Cuối năm 2012, một đoạn băng ghi âm hiếm ghi lại bản diễn thuyết của Steve Jobs tại Hội thảo Thiết kế Thế giới 1983 tổ chức tại Aspen đã được công bố. Chủ đề của hội thảo năm ấy là “Tương lai không phải những gì đã từng diễn ra”.
Lúc bấy giờ, Jobs 28 tuổi. Ông đã có một bài diễn thuyết với nhiệt huyết cao độ trong vòng 54 phút về rất nhiều chủ đề. Đoạn băng ghi âm này chính là bằng chứng về một nhãn quan tuyệt vời, một bộ óc thiên tài của vị phù thủy công nghệ. Rất nhiều những điều Steve Jobs nói vào khoảng thời gian cách đây 30 năm đã trở thành sự thực và không ít trong số đó được thực hiện và hoàn thiện bởi chính Apple, công ty do ông sáng lập. Hãy cùng điểm lại một số dự đoán có tầm ảnh hưởng lớn tới công nghệ do Steve Jobs đưa ra.
1. Apple và sự giao thoa giữa công nghệ cùng nghệ thuật tự do
“Chúng tôi đang tìm ra cách giải quyết việc nhấn nhá yếu tố nghệ thuật vào những chiếc máy tính. Chúng tôi đang cố gắng làm điều đó. Hãy thêm vào một font chữ được thiết kế tinh tế ở đây. Thêm một font chữ nữa ở kia. Thêm đồ họa ở đây để có thể cảm thấy mỗi chiéc máy tính như một bức tranh vậy.”
Thực tế, đây là một trong những yếu tố làm cho các sản phẩm của Apple trở thành một hiện tượng và được người ta yêu mến.
2. Ý tưởng về một chợ ứng dụng chung cho người dùng
Khi nói về phần mềm máy tính, Jobs giải thích sự vô ích vốn đang tồn tại trong cách mà người ta mua bán phần mềm kiểu cũ (ở thời điểm lúc bấy giờ, đó là cách duy nhất). Đó là năm 1983 và phương hướng Jobs mường tượng ra chính là những gì mà sau này trở thành hệ thống iTunes, App Store và Mac App Store.
“Bạn đi mua một phần mềm và bạn không biết phải mua phần mềm nào. Bạn hỏi người bán máy tính “Tôi nên mua cái nào nhỉ?” và tất nhiên người đó cũng không biết. Họ đang bán máy chứ chứ không nhìn vào phần mềm. Kết quả là họ sẽ bạn một câu trả lời bâng quơ, bạn làm theo và sau đó có thể thỏa mãn hoặc không.
Giờ thì hãy so sánh trường hợp trên với một người đi mua một đĩa nhạc. Hầu hết mọi người khi bước vào một cửa hàng băng đĩa đều biết chính xác họ muốn mua thứ gì. Họ không đặt ra những câu hỏi như “Tôi nên mua đĩa nào nhỉ?”. Họ biết mình muốn mua đĩa nào bởi họ đã được nghe trước những bài nhạc trên sóng radio hoặc đâu đó, điều này làm họ cảm thấy dễ dàng hơn trong việc quyết định sẽ mua gì ở cửa hàng.
Chúng ta cần một điều tương tự trong ngành công nghiệp phần mềm. Chúng ta cần một “đài phát thanh” phần mềm.
...
Chúng ta sẽ chuyển những thông tin về phần mềm từ máy tính này đến máy tính khác, và một khi đã làm điều đó, chúng ta sẽ tiến hành bán phần mềm theo cách “Ồ được, chúng tôi sẽ cho bạn dùng thử miễn phí phần mềm trong vòng 30 giây hoặc cho bạn xem 5 ảnh chụp màn hình hoặc thậm chí cho bạn dùng thử cả ngày. Và nếu bạn muốn mua nó, đơn giản hãy để lại số thẻ VISA và bạn đã có nó.” Tạm thời tôi chưa biết bằng cách nào để có thể thực hiện điều này nhưng thực sự chúng ta cần một “đài phát thanh” phần mềm.”
3. Dự đoán về một chiếc máy tính bảng hiện đại
Ý tưởng nguyên gốc về một thiết bị máy tính bảng không phải đến từ Steve Jobs mà nó thuộc về một nhà khoa học máy tính nổi tiếng có tên Alan Kay. Theo đó, ông đã mô tả một thiết bị máy tính bảng trong một nghiên cứu được công bố năm 1972. Jobs rất coi trọng quan điểm của Alan Kay và ông cũng rất thích câu nói “những ai thực sự quan tâm đến phần mềm thì nên sản xuất luôn cả phần cứng cho riêng mình nữa” – câu nói này là của Alan Kay.
Dưới đây là những gì Jobs từng nói về ước mơ của Apple là có thể tung ra một thiết bị có kích cỡ bằng một quyển sách.
“Giờ chiến lược của Apple thực sự giản đơn. Điều chúng tôi muốn làm là đặt một chiếc máy tính tuyệt vời vào một cuốn sách mà bạn có thể thoải mái mang đi mọi nơi và việc học sử dụng nó mất chẳng đến 20 phút. Đó là những gì chúng tôi muốn và chúng tôi muốn thực hiện nó trong thập niên này. Chúng tôi cũng muốn thiết bị kể trên có kết nối radio để bạn sẽ không phải thực hiện nhiều kết nối có dây phiền phức, bạn sẽ dễ dàng tiếp cận với kho dữ liệu hoặc những chiếc máy tính khác.
Chúng tôi chưa mường tượng ra những gì cần làm lúc này. Về mặt kĩ thuật, nó gần như không thể. Bởi vậy, chúng tôi có ba lựa chọn. Lựa chọn đầu tiên, không làm gì cả và như tôi đã nói trước rồi đó, chúng tôi còn trẻ và còn kiên nhẫn, đây không phải lựa chọn tối ưu. Lựa chọn thứ hai là đặt một chiếc máy tính dở tệ vào một cuốn sách, chúng tôi hoàn toàn có thể làm điều đó nhưng bởi đối thủ đã làm rồi nên điều này là không cần thiết. Lựa chọn thứ ba là thiết kế một chiếc máy tính tuyệt vời sau này chúng tôi sẽ có thể đặt nó vào một cuốn sách mặc dù ở thời điểm hiện tại là không thể. Hiện nay, chiếc máy này đã ra đời rồi, bạn có thể đặt nó vào một cái hộp, nó 10.000 USD và nó là Lisa”
27 năm sau, nó đã trở thành iPad - chiếc máy tính bảng được ưa chuộng nhất thế giới.
4. Internet sẽ phát triển với tốc độ chóng mặt
Một phần của buổi nói chuyện được Jobs dành để nói về mạng kết nối địa phương được thiết lập ở Xerox Parc.
“Chúng ta đang bắt đầu kết nối mọi thứ với nhau để hỗ trợ việc liên lạc, hỗ trợ việc mang mọi người tới gần nhau hơn. Chúng ta đang ở cách thời điểm máy tính trong những văn phòng sẽ được kết nối với nhau 5 năm và còn cách 10 đến 15 năm tới thời điểm khi điều này lan tới từng hộ gia đình.”
Thật vậy, đúng như những gì Steve Jobs nói vào khoảng thời gian năm 1996/1997, Internet bắt đầu phổ biến, trùng với khung thời gian 10 – 15 năm kể từ lúc Jobs bình luận về vấn đề này.
5. Các ứng dụng nhận diện giọng nói sẽ giúp hoàn thiện trải nghiệm người dùng
Ở phần đặt câu hỏi và trả lời, Jobs đã được hỏi về tính năng nhận diện giọng nói.
“Nhận diện giọng nói sẽ là một sự phát triển tươi sáng hơn của thập niên. Vấn đề không nằm ở nhận diện giọng nói; khi bạn nói chuyện với ai đó, hiểu được ngôn ngữ quan trọng và khó hơn nhiều so với hiểu giọng nói đơn thuần.
Chúng tôi có thể sắp xếp từ ngữ nhưng chúng có nghĩa là gì? Trong khi đó hầu hết ngôn ngữ đều có rất nhiều từ cần hiểu theo ngữ cảnh, trong trường hợp này nó có nghĩa thế này nhưng trong trường hợp kia nghĩa lại hoàn toàn khác. Đây mới thực sự là vấn đề nan giải.”
Trên thực tế, ý tưởng đằng sau Siri là những câu lệnh có tính ngữ cảnh, cho phép người dùng sử dụng những câu nói đi kèm ngôn ngữ tự nhiên để giao tiếp với thiết bị.
6. Google Maps và Street View
Jobs cũng hào hứng nói về công nghệ về sau trở thành Google Maps.
“Một thử nghiệm đang được tiến hành ngay gần đây tại Aspen. Một nhóm nghiên cứu thuộc trường Đại học MIT đã đến và họ có một chiếc xe tải gắn camera, họ đi dọc từng góc phố, chụp hình từng con đường, từng tòa nhà.
Họ chuyển những video họ có vào máy tính và bạn sẽ có cảm giác như chính mình đang ở trên phố Aspen khi nhìn vào màn hình. Và khi bạn chạm vào màn hình, các phím mũi tên điều hướng sẽ xuất hiện. Bạn có thể di chuyển, nhìn sang trái, nhìn sang phải, đi thẳng, bạn có thể quyết định mình sẽ đi theo hướng nào và thậm chí còn có thể đi vào một vào cửa hàng.
Đó là một bản đồ điện tử cho bạn cảm giác thực sự dạo quanh Aspen. Thậm chí bản đồ này còn có 4 tùy chọn về mùa bởi nhóm nghiên cứu này đã quay lại và làm giống hệt những gì họ đã làm vào thời gian cả 4 mùa. Do đó, khi bạn nhấn “mùa đông”, Aspen sẽ ngập tràn trong tuyết. Quả thực rất tuyệt vời.”
7. Cách chọn người tài
Steve Jobs thường thích nói về một nhóm nhỏ các nhân viên hạng A+ có thể làm việc hiệu quả hơn một nhóm lớn gồm nhân viên hạng B hay hạng C. Điều này cũng xuất hiện trong đoạn nói chuyện vào năm 1983 này.
“Chúng tôi tin vào sự phi thường của những người phi thường và những gì tôi nói có nghĩa là chúng tôi nghĩ có những người giỏi tới mức họ có thể làm việc hiệu quả bằng 5 người khác. Đó là loại nhân viên chúng tôi muốn ở Apple. Họ là những người có tư chất nghệ sĩ. Đây là lí do tại sao chúng tôi được coi là một công ty nhỏ so với lợi nhuận mà Apple đạt được. Apple đang chuẩn bị cán mốc doanh thu 1 tỉ USD với chỉ dưới 5.000 nhân viên trên toàn thế giới và đó là một điều phi thường.”
Theo số liệu được công bố vào quý gần đây nhất, Apple đang có doanh thu 37,5 tỷ USD với 80.300 nhân viên đang làm việc trên toàn thế giới.