1. Vào tháng 1, hàng loạt tin nhắn nhăng cuội và status bậy bạ xuất hiện trên Facebook và Twitter của cô nàng Selena Gomez. Một kẻ có biệt danh PkinJ0r đã đăng tải video chứng minh rằng trang Facebook này đã bị hack thành công như thế nào, kèm theo tin nhắn: “Tài khoản này bị hack bởi PkinJ0r – Aka – Prokill...”. Vài phút sau, tin tặc còn nhắc đến Justin Bieber, chúng viết tiếp: “Oh yeah, Justin Bieber thật ngốc”.
Sự việc kéo dài khoảng 30 phút thì bị phát hiện, phía Selena đã can thiệp và xóa mọi tin nhắn bẩn. Ngoài ra, cô nàng cũng gửi lời xin lỗi đến fan vì sự cố đáng tiếc này.
2. Nghệ sỹ có đông người hâm mộ trên Twitter là mục tiêu ưa thích của dân hacker. Cũng vào tháng 1, tin tặc tấn công tài khoản Foursquare có kết nối tới trang Twitter của nam diễn viên Ashton Kutcher. Bọn chúng mạo danh và đăng những đường link độc hại nhằm dẫn dụ fan trên Twitter của Kutcher bấm vào. Phải 6 tiếng sau thì vụ việc mới được phát hiện. Thậm chí, Kutcher còn trả đũa bằng cách đăng hình ảnh bản đồ cho thấy vị trí của tay hacker vừa lợi dụng mình.
3. Một nạn nhân khác của dân hacker trên mạng xã hội Twitter là ngôi sao truyền hình gợi cảm Kim Kardashian. Sau khi xâm nhập tài khoản, tin tặc không tìm thấy bất kỳ thông tin nhạy cảm nào. Tuy nhiên, chúng đã gửi lên một số tin nhắn giả mạo và khóa luôn tài khoản Twitter khiến chủ nhân thực sự không thể đăng nhập từ máy tính, mặc dù Kim Kardashian vẫn có thể gửi tin nhắn qua điện thoại.
4. Câu chuyện gây chấn động nhất năm 2011 phải kể đến trường hợp của Sony. Vào tháng 4, mạng trực tuyến PlayStation Network bị hacker xâm nhập và đánh cắp dữ liệu cá nhân của 77 triệu người dùng, bao gồm họ tên, ngày sinh, email, mật khẩu và thông tin thẻ tín dụng. Đây là một trong những vụ thất thoát dữ liệu lớn nhất lịch sử internet. Trong năm 2011, Sony còn phải đón nhận nhiều vụ tấn công đánh cắp dữ liệu khác, nhiều kẻ xấu bị cảnh sát bắt giữ nhưng thiệt hại vẫn rất nặng nề.
5. Vào tháng 8, ngay sau khi RIM tuyên bố hỗ trợ cảnh sát điều tra những kẻ kích động bạo lực tại Luân Đôn (nước Anh), hacker liền có hành động “dằn mặt” nhà sản xuất smartphone này. Blog chính thức Inside BlackBerry bị nhóm tin tặc TeaMp0isoN đánh sập. Chúng còn lớn tiếng đe dọa nếu RIM còn tiếp tục hợp tác với cảnh sát, hacker sẽ công khai toàn bộ dữ liệu về nhân viên công ty, bao gồm tên, địa chỉ nhà riêng và số điện thoại.
6. Cộng đồng Facebook chứng kiến câu chuyện “sốc” chưa từng thấy vào tháng 11. Khoảng 2 vạn tài khoản của thành viên tại thành phố Bangalore (kinh đô của ngành công nghệ cao Ấn Độ, thung lũng Silicon thứ hai của thế giới) bị hacker tấn công và đánh cắp hình ảnh cá nhân. Tin tặc đem hình ảnh qua trang web bẩn, dán khuôn mặt vào các ngôi sao khiêu dâm nhằm bôi nhọ người khác. Thậm chí, chúng còn gửi lại đường link cho nạn nhân được biết. Rất nhiều người dùng đã quyết định rời bỏ mạng xã hội mãi mãi bởi cảm thấy quá xấu hổ trước bạn bè và gia đình.
7. Cuối tháng 12, hacker đã tấn công, đánh cắp mật khẩu quản lý tài khoản Twitter và Facebook của Lady Gaga, sau đó đăng tin cô nàng muốn gửi tặng những chiếc iPad 2 bản đặc biệt cho người hâm mộ trong 72 giờ liên tục.
Câu chuyện trở nên rùm beng khi hơn 100.000 thành viên mắc lừa và gửi thông tin cá nhân của mình cho tin tặc. Trên Facebook và Twitter, kẻ xấu để lại đường link bẩn dẫn đến trang thu thập thông tin trái phép, bạn phải hoàn thành các nội dung yêu cầu nếu muốn nhận được iPad 2 miễn phí. Sau khi hoành hành trong vài tiếng, bài viết “lừa tình” đã được tháo xuống.
8. Nhằm vào giới chính trị gia, tin tặc đánh cắp tài khoản Facebook của Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và tung lên thông báo giả mạo rằng ông không có ý định tái cử. Kẻ mạo danh còn ghi lại đường dẫn tới fan page mang tên “Từ biệt Nicolas Sarkozy”, kêu gọi người cùng tham dự buổi tiệc ăn mừng ngài Tổng thống từ chức vào ngày 6/5/2012 tại quán cà phê Le Fouquet trên Đại lộ Champs Elysees.
9. Vào tháng 5, Epsilon, tập đoàn tiếp thị hợp pháp qua email lớn nhất thế giới thông báo máy chủ của hãng bị tấn công, làm rò rỉ tên thật và địa chỉ email. Khách hàng của Epsilon là nhiều tập đoàn lớn như JPMorgan Chase, Capital One, Marriott Rewards, US Bank, CitiGroup và Walgreens. Danh sách hàng triệu e-mail đính kèm thông tin cá nhân sẽ trở thành thiên đường cho tội phạm lừa đảo trực tuyến. Chúng thường tạo ra e-mail rởm và gửi đến người dùng, yêu cầu họ gửi thêm dữ liệu nhạy cảm khác.
10. Trớ trêu thay, một công ty chuyên về giải pháp bảo mật cho doanh nghiệp như RSA Security cũng bị tấn công vào tháng 3, chứng tỏ phong cách ngày càng liều lĩnh của giới hacker. Mọi việc trở nên mỉa mai hơn khi báo giới phát hiện, cái gọi là “cuộc tấn công cực kỳ tinh vi” lại xuất phát từ việc một nhân viên RSA tải nhầm tập tin Excel chứa mã độc khai thác lỗ hổng zero-day của Flash được đính kèm trong email.