Có những cú vấp không đáng kể nhưng có những cũng có những cú vấp phải trả giá bằng cả sự nghiệp kinh doanh như trường hợp của Nokia.
Khoảng trước năm 2010, thời điểm smartphone bắt đầu phát triển bùng nổ Nokia vẫn còn là một thế lực trong làng công nghệ di động thế giới. Tuy nhiên, sau đó đa số các hãng sản xuất smartphone khác đều theo đuổi Android thì Nokia vẫn chung thủy với Windows Phone.
Doanh số smartphone Lumia mỗi năm một giảm và Nokia không còn cách nào khác, phải bán mảng sản xuất smartphone cho chính "đối tác" Microsoft vào cuối năm 2013.
Tương tự Nokia, BlackBerry cũng trung thành với hệ điều hành "cây nhà lá vườn" BlackBerry OS của mình. BlackBerry muốn trở thành một Apple thứ hai nhưng dù rất cố gắng thay đổi trong cả thiết kế phần cứng và phần mềm "Dâu" vẫn không thể nào biến thành "Táo".
BlackBerry Priv, smartphone nắp trượt chạy Android mới ra mắt gần đây của Dâu đen là con bài cuối cùng của hãng. Số phận của BlackBerry dựa trên sự thành bại của smartphone này.
Tuy không có những sai lầm chết người như hai hãng trên nhưng Microsoft cũng khốn đốn dưới thời Steve Ballmer. Windows 8, Windows RT và Surface RT chính là những sản phẩm lỗi của Microsoft. Trong khi Windows 8 bị chỉ trích vì giao diện nửa hiện đại nửa cổ điển nhập nhằng khó hiểu thì Windows RT và Surface RT là hai sản phẩm hoàn toàn dở hơi.
Surface RT chỉ chạy được Windows RT mà phiên bản Windows này chẳng có mấy tác dụng trong giải trí cũng như trong công việc nên doanh số Surface RT cực kỳ lẹt đẹt. Có thời điểm, theo báo cáo của Microsoft, chi phí tồn kho của Surface RT lên tới 900 triệu USD. Khan hiếm ứng dụng, không thể chạy những ứng dụng phổ biến, sẵn có cho Windows, không thể tải về ứng dụng từ các nguồn khác ngoài Windows Store là những nhược điểm khiến Windows RT bị hắt hủi.
Trước đây, Microsoft cũng từng thất bại trong thị trường máy nghe nhạc với dòng sản phẩm Zune và phải ngừng sản xuất dòng máy nghe nhạc này vào năm 2011. Đầu những năm 2010, gã khổng lồ phần mềm cũng đã thử nhúng chân vào di dộng với điện thoại Kin nhưng cũng thất bại. Hiện tại, với việc mua lại mảng sản xuất thiết bị di động của Nokia và điều chỉnh lại toàn bộ hệ thống Windows, Microsoft đang muốn lật đổ sự thống trị của Apple và Google trong thị trường di động.
Thất bại gần đây nhất mà Google vấp phải chính là dự án Google Glass. Công nghệ và ý tưởng của Google Glass chẳng có gì đáng chê trách. Tuy nhiên, ứng dụng vào thực tế lại hoàn toàn khác. Thiết bị khiến người đeo trở nên kỳ cục và khiến quyền riêng tư của cộng đồng bị đe dọa. Với camera tích hợp, người đeo Glass hoàn toàn có thể quay/chụp lén người khác bằng Glass.
Thêm nữa, Google chưa có lời giải thuyết phục cho các vấn đề an toàn và sức khỏe khi sử dụng Glass như sử dụng Glass trong khi lái xe. Xét cho cùng, Google vẫn chưa trang bị đủ độ thân thiện cho Glass để người dùng có thể đeo thiết bị công nghệ này trên đầu hàng ngày. Tháng 1/2015, Google đã ngừng chương trình thử nghiệm Explorer, thế hệ Glass đầu tiên bị khai tử nhưng dự án Glass vẫn tiếp tục được duy trì. Và tất nhiên, với tiềm lực của mình, Google không thể nào bị quật ngã chỉ vì một dự án thất bại.
Chắc hẳn bạn đang tự hỏi tại sao lại có Apple trong danh sách này. Tuy nhiên, trước khi thành công với iPhone, iPad, Apple cũng có những giai đoạn khó khăn. Thất bại cay đắng nhất của Apple chính là tablet Newton MessagePad ra mắt năm 1993.
Newton MessagePad được Apple phát hành vào năm 1993 và thu về 6,3 tỷ USD doanh thu trong cùng năm. Apple Newton MessagePad là một trong những sản phẩm đầu tiên cung cấp các chức năng máy tính cơ bản trên một thiết bị cầm tay. Công nghệ của nó mang tính cách mạng tại thời điểm đó.
Tuy nhiên, do không đáp ứng được các kỳ vọng về phần mềm cũng như khả năng xử lý chậm, pin yếu, giá khá đắt…, Newton MessagePad đã phải ngừng sản xuất vào năm 1998. Steve Capps, Trưởng phòng phát triển sản phẩm vào thời điểm đó, giải thích rằng tính năng viết tay của Newton cũng phải chịu chung số phận với sản phẩm.
Mới đây, Apple ngã thêm một cú đáng nhớ đó là thất bại với iPhone 5c. Đây là một smartphone chẳng biết nên nhét vào đâu của Apple. Mặc dù được định hình là sản phẩm cạnh tranh với các smartphone Android trung cấp nhưng iPhone 5c lại bị chính các mẫu smartphone "gà nhà" như iPhone 4, 4s và 5 bóp chết.
Mức giá của iPhone 5c thời điểm mới về Việt Nam lên tới 12 triệu đồng, với người dùng Việt đây là một mức giá khó chấp nhận cho một smartphone vỏ nhựa. Thiết kế của iPhone 5c thậm chí còn thua xa so với iPhone 4s và iPhone 5 nên người tiêu dùng thà chọn những mẫu smartphone cũ chứ không để ý tới iPhone 5c.
(Tổng hợp)