Trong một cuộc hội thảo gần đây, Andras Forgacs – một trong những nhà khoa học đi tiên phong trong công nghệ bio-printing (tạm dịch: in ấn sinh học) - đã tiết lộ các thông số đầy đủ của một loại thịt động vật nhân tạo mới, mở ra hướng đi về một nguồn cung thịt ổn định trong tương lai. Nếu công nghệ này được áp dụng, về cơ bản, con người sẽ sớm dùng máy in 3D để sản xuất thịt thay vì nuôi trồng gia súc gia cầm như truyền thống.
Forgacs bắt đầu bài thuyết trình bằng việc tính toán chi phí để sản xuất các miếng thịt bò nặng chỉ 1g. Để sản xuất ra định lượng đó, chúng ta cần 304 kg ngũ cốc, 2271 lít nước, 7 mét vuông đất nuôi trồng. Con số này là rất lớn bởi chỉ tính riêng một người Mỹ trung bình đã tiêu thụ 100kg thịt mỗi năm. Thêm vào đó, theo nghiên cứu 18% lượng khí nhà kính thải ra môi trường bắt nguồn từ hoạt động sản xuất và chế biến thịt. Có phải chúng ta đang đánh đổi quá nhiều cho một lát thịt?
Chi phí để chăn nuôi một chú bò cũng không hề nhỏ.
Không dừng lại ở đó, đời sống con người ngày càng nâng cao, nhu cầu về thịt từ đó cũng tăng lên theo cấp số nhân. Với 7 tỷ người trên trái đất, chúng ta đang phụ thuộc vào 60 tỷ vật nuôi. Trong khi đó, dân số thế giới được dự đoán sẽ đạt 9 tỷ người vào năm 2050, lúc đó lượng cầu sẽ tăng lên đến 100 tỷ vật nuôi. Con số này thực sự rất khó để đáp ứng.
Để giải quyết vấn đề này, sự tiến bộ trong công nghệ sinh học đã khai sinh ra rất nhiều các loại thịt thay thế, thế nhưng chúng lại quá đắt đỏ. Bên cạnh đó, lại không mang lại được hương vị cũng như các mô tế bào động vật giống như thịt thực tế.
Ngay lúc này các nhà nghiên cứu đã bắt tay vào phát triển loại thịt “in 3D” này.
Đến đây Forgas nhấn mạnh thịt nhân tạo sản xuất bằng máy in 3D có thể là câu trả lời. “Nếu chúng ta kết hợp kỹ thuật mô động vật và các yếu tố của công nghệ in 3D, tức là chúng ta đang bước chân vào lĩnh vực bio-printing” – Forgas nói. Ngay lúc này, các nhà nghiên cứu đã tiến hành làm việc với các tập hợp tế bào như một nguyên liệu chính cho bio-printing (thay cho nhựa và một số hợp chất khác trong công nghệ in 3D gốc). Với phương thức này, các lớp tế bào sẽ được sắp xếp với nhau chính xác và kết quả là thịt động vật sẽ được tạo ra.
Về vấn đề giá thành của sản phẩm này, Forgacs thừa nhận ở thời điểm hiện tại để làm ra được một cân thịt nhân tạo vẫn đang lấy đi một vài nghìn USD, nhưng ông tin rằng, các vật liệu đội ngũ nghiên cứu đang sử dụng sẽ càng ngày càng rẻ trong tương lai gần.
Không chỉ Forgacs mà các nhà nghiên cứu khác cũng cho rằng thịt sản xuất từ công nghệ in 3D sẽ là một đối thủ đáng gờm của thịt động vật trong tương lai, cả về giá cả, số lượng cũng như chất lượng.