Miền Bắc đang đi vào những ngày khắc nghiệt nhất của mùa đông, thời tiết có lúc thấp tới dưới 10°C kèm theo mưa ẩm ướt, có nơi còn xuất hiện tuyết. Việc bảo vệ thiết bị di động nhất là smartphone trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt như thế này là điều cần thiết.
Cần có giải pháp bảo vệ cho smartphone trong điều kiện thời tiết quá lạnh. (Ảnh minh họa) Lời khuyên cho màn hình cảm ứng:Mùa đông bạn thường sử dụng găng tay để giữ ấm, nhưng hầu hết các loại găng tay thông thường lại không tương tác được với các màn hình cảm ứng điện dung của smartphone và tablet. Màn hình cảm ứng điện dung sử dụng các thuộc tính điện từ trên ngón tay của con người, vậy nên một lớp vải, len dày của găng tay sẽ ngăn cản màn hình phát hiện và phản ứng với ngón tay.
Trên thị trường hiện đang có bán những loại găng tay dùng loại sợi dẫn điện đặc biệt ở phía đầu các ngón tay, giá cũng không quá đắt, tầm vài chục nghìn đồng. Vì thế, bạn có thể đeo găng tay này và chạm vào màn hình để sử dụng smartphone. Một lựa chọn khác là sử dụng bút stylus đang được bày bán khá nhiều trên thị trường nếu bạn hay phải gõ văn bản hoặc làm việc với smartphone trong các công việc đòi hỏi độ chính xác cao ở môi trường có tiết trời giá lạnh.
Găng tay chuyên dụng giúp thao tác trên màn hình cảm ứng của smartphone mà không gặp trở ngại gì. Một mẹo vui nữa là bạn cũng có thể sử dụng mũi của mình để gạt mở khóa màn hình hay trả lời cuộc gọi.
Điện thoại của bạn chịu được lạnh tới cỡ nàoMột số smartphone được thiết kế để chịu được trong một khoảng nhiệt độ nhất định. Ví dụ, khi tắt máy, iPhone 5S có thể chịu được nhiệt độ từ -20 độ C đến 45 độ C. Khi nó được bật lên, mức nhiệt độ chịu đựng được sẽ nhỏ hơn. Apple đề xuất rằng 0 độ C là môi trường nhiệt độ thấp nhất mà iPhone có thể hoạt động. Những điện thoại khác có chịu được ngưỡng nhiệt độ thấp hơn nhiều, một số dòng có thể hoạt động được khi nhiệt độ xuống đến -20 độ C.
Làm gì khi điện thoại của bạn quá lạnhKhi pin lithium-ion phải chịu nhiệt độ lạnh, hoạt động của chúng cũng bị ảnh hưởng rất nhiều. Chẳng hạn, khi lạnh, pin điện thoại có thể tiêu hao nhanh hơn bình thường, hoặc trong khi vẫn đang còn khá nhiều pin nhưng máy vẫn đột ngột "chết". Vấn đề này chỉ xảy ra tạm thời và khi thiết bị trở lại mức nhiệt độ ấm hơn, pin sẽ hoạt động bình thường.
"Trong trường hợp điện thoại của bạn bị tắt vì thời tiết giá lạnh, đừng khởi động máy cho đến khi bạn đã ủ ấm điện thoại. Khởi động lại máy ngay lập tức có thể gây hại đến điện thoại và làm tổn thọ đến thời lượng pin", Jeremy Kwaterski, một chuyên gia của trung tâm sửa chữa điện thoại di động CPR Cell Phone Repair cho biết.
Theo Kwaterski, không chỉ pin, smartphone được hình thành từ nhiều linh kiện điện tử khác, như màn hình LCD cũng có thể hoạt động kém hiệu quả trong những điều kiện nhiệt độ khắc nghiệt.
Nhiệt độ quá thấp cũng có thể khiến bề mặt kính của điện thoại dễ bị nứt, vỡ, đặc biệt nếu nó đã vốn có các vết nứt, xước vì lúc đó nó trở nên giòn hơn bao giờ hết. Đã có nhiều báo cáo về kính ở mặt sau của iPhone bị vỡ khi nhiệt độ xuống quá thấp. Tại Phần Lan, nhiệt độ trung bình cao vào mùa đông là khoảng 1 độ C, Cơ quan Tiêu dùng chính phủ đã phải khuyến cáo rằng điện thoại có thể gặp một vài vấn đề vì biên độ nhiệt ở đây khá cao.
Để điện thoại không quá lạnh, tất nhiên không nên để chúng vào những nơi lạnh. Hãy cất điện thoại vào trong các túi áo, túi quần gần với cơ thể bạn nhất, nơi chúng có thể "hưởng thụ" được hơi ấm của cơ thể bạn. Nếu bạn cần phải bỏ điện thoại ra, hãy tắt điện thoại thay vì chỉ chuyển sang chế độ nghỉ.
Sử dụng bao da, ốp lưng cũng giúp giữ ấm cho điện thoại. Có một số loại vỏ được thiết kế đặc biệt để điều tiết nhiệt độ của điện thoại trong những tình huống khắc nghiệt.
Nếu bạn cần phải dùng điện thoại để thực hiện các cuộc gọi trong trường hợp khẩn cấp, chẳng hạn đang lái xe trên con đường bị đóng băng thì nên mang theo nguồn điện dự phòng.