Cuộc sống con người hiện nay, nếu so sánh với những gì đã diễn ra chỉ trong vòng một thập kỉ trước thôi, hẳn bạn sẽ thấy một sự cải thiện đáng kể. Trong đó, công nghệ đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Bài viết dưới đây sẽ phần nào cho bạn câu trả lời về những công nghệ đã, đang và sẽ có tầm ảnh hưởng tích cực, trên quy mô rộng đối với cuộc sống con người.
1. Cáp quang
Công nghệ cáp quang sơ khai lần đầu tiên được trình diễn vào năm 1840 bởi Colladon và Babinet. Hiện nay, cáp quang hiện đại là một loại cáp viễn thông được làm bằng thủy tinh hoặc nhựa để truyền dẫn tín hiệu. Công nghệ cáp quang được sử dụng rộng rãi trong truyền dẫn bởi nó ít bị nhiễu, bên cạnh đó tốc độ và khả năng truyền tải khoảng cách xa lại hiệu quả. Các nhà khoa học cũng đã chứng minh cáp quang có độ bảo mật cao hơn các loại vật liệu khác.
2. Graphene
Graphene có thể hiểu đơn giản là một lớp graphite có độ dày một nguyên tử. Năm 2010, hai nhà khoa học Andrei Geim và Konstantin Sergeevich Novoselov đã được giải Nobel Vật lý vì những cống hiến to lớn trong việc phát hiện ra graphene.
Trong tương lai, graphene sẽ có những ảnh hưởng mang tính cách mạng đối với ngành công nghiệp điện tử. Đơn cử, các siêu tụ điện graphene không chỉ có khả năng giữ điện vượt trội hơn pin truyền thống mà còn có tốc độ sạc đầy nhanh hơn gấp nhiều lần. Tuyệt vời hơn nữa, công nghệ graphene không quá đắt đỏ để tiến hành trên quy mô lớn.
3. Công nghệ điện thoại di động
Công nghệ cho phép các thiết bị điện thoại di động có thể kết nối với nhau thông qua một trạm phát sóng lần đầu tiên được đề xuất vào năm 1947, tuy nhiên, lúc bấy giờ diện phủ sóng của nó còn nhiều hạn chế. Phải đợi đến tận năm 1973 thế giới mới được chào đón cuộc gọi điện thoại di động thực sự đầu tiên được thực hiện thông qua một thiết bị của Motorola. Đến nay, điện thoại di động nói riêng hay các thiết bị di động nói chung đang là một trong những ngành công nghiệp có tốc độ phát triển ấn tượng nhất.
4. Máy tính cá nhân
Máy tính cỡ nhỏ bắt đầu được bán ra trên thị trường đại trà vào năm 1977 và khái niệm “máy tính cá nhân” chỉ thực sự xuất hiện 6 năm sau đó khi HP giới thiệu một dòng máy tính 9100A. Lúc bấy giờ, giá thành của những chiếc máy như thế còn rất cao trong khi hiệu năng còn nhiều hạn chế.
Mặc dù hiện nay vẫn có tới hơn 1 tỉ máy tính cá nhân đang hoạt động trên toàn thế giới nhưng nhiều nghiên cứu thị trường đã khẳng định smartphone và tablet đang dần trở thành xu hướng mua sắm chính của người dùng trên toàn thế giới.
5. Nano robot
Khái niệm nano robot để chỉ những thiết bị robot có kích thước các thành phần cấu thành chỉ xấp xỉ một nanomet. Hiện nay nano robot đang được tích cực nghiên cứu và phát triển trong đó một trong những ứng dụng lớn nhất của chúng là góp phần đưa thuốc điều trị đến đúng vị trí cơ thể cần thiết trong một số phác đồ điều trị ung thư hiện đại.
6. Vệ tinh viễn thông
Vệ tinh viễn thông cho phép tín hiệu TV, radio, dữ liệu... được truyền dẫn đến bất cứ nơi nào trên thế giới. Những vệ tinh này thường được vận hành nhờ năng lượng mặt trời. Được biết vệ tinh nhân tạo đầu tiên được phóng lên quỹ đạo thuộc về Liên Xô. Vệ tinh này mang tên Sputnik 1 và nó được dẫn lên vào ngày 4 tháng 10 năm 1957. Việt Nam cũng đã có vệ tinh viễn thông đầu tiên mang tên Vinasat-1 được phóng vào vũ trụ năm 2008.
7. Công nghệ năng lượng mặt trời
Công nghệ năng lượng mặt trời hiện tại có tác dụng giúp chuyển đổi hiệu quả năng lượng ánh sáng thành điện năng. Có thể bạn chưa biết, hiệu ứng quang điện đã được giới thiệu lần đầu tiên từ rất sớm vào năm 1839 bởi Becquerel. Hiện nay, năng lượng mặt trời vẫn chưa thực sự phổ biến, tuy nhiên, đây vẫn đang là nguồn năng lượng thay thế quen thuộc nhất với con người. Năng lượng mặt trời sẽ là một trong những giải pháp đầu tiên cần tận dụng trong việc giải quyết vấn đề thiếu năng lượng và nguồn cung năng lượng sạch trong tương lai không xa.
8. Internet of Things
Internet of Things hiện nay đang ngày càng trở thành một cụm từ quen thuộc. Theo đó, bạn có thể hiểu đây là một mạng lưới bao gồm các đối tượng có khả năng kết nối Internet và tác động qua lại giữa các dịch vụ web. Internet of Things có ảnh hưởng đến bất cứ đối tượng nào trong cuộc sống con người. Ví dụ giao thông công cộng sẽ là một trong những lĩnh vực có rất nhiều lợi ích từ Internet of Things, đặc biệt là đối với những tài xế lái ẩu khi mà xe hơi có thể “giao tiếp” với hệ thống đèn giao thông để tăng giảm tốc độ hợp lí, giúp tránh tắc đường, giảm thiểu tai nạn nghiêm trọng. Chiếc tủ lạnh trong kỉ nguyên Internet of Things sẽ tự động báo cho bạn các món đồ sắp hết hạn, kiểm tra công thức nấu ăn để thêm vào danh sách đi chợ những nguyên liệu còn thiếu.
9. Linh kiện bán dẫn
Lần đầu tiên được phát triển năm 1947, các thiết bị bán dẫn hiện nay là một linh kiện cơ bản xây dựng nên cấu trúc mạch ở máy tính điện tử và hầu như tất cả các thiết bị điện tử hiện đại khác. Định luật Moore, phát triển bởi Gordon Moore đã từng khẳng định xuyên suốt lịch sử phát triển phần cứng điện tử “số lượng linh kiện bán dẫn trên mỗi đơn vị inch vuông (xấp xỉ 6,45 cm vuông) sẽ tăng lên gấp đôi mỗi năm”, từ đây, bạn có thể thấy rõ tầm quan trọng của những linh kiện nhỏ bé này.
10. Internet
Thông điệp đầu tiên được gửi nhận thành công giữa máy tính với máy tính được thực hiện năm 1969 thông qua mạng lưới ARPANET. Tuy nhiên, công nghệ World Wide Web như chúng ta đang sử dụng thì đến tháng 3 năm 1989 mới được giới thiệu bởi Tim Berners-Lee. Website đầu tiên trên thế giới được hoàn thiện vào năm 1990. Được biết, tại Việt Nam, ngày 19 tháng 11 năm 1997 là ngày đầu tiên quốc gia hòa mạng Internet toàn cầu. Theo số liệu được công bố vào tháng 7 vừa qua, hiện nay có 16,1 triệu người Việt Nam sử dụng Internet hàng tháng, qua đó, Việt Nam là nước có cộng đồng mạng đông đảo nhất trong khối các nước ASEAN.
11. In 3D
Tạo ra các vật thể rắn ba chiều từ một công cụ số là điều đã được sử dụng trong ngành công nghiệp hàng không vũ trụ từ những năm 80 của thế kỉ trước. Hiện nay, công nghệ in 3D cho thị trường đại trà đã bắt đầu nhen nhóm và hứa hẹn sẽ là một trong những yếu tố cách mạng hóa nhiều ngành công nghiệp trong tương lai gần do con người sẽ có khả năng tự cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng một số vật dụng nhất định thông qua việc in các “tệp tin” mẫu. Hiện nay, máy in 3D thậm chí đã được bán ra ngoài thị trường nhưng mức giá của nó còn rất cao. Ở phiên bản Windows mới nhất, Microsoft thậm chí còn tích hợp tính năng hỗ trợ in ấn 3D, do đó, rõ ràng công nghệ này sẽ phát triển trong thời gian sớm.