Chiều muộn ngày 19/1/2012, trang chủ Bộ Tư pháp Mỹ ngừng hỗ trợ dịch vụ, bước khởi đầu cho những vụ đánh sập website nổi tiếng như Hiệp hội ghi âm, Hội điện ảnh, Warner Brothers, FBI… Đúng vậy, đó là chiến tích của nhóm tin tặc đình đám Anonymous. Bài viết này dựa trên cuộc nói chuyện với Phoenix (biệt danh của hacker), người từng tham gia cuộc tấn công và ăn mừng thành quả với các chiến hữu.
Phoenix là một sinh viên đại học, không bao giờ tự nhận mình là thành viên của Anonymous. Dĩ nhiên, chúng giống như phương châm của tổ chức này: “Bạn không thể cắt đứt đầu của một con rắn không đầu”. Anonymous không có thành viên chính thức, không có sự phân cấp giữa mỗi người tham gia hay chương trình làm việc cụ thể. Nhưng họ đã thực hiện hàng loạt phi vụ tấn công lớn vào hệ thống máy tính lừng danh của MasterCard, Paypal, Sony, công ty bảo mật, website Chính phủ tại nhiều quốc gia...
Trở lại ngày 19/1, Anonymous muốn tìm cách trả thù khi giới chức
đóng cửa Megaupload, trang chia sẻ bị cáo buộc xâm phạm bản quyền trực tuyến nghiêm trọng, gây thiệt hại hơn 500 triệu USD (khoảng 10.500 tỷ đồng) cho ngành công nghiệp giải trí, bắt giữ người sáng lập Kim Dotcom và các gương mặt cốt cán.
Tin tức về sự việc nhanh chóng lan tỏa và một tin nhắn của Anonymous xuất hiện trên Twitter, cổ vũ mọi người tập trung tiêu diệt trang chủ Bộ Tư pháp cũng như các tổ chức liên quan. Bằng cách hướng dẫn người dùng truy cập vào một liên kết và “bắn phá” website được chỉ định, hàng loạt trang mạng buộc phải đóng cửa, dấu hiệu “mục tiêu bị hạ”.
Cuộc chiến giống như một trò chơi, chỉ khác là nó diễn ra với mức độ cao hơn và cái giá phải trả cũng không hề nhỏ. Nên nhớ, năm ngoái, 14 thành viên Anonymous đã bị bắt tại Mỹ và một số nhân vật có thể chịu kết án lên tới 15 năm tù.
Phoenix chia sẻ: “Chúng tôi coi đây là một cuộc chiến tranh công nghệ thông tin đúng nghĩa. Ai sẽ là người có quyền kiểm soát nội dung trên internet? – Mọi người hay một nhóm người? Câu trả lời xác đáng nhất là Chính phủ và họ phải trả giá”.
Cuộc chiến Internet
Cuộc chiến giành quyền kiểm soát nội dung trên internet đang phát triển trên diện rộng và không chỉ có Anonymous quan tâm đến khía cạnh này. Hàng loạt cuộc “biểu tình” diễn ra như
Wikipedia ngừng cung cấp dịch vụ trong 24 giờ, Google mang đến 4,5 triệu chữ ký chống lại SOPA và PIPA, hành động phản đối tích cực của Mozilla và nhiều tổ chức khác.
Phía bên kia, các nhà sản xuất phim ảnh, âm nhạc, phần mềm… đang nỗ lực thông qua dự luật cho phép họ khởi kiện website vi phạm bản quyền, cho dù chúng được đăng ký tại bất cứ nơi đâu trên trái đất.
Dưới quan điểm của Anonymous, hành động trên đã ngăn cản tự do ngôn luận, đồng thời khẳng định: “Internet là miền Tây hoang dã và chúng tôi chiến đấu chống lại bất cứ nỗ lực nào nhằm thay đổi điều này”.
