9 lý do bạn nên root các thiết bị Android

Cú Mèo, Theo Mask Online 00:00 15/02/2013
Chia sẻ

Cùng điểm qua những lý do bạn nên root các thiết bị Android thay vì dùng phiên bản hệ điều hành gốc.

Tương tự với lý do các iFan đưa ra khi quyết định jailbreak thiết bị Apple đó là khi chúng ta bỏ một khoản tiền lớn để tậu về chiếc điện thoại mơ ước, chúng ta nên có quyền được tùy biến thiết bị đến mức tối đa và tối ưu cho từng cá nhân và mục đích sử dụng, root là tác vụ dành cho Android tương đương với jailbreak đối với iDevice. Được biết đến là một trong những hệ điều hành có tính mở nhất, Android luôn làm hài lòng người dùng thích khám phá. Không dừng lại ở đó, với một thiết bị Android đã được root, mọi tùy biến dường như không có giới hạn nào.

1. Ứng dụng đa dạng

Nếu bạn là một người dùng Android, có lẽ bạn cũng không có quá nhiều thứ để phàn nàn về những ứng dụng khá ổn mà Google Play đã và đang mang lại. Thế nhưng, nếu bạn root thiết bị của mình, bạn còn có thể sử dụng được các ứng dụng tuyệt vời hơn và tận dụng tốt hơn khả năng của thiết bị. Trong một số trường hợp, bạn còn có thể thực hiện một số tác vụ mà nhà mạng, nhà sản xuất hoặc thậm chí Google không muốn bạn thực hiện. Một số ứng dụng thậm chí còn có thể dẫn đến các hành vi phi pháp.

9 lý do bạn nên root các thiết bị Android 1
Network Spoofer – một trong những ứng dụng dành cho các thiết bị root – dùng để tạo ra các sóng Wi-Fi giả nhằm trêu chọc bạn bè.

Bạn có thể tìm các ứng dụng dành cho thiết bị đã root đó ở đâu? Thật tuyệt vời, hầu hết chúng không ở đâu xa mà lại nằm trong chính kho ứng dụng của Google. Có một sự thật không thể phủ nhận rằng Google khá thoải mái trong việc người dùng root thiết bị (hơn là những gì Apple nhìn nhận về jailbreak).

2. Cập nhật hệ điều hành mới nhất

9 lý do bạn nên root các thiết bị Android 2
Root xóa bỏ khoảng cách giữa người dùng và hệ điều hành Android mới nhất.

Vấn đề cập nhật hệ điều hành luôn là vấn đề gây đau đầu cho người dùng Android. Mặc dù là hệ điều hành mở, thế nhưng việc cập nhật OS cho mỗi dòng máy lại phụ thuộc rất nhiều vào vấn đề thỏa thuận giữa Google, nhà mạng và nhà sản xuất. Người dùng tất nhiên thường mất bình tĩnh khi phải chờ đợi các hệ điều hành mới được cập nhật chính thức cho hệ máy của mình.

Đến đây, cộng đồng người dùng Android đã nghĩ ra cách giải quyết vấn đề. Bằng cách root thiết bị, bất kể lúc nào bạn cũng có thể tải về và cài đặt hệ điều hành mới nhất (tối ưu cho từng dòng máy) trước khi nó chính thức được cung cấp.

3. Thay đổi giao diện

9 lý do bạn nên root các thiết bị Android 3
Chìa khóa mang lại cơ hội tùy biến giao diện Android theo bất cứ cách nào.

Mỗi nhà sản xuất thiết bị đều tùy biến giao diện của Android để đánh dấu thương hiệu của mình và người dùng thường không hài lòng với chúng như với giao diện gốc của Android. Nếu bạn root thiết bị của mình, bạn có thể tải về các ROM (có thể hiểu là phần cơ bản của hệ điều hành) khác nhau và đa dạng từ có tính tùy biến cao đến cơ bản là Android nguyên gốc. “Thay da đổi thịt” cho chiếc điện thoại rất tuyệt phải không nào?

4. Xóa bỏ các ứng dụng không cần thiết

9 lý do bạn nên root các thiết bị Android 4
Các ứng dụng gốc mang lại bản sắc riêng cho mỗi nhà sản xuất, thế nhưng, không phải lúc nào chúng cũng có ích.

Không chỉ dừng lại ở giao diện, các nhà sản xuất gốc còn cài thêm rất nhiều các ứng dụng riêng cho từng dòng máy, và một số trong đó bạn chẳng bao giờ cần dùng đến. Ở hệ điều hành Android 4.1 Jelly Bean, bạn có thể disable chúng, nhưng disable ở đây chỉ đơn thuần là ẩn chúng đi chứ không phải xóa bỏ hoàn toàn. Bằng cách root thiết bị, bạn có thể tải các ứng dụng như Titanium Backup để xóa chúng mãi mãi.

5. Cải thiện tốc độ máy và thời lượng pin

9 lý do bạn nên root các thiết bị Android 5
Tùy biến các yếu tố cho phù hợp với yêu cầu của từng tác vụ.

Gần đây điện thoại của bạn hoạt động chậm hơn bình thường? Hoặc bạn không dùng nhiều điện thoại mà ngày nào cũng phải sạc pin? Root cho phép bạn cài đặt các kernel (về cơ bản là các phần mềm cho phép hệ điều hành “nói chuyện” với phần cứng) được tối ưu hóa khác nhau, ví dụ như một số được tạo ra để giảm lượng năng lượng tiêu thụ, một số khác để tối ưu tốc độ thiết bị. Bạn có thể tải các ứng dụng như Set CPU để ép xung hoặc giảm xung cho vi xử lí hoặc tạo ra giới hạn sử dụng. Thí dụ như bạn có thể thiết lập để vi xử lí vận hành mạnh mẽ hơn khi chơi game với đồ họa đặc sắc và giảm xử lí tối đa khi bạn không dùng máy.

6. Thoải mái tùy chỉnh

9 lý do bạn nên root các thiết bị Android 6
Chân trời mới để bạn tùy chỉnh thiết bị.

Dĩ nhiên, Android vốn được biết đến là hệ điều hành mở nhất hiện nay, thế nhưng, với một thiết bị được root, mọi thứ không chỉ dừng lại ở đó. Nếu bạn muốn tạo ra một thay đổi toàn diện, bạn có thể tải về các ROM hoàn toàn khác biệt với Android. Bạn thậm chí còn có thể làm thiết bị của mình có khả năng sử dụng được thông qua cử chỉ với GMD Gesture Control. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể thực hiện các tác vụ như thêm widget vào thanh thông báo, thay đổi cách các tính năng làm việc hay giao diện của chúng và rất nhiều các tùy chỉnh hay ho khác tùy thuộc vào độ mê “vọc” của bạn.

7. Tính năng đa dạng

9 lý do bạn nên root các thiết bị Android 7
Thoải mái trải nghiệm các tính năng thú vị.

Vượt xa hơn việc cho phép bạn tùy chỉnh các tính năng hiện có, root thiết bị còn mang lại rất nhiều các tính năng kì lạ khác chắc chắn sẽ làm bạn hài lòng. Bạn muốn kết nối tay cầm PlayStation và điện thoại để trải nghiệm trò chơi tốt hơn? Hoàn toàn có thể. Bạn muốn lập ra các danh sách các số điện thoại có thể gọi/không thể gọi cho bạn? Tại sao không. Nếu bạn gặp phải một số ứng dụng bị nhà mạng chặn hoặc ứng dụng không khả dụng ở nơi bạn sống, đã có Market Enabler, ứng dụng đánh lừa nhà mạng hoặc địa điểm của thiết bị. Lo lắng khi sử dụng Wi-Fi công cộng, Wifi Protector sẽ xóa bỏ mối lo ngại về các cuộc tấn công riêng tư. Xóa nhầm một tài liệu quan trọng, hãy để Undelete cứu cánh cho bạn.

Thật vậy, bằng cách root, khả năng của chiếc điện thoại bạn đang sử hữu là không giới hạn.

8. Biến thiết bị thành một điểm phát sóng Wi-Fi

9 lý do bạn nên root các thiết bị Android 8
Thoải mái chuyển dữ liệu kết nối từ điện thoại đến các thiết bị khác miễn phí.

Có lẽ hầu hết chúng ta đều biết một chiếc điện thoại có thể đóng vai trò như một điểm phát sóng Wi-Fi, cho phép bạn chuyển dữ liệu kết nối lên các thiết bị khác như laptop. Tuy nhiên, hầu hết các nhà mạng đều tính phí cho dịch vụ này. Bằng cách root chiếc điện thoại Android của mình, bạn có thể tải về ứng dụng Wireless Tethe từ Google Play để tạo ra một điểm phát Wi-Fi di động và mã hóa cho riêng mình mà không cần đến sự tác động của nhà mạng.

Một điểm duy nhất bạn nên chú ý khi dùng ứng dụng này đó là sử dụng dữ liệu trên laptop tốn hơn trên điện thoại rất nhiều.

9. Sao lưu dữ liệu tốt hơn

9 lý do bạn nên root các thiết bị Android 9
Sao lưu dữ liệu chưa bao giờ hoàn thiện hơn thế!

Có rất nhiều các ứng dụng hỗ trợ sao lưu dữ liệu cho chiếc điện thoại của bạn, thế nhưng hầu hết chỉ hỗ trợ sao lưu các dữ liệu cơ bản như danh bạ, hình ảnh, âm nhạc,… Nếu bạn có một thiết bị đã root, bạn có thể sao lưu dữ liệu sâu sát hơn. Titanium Backup là một ứng dụng như thế, ứng dụng này không chỉ cho phép bạn sao lưu các ứng dụng mà còn sao lưu cả phần thông tin chứa trong ứng dụng đó. Giả sử bạn đang dở trò chơi Temple Run mà lại phải xóa dữ liệu máy vì một vài lí do, bạn có thể dùng Titanium Backup để sao lưu và sau đó phục hồi lại dữ liệu và chơi tiếp trò chơi mình yêu thích.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày