Tính trung bình, mỗi lỗi sai trên mạng xã hội khiến các công ty trên toàn cầu mất 4,3 triệu USD. Những chi tiết tuy nhỏ hoàn toàn có thể gây hiểu lầm hoặc phẫn nộ trong cộng đồng người theo dõi của fanpgae trên quy mô lớn. Do tính chất toàn cầu của mạng xã hội, một sai lầm nhỏ hoàn toàn có thê biến thành một lỗi gây hậu quả nghiêm trọng.
Trong bài viết này, mời các bạn tham khảo bảy lỗi nghiêm trọng nhất mà các fanpage của một số thương hiệu nổi tiếng đã mắc phải.
1. Nói chuyện với khách hàng một cách khô cứng
Khi một khách hàng phàn nàn với hãng Pizza Domino trên Facebook, gã khổng lồ thực phẩm này đã nhanh nhảu trả lời bằng một tin nhắn soạn sẵn với nội dung: "Xin lỗi vì điều đó! Xin hãy chia sẻ thêm một số thông tin với chúng tôi và vui lòng đề cập tới #1409193 để chúng tôi biết việc này đã được giải quyết".
Rõ ràng, khách hàng không bao giờ muốn nói chuyện với robot hoặc với những tin nhắn soạn sẵn cứng nhắc. Đừng sử dụng những tin nhắn soặn sẵn. Mạng xã hội là nơi giao lưu, trò chuyện giữa con người với con người. Marketing tự động đóng vai trò quan trọng trong việc tăng năng suất và thu thập số liệu nhưng nó không thể thay thế cho con người trong những công việc cần có sự tương tác.
2. Xóa bài đăng
Xóa bài đăng, tin nhắn của fan trên fanpage chính là phương pháp hữu hiệu nhất để xua đuổi fan. Khi người dùng đăng lên Facebook của Smuckers' những chỉ trích về việc hãng này đặt nhãn gián GMO (thực phẩm biến đổi gen) hoặc đặt câu hỏi về GMO trong sản phẩm của họ, Smuckers' đã xóa các bài đăng và giả vờ như chúng chưa bao giờ tồn tại.
Trang web GMOInside.org cũng đã đăng tải những lời chỉ trích lên fanpage của Smuckers' sau khi biết Smuckers' "chơi bẩn" nhưng những gì họ viết cũng bị Smuckers' xóa ngay lập tức.
Smuckers' hoàn toàn có thể lợi dụng những câu hỏi, những bài đăng của fan để nói rõ lập trường, trả lời rõ những gì fan còn thắc mắc từ đó thu hút thêm nhiều fan hơn nhưng họ đã bỏ qua, thậm chí còn làm mọi thứ tồi tệ hơn. Rất nhiều vấn đề có thể được xử lý gọn gàng trước khi mọi thứ tuột khỏi tầm tay.
3. Fanpage quá nhàm chán hoặc chỉ tập trung vào kinh doanh
Người tiêu dùng ngày càng mệt mỏi với những công ty cổ lỗ sĩ với những cách quảng cáo lạc hậu. Hơn một nửa số người dùng Facebook đã bỏ theo dõi những thương hiệu quá tập trung vào kinh doanh, tự quảng cáo hoặc quá nhàm chán.
GM là một ví dụ điển hình cho việc sử dụng fanpage Facebook để khoe khoang với khách hàng chứ không hòa nhập với họ. Đừng đăng cả thông cáo báo chí lên Facebook giống như GM, đừng để fan của bạn có cảm giác như đang ngồi trong cuộc họp báo công bố kết quả kinh doanh hàng quý khi vào fanpage của bạn. Hãy chỉ cho khách hàng thấy những điểm độc đáo và khác biệt mà công ty bạn đang có.
4. Quên tính chất toàn cầu của nội dùng
Một ngày trước khi Thụy Điển gặp Bồ Đào Nha tại vòng loại World Cup, Pepsi Max đã đăng tải một loạt ảnh quảng cáo trên fanpage Facebook chính thức của hãng tại Thụy Điển. Các hình ảnh này chụp hình nộm siêu sao bóng đá Bồ Đào Nha, Cristiano Ronaldo, bị trói và đặt trên một loạt vị trí nguy hiểm như nằm nghiêng trên đường ray xe lửa.
Bình thường, phần còn lại của thế giới không thấy những quảng cáo tại Thụy Điển, nhưng những người dân Bồ Đào Nha rất tức giận vì cho rằng quốc gia của họ bị xúc phạm, họ đã đăng tải những hình ảnh này cho toàn thế giới biết. Chỉ trong một ngày, một nhóm Facebook sử dụng tiếng Bồ Đào Nha anti Pepsi đã thu hút được hơn 100.000 người và Pepsi đã phải gỡ bỏ quảng cáo cũng như đăng tải lời xin lỗi.
Bạn biết đấy, có thể công ty bạn không kinh doanh trên phạm vi toàn cầu nhưng tất cả mọi thứ trên Internet đều có thể được thấy từ khắp mọi nơi.
5. Lạm dụng hashtag
Nên sử dụng hashtag trên Facebook hay không và sử dụng như thế nào cho hợp lý là một câu hỏi mà các quản trị viên fanpage vẫn đang cố gắng đi tìm câu trả lời. Bằng cách phân tích hơn 200.000 bài đăng trên Facebook, các nhà nghiên cứ thấy rằng số lượng hashtag lý tưởng cho mỗi bài đăng là một hoặc hai. Sử dụng quá nhiều hashtag thậm chí còn khiến bài viết ít được quan tương tác hơn. Lạm dụng hashtag sẽ biến fanpage của bạn trông như đang tuyệt vọng trong việc thu hút sự chú ý và lượt like.
Starbucks là hãng luôn lạm dụng hashtag. Họ luôn sử dụng hashtag tùy tiện, không có điểm dừng. Ví dụ, trong hình trên chỉ cần sử dụng hashtag #strawsome là quá đủ rồi. Hai hashtag còn lại chẳng liên quan tới bức ảnh, làm hỏng độ lan tỏa của bức ảnh.
6. Đùa cợt không đúng lúc
7-Eleven nghĩ rằng họ sẽ khiến fan cười bò lăn khi chia sẻ một bình luận Facebook dựa trên tạp chí Sức khỏe Tâm thần.
Rất ít fan cho rằng bài đăng này buồn cười trong khi đa số lại cho rằng nó có ý xúc phạm và 7-Eleven đã phải học chiến lược truyền thông mạng xã hội theo cách phũ phàng nhất. Phản ứng mạnh mẽ và nhanh chóng của cộng đồng mạng khiến 7-Eleven gặp khó trong khoảng thời gian dài.
7. Đừng đi đường tắt
Câu like trên Facebook là một dạng ăn xin trong thời đại kỹ thuật số và đây là một chiến lược tồi tệ. Khi bạn xin like, kiểu như bạn đang muốn nói với fan rằng: "chúng tôi không có bất cứ chiến lược nào và chúng tôi thậm chí không biết chắc chúng tôi là ai".
Oxiclean là hãng thực hiện phương thức đáng xấu hổ này.
Bạn nên tránh những sai lầm trên trong khi thực hiện chiến lược tiếp thị trên mạng xã hội. Đừng cầu xin hoặc mua fan, hãy thu hút họ với chiến lược nội dung tốt và chặt chẽ.
(Tham khảo TheNextWeb)