Đã bao giờ bạn như muốn ném thẳng chiếc laptop của mình ra ngoài cửa sổ vì tự nhiên lại “chập cheng” vào lúc 3 giờ sáng và xóa bỏ mọi thứ bạn đang làm trong suốt mấy tiếng đồng hồ chưa?
Nói lời tạm biệt với những hỏng hóc rắc rối mà máy tính mang lại.
Nếu có, đây sẽ là một tin mừng cho bạn. Mới đây, các nhà khoa học tại trường Đại học London đã tạo ra được chiếc máy tính có khả năng tự sửa chữa. Theo như New Scientist đưa tin thì chiếc máy này sẽ tự động phục hồi gần như ngay lập tức các dữ liệu hỏng và chưa được backup.
Không dừng lại ở giới hạn của một chiếc máy tính, sáng chế này còn có thể có rất nhiều ứng dụng trong các lĩnh vực khác như y tế hay quân sự. Ví dụ như cho phép máy bay quân sự không người lái tự động sửa chữa hay tạo ra một hình mẫu não người thực tế hơn cho các mục đích nghiên cứu.
Những chiếc máy tính hiện tại thực ra không “đa nhiệm” như chúng ta nghĩ.
“Những chiếc máy tính mà các bạn đang sử dụng chỉ tạo cho chúng ta cảm giác nó đang chạy nhiều phần mềm cùng lúc, chúng chỉ đánh lừa bạn bằng khả năng chuyển đổi nhanh chóng giữa các tác vụ.” Peter Bentley, một thành viên của đội dự án trả lời báo giới.
Cùng với các cộng sự của mình, Bentley sẽ thiết kế lại máy tính để chúng có một phương thức hoạt động giống bộ não của con người. Chiếc máy tính này sẽ hoạt động theo phương thức: Sở hữu một bộ dòng lệnh được sao chép nhiều lần và đặt rải rác trong toàn bộ hệ thống, nếu một dòng lệnh không hoạt động, hệ thống sẽ truy xuất đến dòng lệnh chưa bị ảnh hưởng và tự động sửa chữa.
Anant Jhingran, nhà khoa học đứng đằng sau chiếc siêu máy tính của IBM nhận xét đây sẽ là thế hệ máy tính biết “mô phỏng thế giới tốt hơn”. Nếu trong tương lai gần chiếc máy tính này nói riêng hay công nghệ nó sử dụng nói chung được đưa vào sử dụng đại trà thì lợi ích chúng mang lại cho con người sẽ không hề nhỏ.