số này không chỉ nhiều hơn bất cứ danh tướng nào trong lịch sử nhân loại mà thậm chí nếu để ý kĩ, ta sẽ thấy đội quân của Thành Cát Tư Hãn đã chiến thắng tại Nga giữa mùa đông, điều mà ngay cả Napoleon hay Hitler sau này cũng không thành công.
Vậy nhưng một trong những đội quân thiện chiến nhất lịch sử ấy lại thất bại thảm hại tại Việt Nam. Không chỉ một, mà là 3 lần thất bại trước sự kiên cường, bất khuất của quân đội nhân dân ta dưới sự lãnh đạo tài tình của nhà Trần. Lần thứ nhất xâm lược Đại Việt năm 1258, quân Mông Cổ khoảng 4 – 5 vạn người nhanh chóng chiếm được Thăng Long.
Trước kế sách "vườn không nhà trống" được nhà Trần áp dụng, địch dần rơi vào trạng thái thiếu lương thực. Sau đó, quân nhà Trần chờ đợi thời cơ và phản công, thắng lớn tại Đông Bộ Đầu, buộc quân Mông Cổ rút lui tháo chạy về Vân Nam.
Tới lần thứ hai năm 1285 và lần thứ ba năm 1287, hơn 50 vạn quân Mông Cổ tràn sang nhằm thôn tính Đại Việt. Nhưng cả hai lần, quân đội nhà Trần không hề nao núng hay khiếp sợ.
Tuy ban đầu phải lui binh để bảo toàn lực lượng nhưng ý chí chiến đấu quân Trần không hề suy giảm, ngược lại ngày một gia tăng. Tinh thần "không đầu hàng" trước mọi nghịch cảnh được thể hiện trong mọi hành động của binh sĩ cũng như thành phần lãnh đạo của quân Đại Việt.
Trong Binh thư yếu lược, Trần Quốc Tuấn viết: "Người giỏi thắng không cần thắng nhiều lần, mà cần toàn thắng, đảm bảo thắng".
Kết quả là sau nhiều tháng chiến đấu, quân Đại Việt đã đẩy lui quân Nguyên về phương Bắc với "hào khí Đông A" cao ngút trời.
Thực dân Pháp "khai hóa" gần 80 năm vẫn bị đánh bại
Người Việt Nam phải sống dưới ách đô hộ của thực dân Pháp kể từ cuối thế kỷ XIX với những thất bại liên tiếp của triều đình nhà Nguyễn.
Vào thời điểm đó, Pháp luôn nằm trong những đế chế mạnh nhất thế giới với số lượng thuộc địa khổng lồ, trải dài từ Châu Mỹ, châu Phi cho tới Châu Á mà đặc biệt là ở bán đảo Đông Dương.
Ước tính trong giai đoạn 1920 – 1930, lãnh thổ dưới quyền cai trị của Pháp có diện tích lên tới hơn 13 triệu km2. Như một lẽ tất yếu, quân đội của đế chế này cũng luôn được xếp vào hạng hiện đại, tối tân nhất lúc bấy giờ.
Thế nhưng, gần 80 năm áp đặt ách thống trị tại Việt Nam, thực dân Pháp đã phải đối mặt với dân tộc kiên cường và không bao giờ chịu khuất phục.
Những trận chiến của quân đội triều đình có thể thua, nhưng không vì thế mà người Việt Nam chịu đầu hàng. Niềm tin và ý chí ấy được thể hiện rõ qua những cuộc khởi nghĩa nhỏ lẻ, tự phát và sau này là cuộc kháng chiến trường kỳ của quân đội nhân dân Việt Nam với đỉnh cao là đại thắng Điện Biên Phủ năm 1954.
Nhìn lại lịch sử, chúng ta không khỏi bất ngờ khi biết rằng năm 1944, vào thời điểm mới thành lập, quân đội ta chỉ vỏn vẹn có 34 chiến sĩ với vũ khí thô sơ dưới sự chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Tuy nhiên, điều đó không thể làm nản lòng ý chí quyết tâm đánh bại kẻ thù của những người lính cụ Hồ. Để rồi 10 năm sau ngày thành lập, đội quân ấy chiến đấu vô cùng bền bỉ và đánh sập "pháo đài bất khả xâm phạm" Điện Biên Phủ do Pháp xây dựng dưới sự hậu thuẫn Mỹ.
30 năm chiến tranh trong ác mộng của siêu cường Mỹ
Kể từ sau chiến tranh thế giới thứ II, không một ai còn nghi ngờ về sức mạnh và tiềm lực quân sự của Mỹ.
Sở hữu kho vũ khí hạt nhân tối tân, những công nghệ hiện đại cùng nền tảng tài chính hùng mạnh, nhưng có lẽ thời gian gần 30 năm tiến hành chiến tranh tại Việt Nam sẽ mãi là cơn ác mộng cho quân đội nước này.
Thế chân Pháp tại Đông Dương, Mỹ tiến hành viện trợ tài chính, vũ khí cho chính quyền Sài Gòn, thậm chí là đưa cả những lực lượng đặc biệt tinh nhuệ sang chiến đấu.
Thống kê của The Richest cho thấy, chỉ trong vòng 10 năm (1965 – 1975), Mỹ đã tiêu tốn 738 tỷ USD vào chiến tranh Việt Nam, biến đây trở thành cuộc chiến tốn kém thứ 3 trong lịch sử nhân loại, chỉ xếp sau chiến tranh thế giới thứ II và cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ hậu sự kiện 11/9.
Đổi lại, người Mỹ đạt được gì? Chiến thắng trong một số trận đánh, nhưng chung cuộc thì thất bại hoàn toàn. Vũ khí tối tân, công nghệ hiện đại không thể khiến nhân dân và quân đội ta đầu hàng chịu thua.
Ngược lại, nó kích thích sự kiên cường và sáng tạo trong lối đánh du kích của quân ta. Lối đánh ấy bền bỉ, kéo dài trong nhiều năm tháng khiến lính Mỹ mệt mỏi và cuối cùng chính họ mới là người chuốc lấy thất bại cuối cùng.
Cách đây 71 năm, ngày 19/8/1945 đánh dấu sự kiện lịch sử Cách mạng Tháng Tám - cuộc cách mạng thắng lợi của Việt Minh với quân Pháp, Nhật và chính phủ Đế quốc.
Tinh mơ ngày 19/8, hàng chục vạn người dân ở Hà Nội và các tỉnh lân cận theo các ngả đường kéo về quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội. Khoảng 10 giờ rưỡi, cuộc mít tinh lớn chưa từng có của quần chúng cách mạng được sự bảo vệ của Thanh niên tự vệ, của tổ chức Việt Minh Hoàng Diệu Hà Nội đã diễn ra. Đại diện Việt Minh Hoàng Diệu Hà Nội đã diễn ra. Đại diện Việt Minh tuyên bố: Tổng khởi nghĩa!
Kết quả là chính phủ cũ giải tán và sau đó đến ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập - khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam).
* Bài viết sử dụng tư liệu từ các nguồn tham khảo: The Richest, National Interest.