Những thư tín bí mật của Apple tiết lộ, trong quá khứ Steve Jobs từng bị coi thường và xua đuổi khi cố gắng bắt đầu việc kinh doanh vào năm 1976. Kho tàng lưu trữ rất nhiều "hàng độc" được xây dựng ở một địa điểm bí hiểm, nằm đâu đó tại California (Mỹ).
Trong lần phỏng vấn khi còn sống, Steve Jobs và đồng sáng lập Steve Wozniak cùng kể lại buổi nói chuyện lịch sử, nguồn gốc của cái tên Apple khi 2 người chính thức khởi nghiệp vào 35 năm trước.
Kho lưu trữ bí mật về Apple tại trường Đại học Stanford.
Wozniak kể lại: “Tôi nhớ lần đó chúng tôi đang lái xe trên Đại lộ 85 và Jobs nói rằng nên đặt tên công ty là Apple Computer. Sau đó, chúng tôi cũng suy nghĩ thêm về một số cái tên khác song dường như không ý tưởng nào tốt hơn”.
Steve Jobs nói thêm: “Tôi từng làm việc tại hãng Atari. Và ít nhất thì cái tên Apple sẽ giúp chúng tôi xuất hiện trước Atari trên danh bạ điện thoại”.
Giữa thập niên 80, Apple duy trì một kho tư liệu tối mật. Nhưng đến năm 1997, khi Steve Jobs quay lại điều hành công ty, Apple đề nghị quyên tặng toàn bộ chúng cho trường Đại học Stanford.
Rất nhiều tài liệu gốc vừa được tiết lộ.
Trong vài ngày, những nhà quản lý của Stanford lần lượt ghé qua Apple, đóng gói và di chuyển mọi thứ trên 2 xe tải, bao gồm đầy đủ giấy tờ, sách, phần mềm, băng video và tài liệu tiếp thị. Đến nay, đây chính là những tư liệu quan trọng đóng góp vào bộ sưu tập Apple tại trường Stanford.
Từ lúc Steve Jobs qua đời vào tháng 10/2011, chỉ vài tuần sau khi chuyển giao vị trí CEO cho Tim Cook, dư luận cho rằng kỷ nguyên Apple sắp kết thúc. Tuy nhiên, “Apple là công ty rất, rất mạnh mẽ. Nó đã tồn tại qua nhiều thế hệ. Dù không còn Steve Jobs, nhưng Apple vẫn có thể chèo lái công ty bằng cách này hay cách khác”, nhà quản lý Henry Lowood của đại học Stanford nhận xét.
Apple từ bỏ dự định xây dựng bảo tàng riêng khi Steve Jobs quay lại nắm quyền lãnh đạo và bắt đầu tái cơ cấu công ty trong giai đoạn khó khăn. Sự kiện này đánh dấu thời kỳ tuyệt vời trong lịch sử “trái táo khuyết” với hàng loạt “bom tấn”, đưa Apple lên đỉnh thế giới.
Những tư liệu bí mật tiết lộ Wozniak từng rất muốn sở hữu 1 chiếc máy tính cá nhân nhưng chưa dám thực hiện, bởi ngoại trừ một số tổ chức chính phủ thì ngày đó rất ít máy tính được sử dụng.
Steve Wozniak chia sẻ: “Đột nhiên tôi nhận thấy việc xây dựng bộ xử lý với mức giá phải chăng là điều rất thực tế. Tuy nhiên, Steve Jobs đã đi xa hơn tôi khi thấy rằng nó có thể trở thành sản phẩm đại chúng, bán cho mọi người cùng sử dụng”.
Nhắc đến chiếc máy tính Apple I, lên kệ tháng 7/1976 với mức giá 666,66 USD, Steve Jobs tự hào: “Đó là sự thay đổi lớn về thiết kế máy tính trong những chiếc hộp thép lớn, với thiết bị chuyển mạch và đèn chiếu sáng. Apple I có thể không quá hữu dụng, nhưng điều tuyệt vời là chúng ta được sở hữu chiếc máy tính của riêng mình”.