Câu hỏi này không xa lạ với nhiều bạn trẻ đang ngày ngày cập nhật Facebook. Sau những khoản thời gian thư giãn trên Facebook, bạn nên hỏi lại bản thân mình như vậy để tự đánh giá mặt tích cực và tiêu cực của Facebook đối với đời sống, học tập, công việc, sức khỏe và của chính mình.
1. Facebook: Môi trường kết bạn tuyệt vời
Facbook đã thu hút hơn 1 tỷ người dùng trên khắp hành tinh.
Chủ đề “Bạn dùng Facebook để làm gì?” trên các diễn đàn đã nhận được sự quan tâm và rất nhiều câu trả lời thú vị từ thành viên. Trong đó, tìm lại bạn cũ, giao lưu với bạn mới, chém gió, chia sẻ trạng thái, hình ảnh với mọi người là những câu trả lời phổ biến nhất – chiếm đến 81,21% trong một chủ đề tương tự trên vn-zoom.com. Qua đó cho thấy, Facebook thật sự chỉ là lựa chọn để các bạn trẻ tại Việt Nam thỏa mãn nhu cầu giải trí, thư giãn của mình. Thật vậy, Facebook có sự thông minh cần thiết để gợi ý những người mà bạn có thể biết, thông qua số lượng bạn chung (Mutual Friends) hay nơi ở (Lives), nơi làm việc (Employers),…. Nhờ đó, không ít trường hợp người dùng tìm lại được một người bạn đã thất lạc nhiều năm, mở rộng mối quan hệ với những người chưa hề gặp mặt nhưng có nhiều điểm chung.
Đây là một mặt tích cực của Facebook, đúng với ý tưởng ban đầu của CEO Mark Zuckerberg hướng tới là tạo nên một diễn đàn cho sinh viên trong trường ĐH Harvard trao đổi, thảo luận với nhau theo một cách mới mẻ. Sau đó nó đã phát triển ngoài mong đợi, trở thành mạng xã hội quan trọng nhất hành tinh.
2. Facebook: Thay thế nhật ký truyền thống
Theo truyền thống, con người thường viết nhật ký bằng cách ghi chép lại các sự kiện đã diễn ra đối với mình, tâm tư tình cảm theo thời gian thực vào một cuốn sổ. Và rồi sự xuất hiện của Facebook đã thay đổi thói quen trên của nhiều người vì nó mang đến chỉ "một trang giấy", nhưng không giới hạn lưu trữ, chưa kể nó còn đa dạng trong cách sử dụng. Theo đó, nếu một người sống thoáng thì có thể chọn Public để ai cũng đọc được dòng nhật ký của mình và nhận lại các Like tán đồng, Comment đánh giá, chia sẻ. Còn nếu không thích công khai những chuyện riêng tư thì bạn có thể chọn Private, nhưng khi đã sử dụng mạng xã hội thì có lẽ sẽ ít ai chỉ viết status, rồi giấu đó để chỉ mình mình đọc được. Dù Public hay Private, các bạn cũng cần biết rằng, mọi thứ bạn đã chia sẻ lên Facebook thì không có định nghĩa bảo mật tuyệt đối nữa, vì chính Facebook là một nhóm người hoàn toàn thấy được những điều riêng tư ẩn kín kia của bạn.
Nếu bạn lựa chọn Facebook thay thế cho sổ nhật ký thì có thể sử dụng thêm tính năng tải về lưu trữ offline để xem lại về sau, bằng cách vào Account Settings > chọn thẻ General > nhấn Download a copy.
Facebook đang trở thành nhật ký thời gian thực của nhiều người.
3. Facebook: Nơi xả stress, tìm sự cảm thông
Thay vì phải giữ nổi ấm ức, tức tối trong lòng, nhiều người đã lựa chọn Facebook để chia sẻ một cách nhiệt tình. Theo đó, họ chỉ cần trả lời câu hỏi của người bạn ảo này “What’s your mind?” là đã cảm thấy thoải mái hơn. Ngược lại, khi chia sẻ một niềm vui, niềm hạnh phúc thì niềm vui đó còn có thể được nhân lên nhiều lần. Như vậy, con người đã có thêm một lựa chọn để bày tỏ tâm tư, cảm xúc dù chỉ là ảo thay vì phải cần một người bạn tri kỷ thực tế.
Tuy nhiên, nếu người dùng không tinh tế khi chia sẻ một dòng trạng thái xả tress thì có thể gây ra những điều đáng tiếc. Chẳng hạn, nếu vừa cãi nhau với một người bạn và cứ thế bạn phăng phăng lên Facebook, dù không chỉ đích danh đối phương, nhưng Facebook sẽ như một chiếc "loa phát thanh", nó hiện dòng trạng thái của bạn trước mặt mọi người, cả người mà bạn muốn nhắc tới. Và không khó để người bạn này đọc, hiểu, rồi xa cách bạn mãi mãi. Do vậy, lời khuyên chân thành cho những ai thường xả stress trên Facebook, đó là khi chia sẻ rồi thì hãy “bịt miệng” Facebook bằng các tùy chọn Private hoặc Custom (tùy chọn những người được thấy/không thấy status) để không xảy ra những điều ngoài ý muốn.
4. Facebook: Khoảng cách giữa ảo và thực
Khi sử dụng Facebook, bạn cần đánh giá đúng tính chất của ảo va thực của nó để Facebook mang lại hiệu quả tích cực cho bạn. Thông qua Facebook, bạn có được nhiều bạn mới, chắc chắn là vậy! Nhưng hãy cân nhắc giữa việc chuyển hóa những mối quen biết ảo này thành thực, tránh bị thụ động. Đó cũng là vấn đề mắc phải của nhiều Facebooker, họ trở nên vô cùng thụ động, nếu chưa nói là tự kỷ khi suốt ngày chỉ lăm le nhấn Like, gõ Comment, nhấn Share một status. Để không phải là một thành viên trong nhóm người như vậy, bạn cần phải dành nhiều thời gian cho hoạt động thực tế hơn là lướt Facebook. Tất nhiên, những hoạt động thực tế này có thể khơi nguồn từ Facebook, như là offline một hội nhóm, tham gia các sự kiện thực tế, gặp mặt tán dóc với một người bạn lạ hoắc trên Facebook, nhưng cũng cần chú ý sự an toàn khi chuyển hóa ảo và thật để không bị lừa gạt, lợi dụng bởi kẻ xấu.
Mặc dù có rất nhiều điểm tốt và hấp dẫn tuy nhiên mạng xã hội số 1 này vẫn còn tồn đọng rất nhiều nội dung không tốt.
5. Facebook: "Chợ" mua - bán cho mọi người
Lựa chọn Facebook để kinh doanh là điều mà các doanh nghiệp hiện nay đang hướng tới. Theo đó, doanh nghiệp có thể tạo và quảng bá một Fanpage trên Facebook thật dễ dàng và hoàn toàn miễn phí. Nếu cung cấp dịch vụ, sản phẩm tốt, có những sự kiện hấp dẫn thu hút thành viên thì chẳng mấy chốc bạn đã có một gian hàng kinh doanh trực tuyến chẳng thua kém gì một website hay cửa hàng riêng.
Nếu bạn đang sử dụng Facebook cho mục đích kinh doanh và bước đầu đạt được sự thành công thì bạn hãy tích cực phát triển điều đó vì bạn đã dùng Facebook hiệu quả và vẫn đang còn một lượng lớn khách hàng tiềm năng phía trước.
6. Facebook: Thay đổi thói quen “show” ảnh
Thực tế, Facebook đã thay đổi mạnh mẽ thói quen của người dùng trong các chuyến du lịch, trước một bữa ăn. Cụ thể, thay vì chụp ảnh để lưu lại khoảnh khắc kỷ niệm, xem lại trên máy tính thì người dùng sẽ đặt suy nghĩ “up” (upload) lên Facebook trước tiên. Trước bữa ăn cũng vậy, có bao giờ bạn bị ngăn cản cầm đũa với câu “Khoan! Để chụp hình up Face cái đã.”? Đó chính là sự hiện diện của Facebook trong đời sống thường ngày. Sẽ không có một đánh giá tốt, xấu rõ ràng cho vấn đề này, song chúng ta dễ dàng nhận thấy những cuộc vui đã được tăng thêm sự thú vị khi nhắc tới Facebook.
7. Facebook: “Đốt” thời gian học tập, làm việc
Sẽ chẳng có gì phải nói nếu người dùng sử dụng Facebook đúng mục đích, không quá phụ thuộc vào nó. Cụ thể là bạn chỉ truy cập Facebook khi cần viết một status kêu gọi bạn bè đi ăn tối, chia sẻ hình ảnh một chú cún con đáng yêu vừa được hạ sinh hay khi quá rãnh rỗi nên vào Facebook xem bạn bè đang thế nào. Nhưng vấn đề đáng nói là một tỉ lệ quá lớn người dùng đã đạt đến ngưỡng “nghiện Facebook”. Theo đó, họ chia sẻ mọi thứ diễn ra, cập nhật, F5 liên tục trang Facebook dù chẳng có tác dụng gì cả, mà lại chiếm một phần lớn thời gian của học tập, công việc. Về lâu, có thể thói quen trên sẽ khiến họ bất giác tạm hoãn công việc để mở trình duyệt lướt Facebook, làm cho công việc bị trì hoãn, học tập không hiệu quả.
Nếu bạn đang trong trạng thái như thế thì bạn đã phạm phải một sai lầm lớn khi dùng Facebook. Chắc chắn bạn phải chủ động “làm tươi” lại bản thân để đủ tỉnh táo phân biệt rạch ròi giữa thời gian học tập, làm việc và Facebook.
8. Facebook: Nguồn gốc của “người quan trọng” ảo tưởng
Một điều mà ít người dùng Facebook nhận ra được đó chính là sự ảo tưởng mình quan trọng, là tâm điểm của mọi sự chú ý. Theo các chuyên gia, sự thể hiện rõ nhất của căn bệnh này là chủ ngữ xưng hô khi người dùng viết một status trên Facebook. Nếu là một người diễn viên, ca sĩ nổi tiếng, có một fanclub hùng hậu thì họ xưng hô “tôi”, “cả nhà” cũng đúng chuẩn mực thôi. Nhưng nếu bạn chưa phải là một người có vị thế trong mắt mọi người, mà lại viết những status cộc lộc, không có chủ ngữ, vị ngữ hay thường xuyên xưng hô theo ngôi thứ nhất thì hãy suy xét lại xem có phải bạn đang chia sẻ trạng thái dưới vai trò một người bạn cần sẻ chia? Hay bạn đang muốn thu hút sự tập chung của mọi người, bạn đang tự xem mình là trung tâm, là một người có vị trí đặc biệt quan trọng.
Bạn cần biết rằng, nếu bạn chỉ ngang hàng với mọi người, nhưng lại có những từ ngữ xưng hô thái quá thì rất dễ gây khó chịu với những người bạn Facebook của mình đấy!