"Tại sao các câu hỏi khác với những gì mình đã xem trước?". Trong phòng thi của kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2003 ở Trung Quốc, một thí sinh tên Dương Bác lẩm bẩm một mình.
Có thể xem trước đề thi tuyển sinh đại học? Dĩ nhiên là không. Hóa ra nam sinh này đã làm một việc "chấn động" đến mức phải tù tội.
Vì sợ rằng sẽ xấu hổ khi đối mặt với hàng xóm láng giềng và gia đình nếu trượt đại học, Dương Bác đã lẻn vào phòng bảo mật vào đêm trước kỳ thi tuyển sinh và đánh cắp thành công đề thi.
Đầu tháng 6/2003, học sinh THPT Trung Quốc hối hả ôn thi nước rút. Chỉ có một học sinh khác biệt, đó là Dương Bác.
Dương Bác vốn là học sinh thuộc top đầu với thành tích khá tốt, nhưng kể từ khi lên lớp 12, trong lòng anh bắt đầu lo lắng. Anh đã tham gia ba kỳ thi thử trong thành phố và đã trượt cả ba lần.
Với bóng ma tâm lý này, anh cho rằng nếu mình cũng mắc sai lầm trong kỳ thi tuyển sinh đại học thì sẽ khó thực hiện được hoài bão.
Dương Bác xuất thân từ nông thôn đã quen với cuộc sống khó khăn từ nhỏ, ước mơ lớn nhất là một ngày nào đó có thể nổi bật và sở hữu cuộc sống đáng mơ ước. Nhưng nếu thi trượt đại học, mọi ý tưởng xem như tan thành mây khói.
Với kỳ thi tuyển sinh đại học đang đến gần, làm thế nào để cải thiện điểm số? Sẽ thật tuyệt nếu biết trước các câu hỏi trong đề thi. Suy nghĩ đã le lói trong đầu của chàng trai Dương Bác.
Điều kiện công nghệ lúc đó chưa tiên tiến. Sau khi được in ra, đề thi thường được những người hộ tống đặc biệt vận chuyển đến cơ sở tuyển sinh địa phương khi thời gian kiểm tra đang đến gần. Một trong số đó là huyện Nam Bộ, tỉnh Tứ Xuyên - nơi Dương Bác đang học tập.
1 giờ sáng ngày 5/6/2003, biết rằng đề thi đã được chuyển đến, Dương Bác đã tìm cách lẻn vào phòng bảo mật của Văn phòng Tuyển sinh huyện Nam Bộ trong khi các nhân viên bảo vệ đang chơi bài.
Anh cạy két sắt, dùng dao khoét một lỗ nhỏ trên túi hồ sơ, cuối cùng lấy ra một tờ đề thi, nhảy ra khỏi cửa sổ bỏ chạy. Thế là cũng xem như Dương Bác đã biết được toàn bộ câu hỏi trong đề thi tuyển sinh đại học.
Còn 2 ngày nữa là đến kỳ thi quan trọng trong đời.
Dương Bác đã bí mật nghiên cứu đề thi ở nhà. Khi gặp câu hỏi không biết làm, đương nhiên anh không dám hỏi thẳng thầy cô, vì sợ bị lộ. Thế là anh đã sửa đổi câu hỏi một chút, giữ nguyên số liệu và sau đó đi hỏi những bạn học sinh giỏi khác.
Vốn tưởng rằng giấc mơ thành tài của mình chuẩn bị thành hiện thực, Dương Bác ngã ngửa khi phát hiện anh vẫn còn quá ngây thơ.
Kỳ thi bắt đầu vào ngày 7/6. Dương Bác đã chết lặng khi nhìn và tờ đề thi cầm trên tay. "Tại sao các câu hỏi khác với những gì mình đã xem trước?".
Nhưng sự tình đã đến nước này, nghĩ nhiều cũng vô dụng. Dương Bác không còn lựa chọn nào khác ngoài việc cắm cúi giải đề.
Sau môn thi cuối cùng, rất nhiều học sinh đã phàn nàn về việc đề toán năm nay khó đến mức nào, thậm chí nhiều em đã bật khóc ngay tại chỗ.
Dương Bác trở về nhà như không có chuyện gì xảy ra. Nằm trên giường, tim anh bắt đầu đập loạn xạ. "Đã lấy nhầm đề thi hay do nhà trường phát hiện ra điều gì đó?". Câu trả lời tất nhiên là vế sau.
Trở lại ngày 5/6. Dương Sâm Phú, Phó Giám đốc Sở Cảnh sát thành phố Nam Sung, tỉnh Tứ Xuyên, là người phụ trách dẫn đầu đoàn cho chuyến thị sát này. Như thường lệ, ông cùng cấp dưới kiểm tra đề thi đại học có tuyệt đối an toàn hay không.
1h30 trưa, khi căn phòng bảo mật được mở ra, ai nấy cũng bàng hoàng. Tủ đựng đề thi tuyển sinh đại học có dấu hiệu bị cạy mở, mỗi đề bị mất 1 bản. Rõ ràng là có người vào lấy trộm bài thi!
Dương Sâm Phú nhanh chóng triệu tập lực lượng phong tỏa hiện trường, đồng thời gọi cảnh sát hình sự đến, sau đó báo cáo lên cấp trên để phối hợp điều chỉnh bài thi.
