Facebook đổi Subscribe thành Follow: Không hề đơn giản

Truật Xích, Theo Mask Online 00:00 31/01/2013
Chia sẻ

Có thể dễ dàng nhận ra biểu tượng Subscribe, ra đời tháng 9 năm 2012 nay đã được chuyển thành Follow. Tuyên bố mới của Facebook chỉ đơn giản là: “Chúng tôi tin rằng từ này nghe hay hơn. Chức năng của nó thì không có gì thay đổi cả”.

Thật ra, câu chuyện không chỉ dừng ở việc sửa từ này thành từ khác. Ai cũng biết rằng nút Follow là “đặc sản” của Twitter từ khi khởi nghiệp, là đặc trưng vốn có của Tumblr hay Pinterest. Facebook, một gã khổng lồ “to đầu” nhất trong lĩnh vực mạng xã hội dĩ nhiên luôn tránh việc “bắt chước” hết mức có thể, vì thế họ mới chọn Subscribe chứ không phải là Follow. Facebook đã kiên trì với quyết định của mình trong... vài tháng. Cho đến khi họ nhận ra những khác biệt rất nhỏ trong cách lựa chọn từ ngữ có thể gây nên những tác động khổng lồ.

Facebook đổi Subscribe thành Follow: Không hề đơn giản 1
Nút Subscribe chuyển thành Follow trên giao diện Facebook.

Thử lấy ví dụ trong tiếng Anh thì từ “Subscribe” và “Follow” mang 2 ý nghĩa không hề giống nhau. “Subscribe” chỉ dùng với các tạp chí, nhật báo, CLB giải trí, một nhóm hoạt động nào đó thì “Follow” lại dùng với những ngôi sao, nhà chính trị, nhà báo nổi tiếng, các luật gia... Một Subscriber luôn có xu hướng bỏ tiền túi ra cho những nội dung mình cần và họ có quyền lựa chọn trong khi Follower lại thụ động hơn. Vì thế, khi Facebook chọn cho mình từ “Subscribe” thay vì “Follow”, họ đang tự làm giảm đi tính chất “mạng xã hội” của mình. Giải thích vui bằng tiếng Việt thì: “Con người bao giờ cũng muốn theo đuổi (Follow) nhau chứ có ai muốn đăng ký (Subscribe) nhau bao giờ?”. Giả như Subscribe chỉ dùng cho page còn Follow dùng cho mỗi cá nhân thì sẽ hợp lý hơn cả.

Facebook đổi Subscribe thành Follow: Không hề đơn giản 2
Đặc trưng của Twitter: Follow.

Quay trở lại vấn đề chọn từ ngữ. Facebook cho cả thế giới và những đối thủ trong mạng xã hội khác thấy rằng “không có gì phải lo đâu, chỉ là đổi từ ngữ thôi mà” nhưng thực ra, tham vọng của họ không chỉ dừng ở mỗi việc “sửa chính tả”. Rõ ràng, một từ “mềm mỏng”, dễ chịu hơn như Follow sẽ khiến người dùng mới lẫn người dùng hiện tại cảm thấy thân thiện hơn, và họ dễ dàng click vào “Follow” hơn so với việc phải băn khoăn khi định click vào “Subscribe” như trước. Như thế, tính năng liên kết bền chặt mà Facebook đã xây dựng rất tốt cho người dùng ngày càng được củng cố.

Cùng lúc đó, Twitter cũng rậm rịch “cuộc cách mạng từ ngữ” bằng động thái thử nghiệm đổi nút Favorite thành nút Like (như trang công nghệ Techcrunch đã đưa tin). Mặc dù đây chỉ là tin đồn xoay quanh vô vàn thử nghiệm của Twitter nhưng nó cũng một phần cho thấy rằng: Chọn từ ngữ là điều không hề đơn giản trong việc xây dựng mạng xã hội của các ông lớn. 

Chỉ có một kẻ duy nhất đứng ngoài quy luật chọn từ ngữ đó là Google. YouTube sử dụng Subscribe thay vì Follow mặc dù nó cũng là một mạng xã hội, Google+ sử dụng +1 thay cho Like/Favorite và dùng “vòng tròn” thay cho Follow/Subscribe. 

Facebook đổi Subscribe thành Follow: Không hề đơn giản 3
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày