7 ý tưởng công nghệ có ứng dụng thực tiễn cao

Cú Mèo, Theo Trí Thức Trẻ 00:04 29/08/2013
Chia sẻ

Công nghệ đang lấp đầy những khoảng trống còn thiếu trong cuộc sống của con người để mang lại cho chúng ta những trải nghiệm hoàn thiện hơn.

Mặc dù có thể vẫn đang ở giai đoạn thử nghiệm và phát triển, thế nhưng, với những phát minh được liệt kê dưới đây, chẳng ai có thể phủ nhận được lợi ích và tính thực tiễn rất cao mà chúng nắm giữ.

1. Camera ghi lại “nhật kí cuộc sống”

7 ý tưởng công nghệ có ứng dụng thực tiễn cao 1
Năm ngoái, có đến hai thiết bị camera theo phong cách lifelogging được lên kệ là Memoto Lifelogging Camera và OMG Life Autographer. Theo đó, cả hai thiết bị này đều có trọng lượng rất nhẹ và mang trên mình thiết kế cực kì ấn tượng. Cụ thể, Memoto có kích thước 36x36x9 mm với khả năng tự động chụp lại hình ảnh mỗi 30 giây. Thiết bị này có thể lưu trữ 4.000 bức ảnh ở độ phân giải 5MP. Về chiếc MOG Life Autographer, nó sở hữu ngoại hình lớn hơn người đồng nghiệp Memoto nên việc nó được trang bị những khả năng ấn tượng hơn như camera 8MP hay lưu trữ được đến 28.000 bức ảnh cũng là một điều dễ hiểu.

Những phụ kiện camera như thế này sẽ là một món quà thú vị cho những ai mong muốn được lưu lại trọn vẹn từng phút giây trải nghiệm của bản thân với cuộc sống.

2. Google Glass

7 ý tưởng công nghệ có ứng dụng thực tiễn cao 2
Từ khi nhen nhóm những ý tưởng sơ khai nhất cho đến khi những sản phẩm dùng thử đầu tiên đến tay người dùng, Google Glass luôn nhận được sự quan tâm lớn từ cộng đồng người yêu công nghệ nhờ tính đột phá của nó. Với Google Glass, rõ ràng công nghệ AR (mô phỏng thực tế) đang đến gần với thị trường đại trà hơn bao giờ hết.

Được biết, Google Glass sẽ có giá bán dự kiến nằm trong khoảng 299 USD. Tuy nhiên, trái với dự đoán cho rằng phụ kiện tưởng chừng như chỉ có trong các bộ phim viễn tưởng này sẽ có mặt rộng rãi trên thị trường trước khi năm 2013 kết thúc thì đến nay người dùng nhiều khả năng sẽ phải đợi đến đầu năm sau mới có thể chạm tay vào chiếc kính thông minh này.

Google Glass chắc chắn sẽ là chất xúc tác cực kì mạnh mẽ và hiệu quả thúc đẩy phân khúc công nghệ “mang mặc” đầy tiềm năng phát triển.

3. Công nghệ sản xuất thuốc “kéo – thả” Essemblix

7 ý tưởng công nghệ có ứng dụng thực tiễn cao 3
Chúng ta chỉ cần đơn giản “kéo và thả” để sản xuất ra thuốc, tương tự như cách chèn ảnh vào email? Đúng vậy, điều này là hoàn toàn khả thi.

Theo đó, công trình nghiên cứu Parabon Essemblix Drug Development Platform đã sử dụng một “giao diện máy tính kéo và thả” để tạo ra các hợp chất theo mỗi nguyên tử bằng cách ghép chúng lại với nhau. Tổ chức National Science cho hay “đây sẽ là một phương pháp cực kì hiệu quả để giảm thiểu thời gian chúng ta phải bỏ ra để tạo ra và thử nghiệm những liệu pháp y học mới.

Nếu không có công nghệ Assemblix, sản xuất thuốc mất rất nhiều thời gian và đắt đỏ, thậm chí có những quá trình phát triển kéo dài đến 15 năm và tiêu tốn 800 triệu USD. Thế nhưng, với công nghệ mới này, việc phát triển và thử nghiệm có thể chỉ kéo dài vài tuần hoặc thậm chí là vài ngày.

Có thể bạn chưa biết, thế nhưng, Essemblix đã có những thành quả đầu tiên của riêng mình mà đáng chú ý nhất là R24RDN, một loại thuốc giúp chữa trị ung thư não với chứng nhận hoàn toàn an toàn và hiệu quả.

4. Oculus Rift Virtual Reality Headset

7 ý tưởng công nghệ có ứng dụng thực tiễn cao 4
Thực tế ảo (Virtual Reality, VR) được hiểu một cách cơ bản là một thuật ngữ để miêu tả một môi trường mô phỏng bằng máy tính. Trước đây, vào những năm 90 của thập kỉ trước, một số thiết bị VR đã xuất hiện trên thị trường, thế nhưng ở thời điểm bấy giờ, ngành công nghiệp trò chơi vẫn chưa thể bắt kịp để cho ra đời những phần mềm tương xứng. Hơn thế nữa, những thiết bị VR thời đó rất nặng cùng khả năng hiển thị rất hạn chế.

Thế nhưng, công nghệ VR đã sẵn sàng quay trở lại với rất nhiều triển vọng cùng một thiết bị có tên Oculus Rift với tầm nhìn rộng, độ phân giải tương đương màn hình Retina cùng với đó là các công nghệ tân tiến như theo dõi chuyển động đầu để tính toán độ trễ.

Hiện nay, đã có một số tựa game chắc chắn sẽ có thêm một phiên bản dành riêng cho Oculus Rift. Do đó, chúng ta có thể hy vọng vào sự bùng nổ của thiết bị này trong tương lai gần.

5. Tay và chân máy được điều khiển trơn tru hoàn toàn bằng ý nghĩ

7 ý tưởng công nghệ có ứng dụng thực tiễn cao 5

Một nhóm các kĩ sư tại trường Đại học UC Irvine đã phát triển thành công một đôi chân robot có thể được điều khiển bằng suy nghĩ. Hiểu một cách đơn giản, nếu bạn nghĩ “Tôi muốn đi ngay bây giờ”, đôi chân này sẽ phản ứng lại bằng cách “đi” theo như bạn ra lệnh mà không cần bất cứ tác động vật lý nào. Hiện nay, những đôi chân này đang được thử nghiệm trên nhóm những người hoàn toàn khỏe mạnh và chúng sớm sẽ bước vào giai đoạn thử nghiệm chính thức trên đối tượng người khuyết tật.

Nếu thành công, đây sẽ là một tin vui cho những người không may mắn có được các bộ phận tay, chân bình thường.

6. Máy in 3D Form 1

7 ý tưởng công nghệ có ứng dụng thực tiễn cao 6
Máy in 3D bắt đầu nhận được nhiều sự chú ý từ đầu năm 2012 với rất nhiều đồ dùng, vật liệu có thể in được như trang sức, ghế, các bộ phận máy bay hay thậm chí là cả... súng.

Một trong những chiếc máy in 3D được đánh giá cao nhất ở thời điểm hiện tại phải kể đến cái tên Form 1. Thiết bị này sử dụng công nghệ in laser để có thể cho ra đời những tác phẩm chính xác đến từng chi tiết.

Trong tương lai, nhiều chuyên gia không hề ngần ngại khi đánh giá máy in 3D sẽ là một thiết bị không thể thiếu trong mỗi gia đình. Khi ấy, chúng ta sẽ phần nào trở lại thời kì “tự cung tự cấp” khi con người có thể mua các mẫu vật phẩm mình cần trên mạng và tiến hành tự in ra bằng máy in 3D. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại do có rất nhiều người sử dụng máy in 3D sai mục đích nên sản phẩm này mặc dù phát triển mạnh nhưng chưa đạt được sự phổ biến như mong đợi.

7. Tên lửa có thể tái sử dụng Grasshopper

7 ý tưởng công nghệ có ứng dụng thực tiễn cao 7
Con người đã bắt đầu hành trình chinh phục không gian từ những năm 1960 thế nhưng quá trình này là cực kì đắt đỏ vì những chiếc tên lửa phục vụ cho nhiệm vụ này đều “một đi không trở lại” và phải dựng lại từ đầu cho những lần phóng sau.

Sau nhiều năm nghiên cứu, công ty SpaceX của Elon Musk, tỉ phú sáng lập ra PayPal, người luôn luôn mong muốn được chinh phục sao Hỏa, đã dựng lên thành công tên lửa đầu tiên có khả năng tái sử dụng.

Theo đó, tên lửa này có tên Grasshopper và lần đầu tiên được phóng thử vào tháng Mười hai năm 2012. Sau lần này, Grasshopper còn được thử nghiệm rất nhiều lần nữa với kết quả rất khả quan khi hầu hết đều hạ cánh an toàn. Mặc dù còn khá non trẻ thế nhưng Grasshopper có thể sẽ mở ra kỉ nguyên chinh phục hàng không vũ trụ giá rẻ.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày