Chỉ trong vòng chưa đầy một thập kỷ, Android đã phát triển nhanh chóng từ một hệ điều hành chỉ được cài trên một vài thiết bị thành một trong những hệ sinh thái di động phong phú bậc nhất. Trong số cả ngàn thiết bị Android trình làng trong những năm qua, dưới đây là 10 thiết bị độc đáo... nhưng kém thành công nhất.
Danh sách này được chuyên trang Android Greenbot thực hiện.
1. Samsung Galaxy Beam
Ngoài việc được tích hợp tính năng trình chiếu, Samsung Galaxy Beam không phải một thiết bị nổi bật. Máy có khả năng trình chiếu nội dung lên một diện tích tương đương 50 inch trong điều kiện phòng tối. Tuy nhiên thời lượng pin là một thách thức quá lớn cho tính năng yêu cầu nhiều năng lượng này. Đó là chưa kể đến việc kể cả những người thường xuyên dùng máy chiếu cũng chẳng cần nó đến mức muốn mua một thiết bị có máy chiếu tích hợp vào
smartphone. Ngoài ra, phần máy chiếu tích hợp khiến ngoại hình của Samsung Galaxy Beam khá cồng kềnh.
2. Kyocera Echo
Ra mắt cùng sự hợp tác với nhà mạng Sprint vào năm 2011, Kyocera Echo mang đến cho người dùng một thiết bị smartphone có tới hai màn hình đi kèm với đó là một giao diện người dùng
Android tùy chỉnh khá... lag giật và không có nhiều điểm nhấn hay về tính năng. Nhiều nguồn tin cho biết mặc dù có một dự án quảng cáo dài hơi đi kèm thì Kyocera Echo cũng không đón nhận được mấy thành công.
3. Samsung Continuum
Samsung Continuum là một thiết bị smartphone của ông lớn công nghệ Hàn Quốc với màn hình được chia thành hai phần ngăn cách bởi hàng phím điều hướng. Phần màn hình nhỏ thứ cấp theo đó có tác dụng hiển thị các thông báo, tin tức mới và một số thông tin khác, Về mặt ý tưởng, Samsung Continuum là một chiếc điện thoại có nhiều tiềm năng tuy nhiên trong thực tế phần màn hình phụ lại không mang lại được nhiều tiện ích lớn cho người dùng. Quan trọng là Samsung Continuum có thể là ý tưởng tiền thân của những chiếc smartphone có phần màn hình phụ và độc lập hiện đại như Samsung Galaxy Note Edge hay Samsung Galaxy S6 Edge.
4. Pantech Pocket
Pantech Pocket là một chiếc điện thoại có màn hình 4 inch độ phân giải 800 x 600 pixel. Phần ngoại hình của Pantech Pocket không được đánh giá cao với tỷ lệ màn hình 4:3. Máy được phân phối bởi AT&T một thời gian ngắn vào năm 2011 trước khi... biến mất không một dấu vết.
5. Sony Tablet P
Không ngại ngần sau thất bại của Kyocera Echo, năm 2012,
Sony cũng cho ra mắt một thiết bị Android hai màn hình của riêng mình mang tên gọi Tablet P. Không thể phủ nhận rằng chiếc máy này là một thử nghiệm đầy thú vị tuy nhiên một lần nữa những thiếu sót về mảng phần mềm hỗ trợ không thể mang nó tiến xa hơn được.
6. Motorola Backflip
Motorola Backflip có phần màn hình gập khá lạ mắt, để lộ phần bàn phím cứng trên thiết bị này. Thậm chí Motorola Backflip còn có một trackpad đa điểm chạm mang tên gọi Backtrack để người dùng tương tác với thiết bị. Dù vậy, nó mang đến không ít bất tiện cho người dùng do vô tình chạm phải khi cầm thiết bị.
7. Sony Ericsson Xperia Play
Là một thiết bị trượt nhưng thay vì có một bàn phím cứng thì Sony Ericsson Xperia Play sở hữu một gamepad chơi game khá chuyên nghiệp. Đáng tiếc máy không nhận được sự thành công như mong đợi mặc dù vẫn có nhiều người khá yêu thích nó. Sony Ericsson Xperia Play đã tấn công vào một thị trường quá hẹp để có thể nhận được thành công lớn.
8. Motorola Flipout
Với màn hình 2,8 inch tỉ lệ 4:3 cùng phần bàn phím cứng được đặt dưới màn hình, Motorola Flipout là một trong số những thử nghiệm dũng cảm được
Motorola tiếp tục đưa ra. Sản phẩm này thu hút được khá nhiều sự chú ý nhưng lại không quá thành công với lý do chính nằm ở việc phần mềm chưa được tối ưu cho màn hình vuông.
9. LG Optimus Vu 2 / Intuition
LG Optimus Vu 2 được đánh giá là một trong những thiết bị phablet tệ nhất LG từng sản xuất. Máy có màn hình 5 inch cùng tỷ lệ 4:3 mang đến phần ngoại hình khá... không được lòng người dùng.
10. Samsung Galaxy Round
Trong khi các thiết khác thường cong theo chiều dọc (từ đầu đến đuôi máy) thì Samsung Galaxy Round cong theo chiều ngang (từ phải sang trái). Samsung có tạo ra một số tính năng về phần mềm để tận dụng kiểu thiết kế kì lạ này nhưng không tính năng nào trong số chúng tạo được tiếng vang lớn.
(Tham khảo: GreenBot)