Theo cách này, những địa điểm thi sử dụng cùng đề thi với huyện Nam Bộ đã được thay thế bằng bài dự phòng được nâng cấp độ khó trong một đêm. Đồng thời, để không gây sự hoang mang trước kỳ thi quan trọng, cảnh sát đã tiến hành điều tra thầm lặng.
Ban đầu, cảnh sát nghi ngờ cơ sở giáo dục ăn cắp đề thi để kiếm tiền, sau đó bí mật làm đề giả rồi phát cho học sinh nội bộ.
Tuy nhiên, qua điều tra, sau khi đề thi bị đánh cắp, không có tin tức hay đề thi liên quan nào được tung lên Internet, cũng như không tìm thấy đề thi, fax, tờ rơi liên quan ở nơi in ấn khắp huyện Nam Bộ. Điều này đã mở ra hướng điều tra khác cho phía cảnh sát.
4 giờ sáng ngày 7/6, chính quyền đã cử chuyên gia điều tra tội phạm Ô Quốc Khánh và Ban Mậu Sâm đến giám sát tuyến đầu của cuộc điều tra vụ mất cắp đề thi ở huyện Nam Bộ.
Qua các dấu vết tại hiện trường, cảnh sát khoanh vùng tuổi của hung thủ là 18-28 tuổi, chiều cao từ 1m70-1m76, thân hình gầy. Điều này là do họ phát hiện kẻ tình nghi có khả năng leo trèo và để lại hiện trường nhiều dấu giày có hoa văn giống nhau, cỡ giày là 42,5, hẳn là giày thể thao có đế lưới.
Còn một chi tiết khá thú vị.
Trong một ngăn kéo bị cạy mở, có một chồng giấy điền bài thi cho kỳ thi tuyển sinh đại học. Nghi phạm chạm vào chồng giấy điền bài thi, nhưng đặt nó trở lại. Tại sao lại không lấy đi?
Nếu là thí sinh năm nay điền trước vào giấy điền bài thi rồi mang vào phòng thi và lén lút nộp lên, nhất định sẽ đứng nhất trong kỳ thi tuyển sinh đại học. Nhưng cũng có rủi ro, nếu khổ giấy điền bài thi quá lớn, nếu giám khảo phát hiện ra thì mọi nỗ lực trước đó sẽ hoài công. Vì vậy, sau khi suy nghĩ, kẻ tình nghi đã đặt giấy điền bài thi trở lại.
Người biết cách cân nhắc ưu, nhược điểm, quen thuộc với kỳ thi tuyển sinh đại học và cách bố trí trường học rất có thể là thí sinh tham dự kỳ thi.
Điều đáng ngạc nhiên hơn nữa là cảnh sát đã tìm thấy dấu vân tay của nghi phạm tại hiện trường.
Ngày 9/6, các thí sinh ở huyện Nam Bộ nhận được thông báo: "Huyện Nam Bộ cần thiết lập cơ sở dữ liệu thông tin báo cáo tự nguyện về kỳ thi tuyển sinh đại học và tất cả học sinh tham gia kỳ thi cần quay lại trường để nhập dấu vân tay".
Đây là lần đầu tiên thí sinh nghe đến việc lấy dấu vân tay khi điền đơn đăng ký.
Tục ngữ có câu: "Không làm bậy thì không sợ ma gõ cửa".
Khi biết được điều này, Dương Bác nhận ra đã để lại dấu vân tay khi lấy trộm bài thi. Nếu cảnh sát lấy được dấu vân tay, mọi chuyện sẽ kết thúc!
Vậy phải làm thế nào? Cách tốt nhất là làm biến dạng dấu vân tay của mình.
Khi đến lượt bước vào nhập dấu vân tay, Dương Bác cố tình cào dấu vân tay, sau đó bôi một lớp keo dày.
Dương Bác cho rằng mình làm như vậy sẽ không bị cảnh sát phát hiện, nhưng anh không biết rằng thiết bị ghi dấu vân tay không đơn giản như thế và cảnh sát cũng không dễ bị qua mặt.
Thế là danh tính thủ phạm đánh cắp bài thi đã lộ, không ai khác chính là Dương Bác.
2 giờ sáng ngày 20/6, Dương Bác bị bắt. Lúc này, chỉ còn chưa đầy 4 ngày nữa là đến thời điểm công bố điểm xét tuyển đại học.
Vì học lại một năm nên Dương Bác đã qua 18 tuổi. Tháng 8/2003, tòa án phán Dương Bác 7 năm tù vì tội "đánh cắp bí mật quốc gia". Trong khi thẩm vấn, cai ngục cho biết điểm thi đại học của anh là 515 điểm, dư sức đậu được trường đại học tuyến đầu.
Sau khi biết điểm thi tuyển sinh đại học, tất cả sự không cam lòng và hối hận của Dương Bác đều biến thành nước mắt. Mọi lý tưởng và hoài bão đều không còn.
Năm 2009, Dương Bác được ra tù sớm vì đã cải tạo tốt và có cơ hội giảm án. Sau khi ra tù, câu nói đầu tiên của anh là: "Bầu trời bên ngoài xanh quá".
Trong cuộc đời này, một người chỉ có thể ngước mắt nhìn trời xanh mây trắng nếu biết đi từng bước vững vàng.
Kỳ thi tuyển sinh đại học rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn chính là tư cách đạo đức và sự tu dưỡng bản thân.
Nguồn: Zhihu