01
Tối qua, có cô bạn nói chuyện với tôi, ra trường đi làm 7 năm, 28 tuổi, trong tài khoản hiện tại của nó chỉ có vỏn vẹn 10 triệu.
10 triệu, là toàn bộ tài sản nó có trong tay, con số ấy khiến nó cảm thấy khủng hoảng. Nó không ngừng tự dằn vặt mình, chẳng lẽ, 28 năm vừa qua, nó sống vô dụng tới thế?
Bố mẹ nuôi nó học đại học, học phí mỗi kì hơn đứt 10 triệu. Mà 10 triệu đấy, nếu dùng để nuôi con nhỏ, khéo còn chẳng đủ tiền sữa, tiền tã một tháng.
Nó nói cuộc đời nó đã gặp được rất nhiều người, ai cũng giỏi giang. Người ta cứ lần lượt vượt qua nó, để nó ở lại với nỗi thất vọng về chính mình.
Cùng một đường chạy, trong khi người khác đã chạy được 4 vòng, nó vẫn đang loay hoay hoàn thành nốt vòng chạy đầu tiên, còn đối thủ vẫy vẫy tay về phía nó: "Haha, cố lên bồ, bồ làm được mà!".
Nhưng chỉ có nó biết, nó đã cố hết sức rồi.
Ngày trước, nó đã làm đủ thứ công việc, từ gia sư, nhân viên nhà hàng, bán sim điện thoại, bán bảo hiểm, cô giáo mầm non. Nó đã thử qua rất nhiều ngành nghề, nhưng đến bây giờ, nó vẫn không có tiền.
Dù không phải người theo chủ nghĩa nữ quyền, nhưng nó vẫn hy vọng mình có đủ năng lực nuôi sống chính mình cũng như cô con gái mới sinh của nó. Nó muốn thể hiện được giá trị của mình, nên tìm tới tôi để xin lời khuyên.
02
Eckhart Tolle - nhà tâm linh học nổi tiếng của Đức từng nói, chỉ khi sinh mệnh và cơ thể có sự hòa hợp, khỏe mạnh thì tâm hồn mới tự do, thoải mái, mới có thể đưa ý chí mình lên mức cao nhất, khiến cho mỗi phút mỗi giây đều tràn ngập hạnh phúc. Thứ sức mạnh này đến từ nội tại, không bị bên ngoài quấy nhiễu, nhưng chính bạn phải là người bắt đầu và duy trì nó bằng cách làm những việc mà bạn thích.
Tôi cảm thấy nó rất ý nghĩa, làm được việc mà mình thích mới là quan trọng nhất. Câu hỏi có bao nhiêu tiền tiết kiệm mới hạnh phúc cũng giống như hỏi một học sinh cấp 3, thi được bao nhiêu điểm mới thấy hài lòng vậy.
Đối với học sinh lớp chọn, 8 điểm đã là thất bại. Đối với học sinh top dưới, 6 điểm cũng là mơ ước. Đối với những đứa trẻ bố mẹ là giáo sư này, tiến sĩ nọ, việc bị trừ 1 điểm trong bài thi cũng có thể bị mắng cả ngày. Nói chung, mỗi người có mức yêu cầu riêng, và khi không đạt được nó, chắc hẳn ai cũng thấy buồn chán.
Có lần, tôi cùng đồng nghiệp thảo luận về vấn đề tiết kiệm. Có anh ở quê vừa giải tỏa đất nói: "Sau 30 tuổi, để chuẩn bị sẵn cho những tình huống bất ngờ phát sinh thì phải có 1 tỷ tiền tiết kiệm nếu đã lấy chồng lấy vợ, còn độc thân thì cũng phải có ít nhất 600-700 triệu".
Tôi trêu: "Tiết kiệm nhiều tiền thế để làm cái gì?".
Anh ấy phân tích cụ thể: "Nếu bỗng nhiên cậu gặp chuyện bất trắc, bệnh viện yêu cầu nộp một lúc một cục tiền, thế cậu sẽ đưa tiền để được sống? Hay là bỏ viện về nhà luôn?".
Tôi nói: "Nhưng công ty mình có tiền bảo hiểm mà".
Anh ấy nói: "Nhưng bệnh của cậu chỉ 3-5 ngày là xong đời, thậm chí 48 giờ, 24 giờ mà không được điều trị ngay, cũng ra đi. Có bảo hiểm nào nhanh được như vậy không?".
Tôi nói: "Làm gì đến mức ấy, đến ung thư còn kéo dài được mấy tháng".
Anh ấy lại đáp: "Tim, mạch máu, bệnh não, phẫu thuật cái gì cũng cần nhanh chóng. Sau 30 tuổi, cơ thể không bệnh này bệnh kia nghe vô lý lắm, cứ tiết kiệm tiền là an tâm nhất".
03
Hai ngày trước, tôi tình cờ đọc được một câu chuyện viễn tưởng. Thế giới trong truyện được chia làm 3 không gian, lần lượt là Power Holder, Middle Class và Bottom Worker, mỗi người có thời gian riêng, cùng sống một thành phố nhưng không ai biết đến sự tồn tại của ai, lạ lẫm và xa cách.
