Hôm qua,
Facebook đã chính thức giới thiệu tính năng phản ứng mới với bài đăng trên
mạng xã hội này mang tên gọi Reactions cùng 6 biểu tượng dễ thương thể hiện tình yêu, haha, yay, wow, sad và angry bên cạnh nút like. Liên quan đến Reactions, The Verge đã có một bài phỏng vấn thú vị cùng Adam Mosseri, trưởng bộ phận phát triển News Feed để tìm hiểu thêm.
1. Người dùng yêu cầu những phản ứng đa dạng hơn với bài đăng bằng cách gửi đi... báo cáo lỗi
Facebook cho biết trong suốt thời gian vài năm qua mạng xã hội này đã liên tục nhận được yêu cầu mở rộng số lượng phản ứng, cách tương tác của người dùng với bài đăng. Theo đó, thông qua hình thức báo lỗi, nhiều người đã gửi đi những yêu cầu như "thiếu nút haha" chẳng hạn.
2. Facebook quyết định những nút "phản ứng" bằng cách quét những bình luận một chữ của người dùng
Facebook không quyết định bộ phản ứng trên bài đăng đầu tiên một cách ngẫu nhiên. Thay vào đó, ông lớn mạng xã hội làm điều này bằng cách quét các bình luận một chữ, thường mang tính chất bộc lộ cảm xúc của người dùng để đưa ra quyết định chính xác hơn. Những bình luận được Facebook cân nhắc có thể là haha, yay, wow, happy, sad...
3. Facebook cũng theo dõi các sticker cảm xúc trong bình luận
Nhiều người cho rằng Facebook Reactions giống tính năng đã có trên Path từ năm 2012.
Bên cạnh nội dung bình luận, sticker được để lại trong phần bình luận kèm theo mỗi bài đăng cũng là "tín hiệu" để Facebook quyết định phát triển bộ "phản ứng" đầu tiên. Gần đây, Facebook cũng thực hiện một thay đổi nhỏ với phần sticker trong đó các sticker được sắp xếp khoa học hơn dựa trên từng cảm xúc.
4. Reactions được cập nhật cho người dùng Tây Ban Nha và Ireland đầu tiên vì họ... không có bạn bè ở nước ngoài
Với lượng người dùng lớn, thử nghiệm tính năng trong một nhóm nhỏ là một thách thức với Facebook. Giả sử một người bạn "phản ứng" lại với một bài đăng của bạn với biểu tượng "haha" nhưng bạn lại không thể nhìn thấy "haha" do chưa được cập nhật là đủ để thấy độ rắc rối của thử nghiệm lần này.
Đó là lý do Facebook chọn người dùng Tây Ban Nha và Ireland để thử nghiệm đầu tiên bởi nhóm người dùng tại hai quốc gia này hầu hết không có bạn ở các quốc gia khác.
5. Người dùng không có nút "dislike"
Nút "dislike" (không thích) đã được người dùng Facebook nói đến trong vài năm trở lại đây tuy nhiên thực tế nút bấm này lại không hữu dụng như bạn tưởng vì không đủ sự cụ thể. "Nếu thấy một bài đăng buồn, bạn có thể "dislike" (không thích) nó, dù vậy, trong trường hợp này thực tế người dùng sẽ muốn bộc lộ sự cảm thông hơn". Tương tự với trường hợp một bài đăng làm bạn tức giận, một biểu tượng emoji giận dữ sẽ hay hơn nút "dislike".
(Tham khảo: The Verge)