Những sản phẩm dưới đây hẳn rất quen thuộc rồi. Nhưng thuở sơ khai của chúng vẫn chứa nhiều bất ngờ lắm, thậm chí bạn còn chẳng tin vào mắt mình nữa ấy.
1. Facebook 2004
Ai cũng biết Facebook được anh chàng tinh quái Mark Zuckerberg sáng lập năm 2003, khi còn theo học tại trường Harvard (Mỹ). Website bước vào hoạt động sau đó một năm với cái tên “The Facebook”, dành cho khối sinh viên. Giao diện ban đầu của trang mạng khá đơn giản và nặng tính giới thiệu, gồm cả danh sách những trường được hỗ trợ nữa chứ.
Tuy nhiên, với hơn 800 triệu thành viên chỉ sau 7 năm "lên sóng", Facebook đã phát triển thần kỳ và trở thành "ông hoàng" của làng mạng xã hội thế giới.
2. BlackBerry 1999
Hình ảnh cho thấy dòng máy BlackBerry đầu tiên với tên gọi BlackBerry 850, ra mắt năm 1999. Theo đó, thiết bị sở hữu bàn phím thực đầy đủ (duy nhất thời bấy giờ), có thể gửi tin nhắn, email, hỗ trợ lịch, lên kế hoạch làm việc, song thiếu vắng chức năng… gọi điện.
Chuyên môn này chỉ xuất hiện kể từ năm 2002 với những sản phẩm BlackBerry 5000 và 6000.
3. Google 1996
Trước khi trở thành "ông trùm" tìm kiếm, Google chỉ giống như trang mạng khiêm tốn vào thời điểm 1996. Giao diện nghèo nàn của website bắt nguồn từ việc Larry Page và Sergey Brin vẫn còn thiếu kinh nghiệm thiết kế.
Ngày xửa ngày xưa, Google được phát triển bởi 2 chàng sinh viên trường đại học Stanford và chính thức đến với công chúng năm 2004. Mặc dù vậy, ngay cả khi đã trở thành gã khổng lồ, giao diện của Google vẫn rất đơn giản.
4. iPod 2001
Phiên bản iPod đầu tiên lên kệ ngày 23/10/2001. Trong một thập kỷ phát triển, sản phẩm xuất hiện với rất nhiều hình dáng, màu sắc và kích cỡ khác nhau.
Đối với iPod 1, máy bao gồm bộ nhớ 5GB và thật kệch cỡm khi so sánh độ mỏng cùng iPod Nano. Thế nhưng, thiết bị chính là dòng máy Mp3 đầu tiên làm công chúng “điên đảo”. Bên cạnh iTunes, Apple đã góp phần định nghĩa lại xu hướng nghe nhạc đương đại.
5. YouTube 2005
Trang chia sẻ video đình đám "chào đời" vào tháng 11/2005, sở hữu thiết kế cơ bản và phát triển nhanh chóng hơn bất cứ website nào trước đó. Tính đến tháng 7/2006, người dùng YouTube đã tải lên hơn 65.000 video mỗi ngày. Và cũng năm đó, Google quyết định mua lại YouTube bằng 1,65 tỷ USD.
Sau nhiều năm, biểu tượng YouTube vẫn không thay đổi, song những quảng cáo hào nhoáng đã lấp đầy từng khoảng trống, khiến bạn khó lòng nhận ra trang web thuở nào.
6. Amazon.com 1995
Amazon xuất hiện vào năm 1995, nổi bật giao diện đẹp và sự hợp lý đáng ngưỡng mộ trong thời gian đó. Từ một chuyên trang bán sách trực tuyến, giờ đây Amazon kinh doanh mọi thứ mà bạn có thể tưởng tượng được.
Ngoài ra, Amazon cũng thành công với dịch vụ điện toán đám mây và những thiết bị đọc sách điện tử. Nhìn chung, tầm hoạt động của Amazon ngày nay rộng hơn xưa rất nhiều, song cấu trúc cơ bản thì vẫn vậy.
7. iPhone 2007
iPhone thực sự đã thay đổi cuộc chơi khi trình làng vào năm 2007. Bất chấp mức giá khá cao (599 USD cho phiên bản 8GB và 499 USD cho phiên bản 4GB), siêu dế liên tiếp dẫn đầu thị trường và thiết lập khái niệm mới về smartphone, bao gồm màn hình cảm ứng đa điểm và truy cập hàng ngàn ứng dụng hấp dẫn.
"Hậu duệ" iPhone 4S được giới thiệu vào tháng 10/2011 với dáng vẻ mỏng hơn, nhanh hơn và mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, phong cách Apple đặt vào di động "trái táo khuyết" chẳng phai dấu điều gì.
8. Wikipedia 2001
Dù chưa bao giờ nổi tiếng về tính thẩm mỹ, nhưng phải nói rằng thuở xưa của Wikipedia trông rất tệ hại. Hệ thống link liên kết được bố trí dày đặc, thiếu hợp lý và màu sắc giản tiện đến không thể chán hơn. Như đã nói, Wikipedia khó lòng chinh phục giải thưởng thiết kế, nhưng trang web cũng đang trở nên màu mè hơn đôi chút.
9. Twitter 2006
Thêm một trang mạng xã hội nữa trong danh sách và Twitter nhìn khá khẩm hơn Facebook vào ngày đầu tiên. Sau này, "chim non" bổ sung thêm nhiều thư mục và giao diện tinh tế hơn. Mặc dù vậy, phương châm đơn giản và nhanh chóng như chính tin nhắn trên website vẫn chưa bao giờ thay đổi.
10. Epson HX-20 1981
Trở lại quá khứ xa hơn chút nữa, chúng mình hãy cùng đến với Epson HX-20, được xem như chiếc laptop thực sự đầu tiên trên thế giới. Ra mắt năm 1981 và bắt đầu phân phối 2 năm sau đó, sản phẩm tích hợp khá nhiều công nghệ di động tân tiến thời bấy giờ.
Về thiết kế, máy trang bị bàn phím đầy đủ, pin có thể sạc lại, màn hình LCD độ phân giải 120 x 32 pixel, cho phép hiển thị 4 dòng 20 ký tự. Ngoài ra, Epson HX-20 dùng chíp 6301 của Hitachi với xung nhịp 614KHz, bộ nhớ RAM 16KB (mở rộng tới 32KB).