Người ở không gian thứ nhất lúc nào cũng vô ưu vô lo. Người ở không gian thứ ba sống cẩn thận từng tí một, còn người ở không gian thứ hai luôn chăm chỉ kiếm tiền, mua nhà, mua xe, mua vé lên tầng trên cùng để có thể sống trong môi trường như mơ hơn.
Tiểu thuyết sở dĩ là tiểu thuyết vì nó được quyền có logic riêng của nó, còn hiện thực thì tàn khốc hơi, bởi chẳng có thứ logic nhất định nào cả. Một trận hỏa hoạn lớn xuất hiện, người ở không gian thứ 3 không có chỗ để đi, người ở không gian thứ 2 thì phải nộp 1 cục tiền lớn mỗi tháng để con em mình được đi học, nhưng không ngờ chúng cũng chẳng được nuôi dạy tử tế.
Phần cuối của tiểu thuyết, một nhân vật vốn làm lao công quét rác ở tầng thứ 3 mặc kệ nguy hiểm tính mạng, quyết tâm chạy lên tầng thứ nhất để báo tin, cuối cùng cũng kiếm đủ học phí để đưa con gái mình vào một nhà trẻ tốt hơn. Nhưng ông ta không biết rằng, ngôi trường mà con ông ta được học lại là ngôi trường có tiêu chuẩn thấp nhất ở tầng thứ 2.
Chúng ta cũng vậy, dẫu có từng là con cưng của bố mẹ thì đến một lúc nào đó cũng phải tự vác balo lên vai, một thân một mình gây dựng sự nghiệp riêng. Khi ấy, mơ ước rất to, thế giới rất nhỏ. Bạn cùng những người khác tốt nghiệp ra trường, ai nấy đều tin rằng bản thân có thể đứng vững và thành công trong công việc mình đã chọn. Khi ấy, dù bạn chẳng có gì trong tay, nhưng có hoài bão, có lý tưởng, bạn vẫn đủ kiên trì để bước tiếp.
Rồi nhiều năm qua đi, bạn vẫn ôm trong mình những giấc mộng khi trước, nhưng lúc này đây tâm trạng dần trở nên hoang mang. Bước chân đi mà cứ như đang bước trên băng, sểnh chân một cái là chìm vào giá lạnh. Hiện thực như cái bạt tai đập vào mặt bạn. Giờ đây bạn đã hiểu, xung quanh bạn lúc nào cũng có những người giỏi giang hơn bạn, mà chẳng những thế, họ còn xinh đẹp hơn bạn, thông minh hơn bạn.
Bạn dần hiểu ra, bạn không phải nhân vật chính để rồi sau trắc trở nhấp nhô sẽ bước lên được bậc vinh quang cao nhất khiến người người ngưỡng mộ. Bạn cũng chỉ là một người bình thường. Những gian nan vất vả xuất hiện suy cho cùng cũng chỉ để biến mộng ảo khi trước của bạn trở thành bọt nước. Sẽ không có hoàng tử xuất hiện cùng bạch mã, vượt qua núi đao biển lửa, vượt qua đèo ngang khúc khuỷu tìm cách giải cứu bạn. Bạn phải tự chịu trách nhiệm với những lựa chọn của mình.
Có thể sẽ có những khoảnh khắc bạn tỏa sáng, nhưng đừng vì nó mà kiêu ngạo, bởi đại đa số thời điểm, chúng ta cũng chỉ như những cái cây ven đường. Bỏ qua hết đi những chói lọi, hào quang, những sự hâm mộ đầy hư vinh, bạn cũng chỉ là một người bình thường, cơm ăn ngày 3 bữa, sinh lão bệnh tử quẩn quanh.
04
Trong "Nhất đại tông sư", lúc Diệp Vấn bái sư, sư phụ từng nói với Diệp Vấn: "Một chiếc đai lưng đại diện cho khẩu khí làm người. Đeo chiếc đai này lên, con sẽ là người luyện võ, về sau phải làm người đúng theo nghĩa khí này".
Chúng ta ai cũng sống lần đầu, ai cũng không có kinh nghiệm như ai.
Có lẽ bạn sẽ gặp phải những biến cố, có lẽ bạn sẽ mù mịt vô định mấy năm, có lẽ tinh thần bạn đã sớm mỏi mệt, có lẽ bạn đang đứng ở dưới đáy cuộc đời, nhưng ít nhất bạn cũng phải giữ vững được cái ý chí ban đầu của mình. Nếu không, cả đời này bạn sẽ suy sụp, hoang phế như thế.
Hãy nhớ rằng, sẽ không có người nào giúp được bạn mãi, hậu phương vững chắc nhất của bạn chỉ có bạn mà thôi. Tập luyện nhiều, đọc sách nhiều hơn, học hỏi nhiều hơn, lên kế hoạch tỉ mẩn hơn, chủ động đứng ra giải quyết vấn đề cụ thể hơn. Bạn phải tự rèn chính bạn thay vì ngồi đó mà than trời oán đất, chê người nọ, ghét bỏ người kia.
Trong thế giới bao la phân chẳng rõ Đông Tây Nam Bắc này, hãy đừng quên giấc mộng buổi ban sơ của bạn. Có nó rồi, tương lai bạn ít nhất còn có hướng mà đi.
Mưa gió qua đi có thể không có cầu vồng, nhưng chúng ta thì đều đã trưởng thành và mạnh mẽ hơn rất nhiều.