“Bố già”
Cũng giống như anh chàng Phoenix, “Bố già” (The Godfather) là một nhân vật gạo cội thuộc Anonymous, đang sống tại Boston (nước Mỹ). Người đàn ông 35 tuổi đang tá túc trong một căn hộ với phòng ngủ được trang trí bởi những dàn máy tính cực "khủng" và đống vỏ Pepsi chất đầy dưới sàn nhà.
Dáng vẻ tự tin, “Bố già” – Gregg Housh khẳng định mình có những thông tin đủ sức phá hủy danh tiếng của một trùm truyền thông quyền lực tầm cỡ thế giới. Tuy nhiên, ông vẫn đang tìm cách đảm bảo an toàn cho người tố giác trước khi lên tiếng: “Trước khi tôi chết, tôi muốn thấy đế chế của hắn sụp đổ trước mắt mình”. Housh cũng từng trả lời phỏng vấn của tờ New York Times, CNN… nhưng từ chối nhận mình là người phát ngôn của Anonymous – “Không ai có thể đại diện cho toàn bộ ý chí của Anonymous” – Housh khẳng định.
Trên thực tế, Housh không quan tâm quá lớn đến thứ khác, cha của ông từng bỏ lại gia đình khó khăn, thế nên Housh đánh giá cao giá trị đồng tiền. Cuộc đời ông đã thay đổi từ ngày phát hiện thấy một lỗi trên máy chơi game video năm 10 tuổi. Nhờ đó, Housh thu hút được 3 đồng sự tại các thành phố khác nhau làm việc cho mình, nhằm kiếm tiền từ việc khai thác lỗ hổng. Đến năm 14 tuổi, mẹ ông mua cho con trai mình chiếc máy tính đầu tiên. Và chỉ sau 30 phút, mọi bộ phận có thể tháo rời đều được bày la liệt trên sàn nhà.
Chưa hết, Housh tham gia một nhóm tin tặc năm 16 tuổi, từng bị FBI bắt giữ năm 2001 và tống giam 3 tháng. Mãn hạn, Housh gia nhập nhiều nhóm tin tặc khác và hiện đang là một thành viên của Anonymous.
“Có hai loại người trong Anonymous, một muốn thay đổi thế giới và một chỉ muốn để cho vui. Tôi thuộc nhóm thứ nhất và những người như tôi đều đang nghĩ rằng mình là một lực lượng nhân danh công lý” – Housh chia sẻ.
“Internet là đây”
Cộng đồng internet đang ngày càng gây ảnh hưởng lớn trên mọi phương diện, thậm chí lan đến cuộc sống thường ngày. Housh nhớ lại sự kiện mà ông từng tham gia năm 2008, khi YouTube đăng tải đoạn video về giáo phái Scientology với hình ảnh và tuyên bố hài hước. Sau đó, đại diện giáo phái này lên tiếng yêu cầu YouTube phải gỡ bỏ đoạn video trên và chúng khiến Anonymous nổi giận.
Kế hoạch tác chiến nhanh chóng được xây dựng và chia làm 2 phần việc chính thông qua video: tuyên chiến trực tiếp với Scientology và kêu gọi biểu tình phản đối Scientology khắp mọi nơi.
Trên thực thế, Housh và các thành viên khác nghĩ rằng chẳng mấy ai hưởng ứng thông điệp, nhưng họ đã nhầm to. Hàng ngàn người đeo chiếc mặt nạ Guy Fawes và hò hét ầm ĩ trước cửa trung tâm Scientology tại 142 thành phố trên khắp thế giới. Đồng thời, thành viên biểu tình cùng nhau giương cao thông điệp: “Đồ chết tiệt, internet là đây”.
Có thể nói, nếu người dùng internet liên kết với nhau, sức ảnh hưởng của họ không thể xem nhẹ. Và Anonymous, những người tự coi mình là một lực lượng nhân danh công lý hẳn cũng cảm thấy dễ chịu hơn trong cuộc chiến khốc liệt ấy.