Facebook tràn ngập virus "ăn theo" máy bay mất tích

Cú Mèo, Theo Trí Thức Trẻ 15:11 17/03/2014
Chia sẻ

Nhân sự kiện chiếc máy bay Malaysia mất tích thời điểm vừa rồi, hàng loạt mã độc với tiêu đề hấp dẫn đang đe dọa người dùng Facebook.

Như vậy, cho đến thời điểm hiện tại đã hơn 10 ngày trôi qua kể từ thời điểm chiếc máy bay Boeing 777-200ER mang số hiệu MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines mất tích đột ngột và tung tích của nó cùng 239 hành khách vẫn chưa thể được làm rõ. Trong khi cả thế giới đang hướng sự quan tâm vào số phận chiếc máy bay xấu số thì một bộ phận nhỏ những kẻ có ý đồ xấu đã tận dụng cơ hội này để chuộc lợi trên mạng xã hội, đặc biệt là Facebook.

Facebook tràn ngập virus "ăn theo" máy bay mất tích 1
Một đường link chứa mã độc lan truyền với tốc độ chóng mặt trong cộng đồng người dùng mạng xã hội trong những ngày gần đây.

Theo đó, nhóm hacker có ý đồ xấu đã lợi dụng sự tò mò của cộng đồng mạng bằng cách tung ra các đường link có các nội dung khẳng định việc đã tìm thấy chiếc Boeing mất tích nằm ở khu vực “tam giác quỷ” Bermuda. Những bài đăng này thường được trích nguồn từ các hãng thông tấn uy tín như CNN, BBC hay Reuters để đánh lạc hướng người xem. Thậm chí, các hacker còn làm một nút “Play” giả để làm tăng tính xác thực cho đường dẫn giả.

Facebook tràn ngập virus "ăn theo" máy bay mất tích 2
Nội dung những đường link chứa mã độc này thường rất đa dạng nhưng có đặc điểm chung là khá “giật gân”, khẳng định trích đăng từ những trang thông tin uy tín nhưng lại dẫn link đến một website khá lạ.

Khi một người click vào đường link này, nhiều khả năng nó sẽ dẫn bạn đến một website chứa mã độc hướng dẫn người dùng chia sẻ lại video này trước khi có thể xem nó. Bằng cách nhấn chia sẻ, bạn mặc định cho những hacker này quyền truy xuất vào tài khoản Facebook đồng thời làm bài đăng tiếp tục lan truyền.

Facebook tràn ngập virus "ăn theo" máy bay mất tích 3
Bên cạnh các đường link chứa mã độc, một bộ phận quản trị viên các trang fanpage cũng tận dụng cơ hội này để đưa tin chưa được kiểm chứng hay thậm chí là kích động để kích thước người xem chia sẻ.

Được biết đây không phải lần đầu tiên hình thức bài đăng chứa mã độc như thế này xuất hiện trên Facebook nói riêng hay mạng xã hội nói chung. Cụ thể, những sự kiện được nhiều người quan tâm và đồng cảm như sóng thần ở Nhật Bản năm 2011 hay động đất ở Philippines năm ngoái cũng bị kẻ xấu tận dụng dưới hình thức tương tự để kiếm tiền bất hợp pháp bằng cách truy vấn thông tin trái phép vào tài khoản người khác.

Facebook tràn ngập virus "ăn theo" máy bay mất tích 4
Người dùng nên lưu ý tránh để kẻ xấu lợi dụng sự quan tâm của bạn cho mục đích xấu của cá nhân.

Khi đứng trước những thông tin không rõ ràng từ những website chưa kiểm chứng được đăng tải lên Facebook, bạn nên cân nhắc kĩ càng trước khi click. Bên cạnh đó, những trang thông tin chính thống và uy tín không bao giờ bắt người xem phải chia sẻ trước khi xem. Theo trang thông tin IBT, nếu đã click vào những đường link tương tự như trên, bạn được khuyến cáo hãy đổi mật khẩu Facebook ngay lập tức. Đồng thời đổi mật khẩu tất cả các tài khoản mạng khác có mật khẩu trùng mật khẩu Facebook.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày