Phần mềm gián điệp, bẫy lừa đảo, ứng dụng độc hại, lỗ hổng bảo mật và phần mềm giả mạo không chỉ gây rắc rối mà còn đánh cắp những thông tin quan trọng. Hãy chắc chắn rằng, bạn cập nhật phần mềm chống virus hoặc spyware thường xuyên, kèm theo tường lửa cá nhân, sử dụng mật khẩu phức tạp...
Công ty nghiên cứu nguy cơ mạng Kindsight vừa công bố bản đồ theo dõi sự dịch chuyển của 20 mối đe dọa hàng đầu trên Internet. Dưới đây là 5 trong số những virus lây lan nhanh nhất mà bạn không muốn gặp phải.
1. Zeus
Đúng với bản chất trojan, Zeus (hay còn gọi là Zbot) ngụy trang kèm trong email. Chúng giống như một đường link vô thưởng vô phạt hoặc cảnh báo người nhận về thông tin tài chính và yêu cầu sự giúp đỡ. Đường link bên trong email dẫn dắt nạn nhân tiết lộ thông tin tài chính. Một khi hệ thống bị nhiễm Zeus, tất cả mật khẩu đều bị lộ, những tổ hợp phím bị theo dõi và thói quen dùng web (các form nhập dữ liệu, form đăng nhập…) có thể bị can thiệp nhằm thu thập thông tin cá nhân.
Zeus gây thiệt hại hàng trăm triệu USD và rất nhiều người phải hầu tòa, nhưng không thể chắc chắn rằng Zeus sẽ ngừng tấn công. Những người tìm kiếm và sử dụng Zeus thường ủng hộ khoản tiền đáng kể cho tác giả của nó. Nhưng vào tháng 5 vừa qua, Zeus đã công khai mã nguồn do rò rỉ thông tin.
2. Sality
Sality là loại virus cực khó chịu. Chúng xâm nhập hệ thống thông qua tập tin tự động và cố gắng tải về những mã độc từ Internet. Thậm chí, Sality có thể sao chép chính mình vào ổ cứng rời, trú ẩn đến khi tìm thấy nạn nhân tiếp theo. Sality khóa những kết nối đến trang web bảo mật hoặc vô hiệu hóa những công cụ này.
3. Gamevance
Gamevance được phát tán dưới hình thức ăn theo những tựa game. Thay vì Angry Birds hay Bejeweled, chúng lừa đảo bằng Chick N’ Bash và Diamond Jewel. Ngay lập tức, những sản phẩm của Gamevance tặng cho bạn đống virus nguy hiểm.
Sau khi trò chơi được tải về, phần mềm sẽ không ngừng mở thêm cửa sổ quảng cáo. Giống hầu hết virus khác, Gamevance thu thập thông tin và theo dõi hoạt động trực tuyến của nạn nhân.
4. Hotbar
Truy cập Hotbar.com và click vào bất kỳ tựa game, video, thanh công cụ hoặc chạy tập tin đều gây nguy hiểm cho bạn. Trong năm 2006, nhà phát triển bị phạt 3 triệu USD vì sử dụng phương pháp cạnh tranh không lành mạnh để buộc người dùng tải về phần mềm quảng cáo và cản trở việc gỡ bỏ chúng. Đến nay, phần mềm gián điệp Hotbar vẫn chưa hoàn toàn bị chế ngự, thậm chí còn sống tốt nữa cơ.
5. FakeSysdef
Trông khá thân thiện trong lần chạy đầu tiên, FakeSysdef quét qua hệ thống để tìm kiếm lỗi và cảnh báo người dùng. Tuy nhiên, những thông báo lỗi và yêu cầu tải về gói hỗ trợ giả mạo luôn đòi hỏi khoản phí. FakeSysdef không giới thiệu bất kỳ lựa chọn từ chối nào. Nếu người dùng nhấp vào nút “Cancel”, máy tính sẽ reset liên tục, đến khi bạn chấp nhận tải về phần mềm rởm và đồng ý thanh toán.
Một trong những cách phát tán FakeSysdef phổ biến nhất là thông qua kết quả tìm kiếm hình ảnh hoặc mở trang web chứa mã độc.