Tìm hiểu về Cục 121 - Anonymous phiên bản Triều Tiên

, Theo Trí Thức Trẻ 17:00 26/12/2014
Chia sẻ

Là nhóm chứa đựng những hacker hàng đầu thế giới, nhiệm vụ của Cục 121 là xâm nhập, tấn công nhiều cơ sở dữ liệu sau đó đánh cắp thông tin mật và gây rối loạn hệ thống.

Mặc dù có kết nối Internet rất hạn hẹp, thế nhưng Triều Tiên vẫn được biết tới như một trong những cường quốc công nghệ thông tin, đây là quê hương của rất nhiều hacker tầm cỡ thế giới.

Mọi con mắt nghi ngờ đều được đổ dồn về Triều Tiên sau vụ tấn công Sony Pictures làm bất ngờ cả thế giới. Nhóm hacker đang được đồn thổi đứng sau vụ tấn công này là Cục 121 - Một Anonymous phiên bản Triều Tiên.

Tìm hiểu về Cục 121 - Anonymous phiên bản Triều Tiên 1
Ngoài quân sự, điểm mấu chốt trong phòng thủ của Triều Tiên chính là tấn công tin tặc.

Trang thông tin Business Insider đã có cuộc phỏng vấn với Jang Se-yul, một nhân vật nắm bắt nhiều thông tin về Cục 121. Mặc dù hiện tại, Jang Se-yul đã trốn khỏi Triều Tiên sang Hàn Quốc và đang lãnh đạo Hội giải phóng Triều Tiên thế nhưng những thông tin mà ông nắm giữ vẫn rất quan trọng.

Đại học Mirim - Trường đào tạo hacker Triều Tiên

Trước khi sang Hàn Quốc vào năm 2007, Jang từng tham gia học tập tại trường Đại học Mirim, trường đào tạo kĩ sư lớn nhất tại Triều Tiên. Trong quá trình học tập tại đây, chuyên ngành của Jang là Tác chiến điện tử, tập trung nhiều tới những chiến dịch tấn công tin tặc đồng thời là môi trường máy tính ảo để đối phó với các quốc gia đối thủ.

Học cùng với Jang là rất nhiều thành viên gạo cội của Cục 121. Sau khi tốt nghiệp, Jang làm việc cho Tổng cục tình báo tại Triều Tiên, đây cũng là chủ quản của Cục 121, nhóm hacker đình đám nhất tại quốc gia này.

Tìm hiểu về Cục 121 - Anonymous phiên bản Triều Tiên 2
Đa phần hacker thuộc Cục 121 đều được đào tạo từ trường Đại học Mirim.

Theo Jang, phần lớn hacker làm việc cho Cục 121 đều theo học tại trường Đại học Mirim. Trong 5.000 ứng viên thi vào đây, sẽ chỉ có 100 học viên được lựa chọn. Quá trình học tập tương đối căng thẳng với mỗi tiết kéo dài 90 phút và tổng cộng mỗi học viên phải theo học 6 tiết một ngày.

"Tự lập với những môi trường có sẵn để tùy biến tốt hơn"

Tại Mirim, các hacker sẽ nghiên cứu rất nhiều ngôn ngữ lập trình cũng như những nền tảng khác nhau. Nhưng chủ yếu vẫn là hệ điều hành Microsoft Windows đồng thời là cách tấn công những hệ thống công nghệ thông tin, các máy tính cá nhân cùng nhiều phương tiện điện tử khác.

Cốt lõi trong quá trình học tập vẫn là phát triển nên một ngôn ngữ lập trình riêng cũng như phát triển những virus máy tính độc lập, không dựa trên những nền tảng có sẵn của thế giới. Bằng cách đó, những hacker tại Cục 121 có thể tùy biến tốt hơn với các môi trường khác nhau cũng như hình thành được kiến thức vững chắc để tấn công bất kì hệ thống nào.

Jang cho rằng những hacker tại Cục 121 rất giỏi, họ có thể được xếp ngang hàng với những chuyên viên đang làm việc tại Google hay thậm chí giỏi hơn cả những hacker đang làm việc tại CIA. Jang khẳng định điều này vì quá trình học tập kéo dài cũng như vô cùng vất vả tại Triều Tiên.

Tìm hiểu về Cục 121 - Anonymous phiên bản Triều Tiên 3
Quá trình đào tạo phức tạp cùng môi trường làm việc hấp dẫn khiến Cục 121 là ước mơ của rất nhiều người dân Triều Tiên.

Cục 121 - Thiên đường cho những hacker Triều Tiên

Để vào được Cục 121, những hacker phải có ít nhất 9 tới 10 năm học tập phức tạp. Sau khi tham gia, những hacker này sẽ được chia thành các nhóm để phụ trách nghiên cứu tấn công từng quốc gia khác nhau. Sau khi đã hình thành được các nhóm tấn công, các hacker này sẽ được đưa ra nước ngoài, tới quốc gia mà họ phụ trách để nghiên cứu ngôn ngữ cũng như văn hóa bản địa. Jang ước tính có khoảng 1.800 hacker đang làm việc cho Cục 121.

Chính vì việc được ra nước ngoài cũng như được phụ cấp bằng "tiền Mỹ" khiến cho Cục 121 trở thành ước mơ của rất nhiều kĩ sư tại Triều Tiên. Vì vậy họ càng cố gắng để nắm giữ vị trí này. Khi vào Cục 121, những hacker sẽ được cấp nhà rộng gần 200m2 tại ngoại ô Pyongyang cũng như mức lương nhiều người thèm muốn.

Mặc dù vậy, những hacker tại Cục 121 rất trung thành, khi ra nước ngoài họ tập trung nghiên cứu để đem lợi về cho quốc gia và không rời bỏ Cục 121 cho dù có được mời làm việc cho Google hay những công ty công nghệ lớn khác.

Cuộc chiến không tên

Được Triều Tiên đầu tư rất mạnh từ những năm 1980, cuộc chiến bí mật của những tin tặc này được xem là một trong những điểm quan trọng trong chiến lược phòng thủ của Triều Tiên. Đích tới cuối cùng của những hacker trong Cục 121 chính là phá hủy, xâm nhập vào cơ sở dữ liệu của những quốc gia đối thủ. Khi đã tấn công thành công, những hacker này sẽ đánh cắp càng nhiều dữ liệu càng tốt sau đó gửi lại cho cấp trên.

Tìm hiểu về Cục 121 - Anonymous phiên bản Triều Tiên 4

Jang cho rằng với hơn 20 năm chuẩn bị cùng một khoản tiền khổng lồ được đầu tư cho Cục 121, các quốc gia đối thủ của Triều Tiên nên thận trọng vì họ sẽ không dễ bị đánh bại. Ngay cả Mỹ, một quốc gia có nền công nghệ thông tin phát triển cũng không thể an toàn khi đối đầu với Cục 121.

(Tham khảo: Business Insider)
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày