Khó có thể phủ nhận được những lợi ích mà
Facebook mang đến cho cộng đồng gần 1,4 tỷ thành viên hiện nay của mình, tuy nhiên trong quá khứ đã có không ít lần hình ảnh
mạng xã hội này trở nên xấu xí trong mắt người dùng.
1. Quảng cáo Sponsored Stories
Nếu sử dụng Facebook đủ lâu, hẳn là bạn vẫn còn nhớ hình thức quảng cáo Sponsored Stories của mạng xã hội này. Theo đó, Sponsored Stories sẽ xuất hiện trên News Feed của người dùng khi bạn bè của họ tương tác với một thương hiệu nào đó. Ví dụ, một người bạn của bạn click vào like bài đăng của Starbucks, Facebook sẽ bán "cú click like" này cho Starbucks và hiển thị nó dưới dạng quảng cáo.
Ngay từ khi hình thức quảng cáo này được giới thiệu vào năm 2011, nó đã vấp phải nhiều sự phản đối từ phía người dùng. Thậm chí, Facebook còn bị kiện cũng trong năm này vì đã sử dụng tên và ảnh đại diện của người dùng cho mục đích quảng cáo mà chưa nhận được sự cho phép. Cuối cùng, vụ kiện đã làm tiêu tốn của ông lớn mạng xã hội 20 triệu USD. Số tiền này có thể không lớn đối với Facebook, tuy nhiên vụ việc làm ảnh hưởng không nhỏ tới hình ảnh của Facebook trong con mắt người dùng.
Đến trung tuần tháng 1 năm 2014, Facebook tuyên bố "khai tử" hình thức quảng cáo này.
2. Tách hoàn toàn tính năng Facebook Messenger ra khỏi ứng dụng Facebook
Tháng 8 năm 2014, Facebook cũng khiến
người dùng bức xúc khi tách hoàn toàn tính năng nhắn tin Messenger ra khỏi ứng dụng Facebook chính. Điều này đồng nghĩa với việc Facebook gián tiếp ép người dùng tải về ứng dụng Facebook Messenger độc lập nếu tiếp tục muốn sử dụng tính năng này mà không cần vào trình duyệt hoặc sử dụng một ứng dụng khác đến từ bên thứ ba.
Điểm đáng nói ở chỗ, ở thời điểm đó, nhiều phản hồi cho rằng Facebook Messenger hoạt động thiếu tính ổn định và tin nhắn thường xuyên gặp tình trạng không thể gửi được. Bên cạnh đó, cả ứng dụng Facebook và Facebook Messenger đều khá nặng nên việc ép người dùng phải tải về hai ứng dụng độc lập đặc biệt gây khó cho những người sử dụng smartphone không có hiệu năng quá tốt.
Facebook giải thích rằng việc "độc lập hóa" Facebook Messenger chỉ nhằm mục đích cải thiện trải nghiệm người dùng, tuy nhiên suy cho cùng (ít nhất là ở thời gian đầu sau động thái này), nó đã... phản tác dụng.
3. Ép người dùng sử dụng tên thật
Facebook cũng từng làm người dùng phiền lòng vì liên tục siết chặt chính sách ép sử dụng tên thật trên mạng xã hội này một cách cứng nhắc. Sau một thời gian dài liên tục bị chỉ trích, Facebook mới đây cũng chính thức tuyên bố áp dụng chính sách sử dụng tên thật linh hoạt hơn với những thay đổi như người dùng bị "report" có thể giải thích với Facebook lý do tại sao mình muốn sử dụng tên như hiện tại hay khi ai đó "report" một tài khoản sẽ phải đưa ra cụ thể lý do mà mình muốn báo cáo xấu người dùng với tên gọi này.
4. "Ăn trộm" hàng tỷ lượt xem từ YouTube
Sau khi tập trung vào chiến lược nội dung video, Facebook đã cụ thể hóa mục tiêu này bằng cách ưu tiên hiển thị nội dung video trên News Feed hơn và đặc biệt là tính năng auto-play được áp dụng mặc định khiến người dùng có thể vô tình "xem" video mà mình không hề muốn.
Facebook gần đây bị cáo buộc "ăn trộm" hàng tỷ video từ nội dung độc quyền của các kênh YouTube với cơ chế quản lý nội dung bản quyền lỏng lẻo, thiếu linh hoạt và phản hồi thiếu nhanh chóng của mình.
(Tổng hợp)